Mệnh lệnh từ trái tim
Cách đây chưa lâu, trong lúc cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/14 đang chuẩn bị bữa cơm chiều, bất chợt máy I-com sóng cực ngắn trên kênh 14A vang lên: “Tàu cá gọi nhà giàn, tàu cá gọi nhà giàn”. Chiến sĩ báo vụ trong ca trực đáp lại: “Nhà giàn xin nghe”. Tiếng một người đàn ông gấp gáp: “Có ngư dân gặp nạn, cứu chúng tôi”.

Ngay sau đó, tàu cá B.Th-2169 tiến dần đến nhà giàn trong những con sóng lừng lững dâng cao 2-3m. Khi tàu cặp chân đế nhà giàn, Trung tá quân y Phạm Văn Bảy nhoài người quăng dây mồi cho tàu cá, rồi bám dây leo lên tàu. Sau khi sơ cứu người bệnh, dây thừng được thả xuống để các chiến sĩ trên nhà giàn dùng cầu tời kéo ngư dân gặp nạn lên. Giây phút thót tim qua mau, người bệnh được đưa lên sàn nhà giàn an toàn, kịp cứu chữa.
Đó là trường hợp ngư dân Trần Văn Lợi (24 tuổi) không kịp bơi lên do bình ô xy hỏng dẫn đến ngạt nước và hôn mê trong quá trình lặn ở độ sâu 20m xuống đáy biển bắt hải sâm. “Lúc tôi nghe nhịp tim, đồng thời kiểm tra tròng mắt, đo huyết áp, thổi ngạt…, anh Lợi người “mềm oặt”, chân tay không động đậy, nhịp thở yếu, bụng trướng to.
Xác định người bệnh bí tiểu giãn bàng quang có nguy cơ vỡ bàng quang dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời, tôi nhanh chóng luồn ống thông tiểu qua niệu đạo bệnh nhân và dùng miệng hút nước tiểu người bệnh ra ngoài”, Trung tá Phạm Văn Bảy kể lại. Đây cũng là một trong nhiều kỷ niệm mà Trung tá Phạm Văn Bảy nhớ nhất trong 16 năm công tác tại 5/15 nhà giàn DK1.
Gần 10 năm làm nhiệm vụ quân y trên các nhà giàn DK1, ngoài khám chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn, Thiếu tá quân y Bùi Văn Thọ (nhà DK1/10) cũng không ít lần cấp cứu ngư dân gặp nạn. “Lính thì mình quen rồi, còn như ngư dân mỗi lần đến vào hôm sóng to, gió lớn, phải rất vất vả mới đưa được người bệnh lên nhà giàn.
Nếu các bệnh hay tai nạn nhẹ, chúng tôi sẽ điều trị tại chỗ, còn với trường hợp nặng hơn thì vẫn cần sự hỗ trợ từ đất liền”, Thiếu tá Bùi Văn Thọ chia sẻ. Nhiều ngư dân không may bị tai nạn, ốm đau khi đánh bắt trên vùng biển đảo Tây Nam của Tổ quốc, đều rất cảm kích, vì khi đi biển dài ngày, họ thường phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe. Trong môi trường làm việc xa bờ có khi lên tới hàng trăm hải lý, thì nhà giàn DK1 chính là điểm tựa, y bác sĩ là “thiên thần áo trắng” để bà con yên tâm vươn khơi bám biển.
Thanh xuân nơi biển trời Tây Nam
Công tác gần 17 năm tại Trạm ra đa 595 - Trung đoàn 551, Vùng 5 Hải quân trên đảo Hòn Khoai (Cà Mau), Đại úy quân y Nguyễn Văn Quang đã dạn dày nắng gió. Nhớ về những lần cứu ngư dân, Đại úy Nguyễn Văn Quang kể: Có lần tàu đánh cá của ngư dân Bạc Liêu bị sóng đánh, dây trên thuyền bật vào làm rách mí mắt phải một ngư dân.

Sau khi đưa vào trạm sơ cứu và khâu vết thương, Đại úy Nguyễn Văn Quang còn cấp phát thuốc để ngư dân yên tâm điều trị... Vợ và 2 con của Đại úy Nguyễn Văn Quang sống tại Hà Nội, cách đảo Hòn Khoai hàng ngàn cây số. Vợ anh làm kế toán, con lớn học lớp 9, đứa nhỏ lớp 7. “Nhớ vợ, nhớ con thì ai cũng nhớ, song chúng tôi luôn đặt nhiệm vụ lên hàng đầu. Phải an tâm công tác tư tưởng, bảo vệ biển đảo quê hương cũng giống như bảo vệ gia đình mình vậy”, Đại úy Nguyễn Văn Quang tâm sự.
Cách đảo Hòn Khoai hàng trăm hải lý, Thổ Châu (tỉnh An Giang) là đặc khu xa nhất, thuộc quần đảo Thổ Chu, nằm trên vùng biển Tây Nam. Đặc khu hiện có trên 2.500 người dân sinh sống và khoảng 1.000 ngư dân vãng lai đến buôn bán, đánh bắt hải sản. Để bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và người dân trên đặc khu, ngoài lực lượng quân y Hải quân còn có Bệnh xá quân dân y Trung đoàn 152 (Quân khu 9).
Đại úy - bác sĩ Phùng Duy Thành, Bệnh xá trưởng Bệnh xá quân dân y Trung đoàn 152 (có hơn 10 năm gắn bó với bệnh xá) cho biết: “Bệnh xá hiện có 16 nhân viên, y bác sĩ được chia thành 5 tổ để thực hiện nhiệm vụ. Mỗi ngày đơn vị phân công 1 y bác sĩ ra trực ở trạm y tế đặc khu Thổ Châu để phối hợp khám chữa bệnh cho người dân. Đã có hàng chục ca bệnh nặng được y bác sĩ bệnh xá cấp cứu thành công. Nhiều ca phẫu thuật như mổ ruột thừa, mổ sinh con, sốc nhiễm trùng, sốt xuất huyết nặng được cứu chữa kịp thời”.
Bày tỏ cảm phục những người lính quân y nơi đầu sóng ngọn gió, ông Nguyễn Trọng Hồng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy đặc khu Thổ Châu, xúc động chia sẻ: “Quân và dân trên đặc khu rất yên tâm về công tác khám chữa bệnh và tin tưởng ở tay nghề của các y bác sĩ trên đảo. Cái được lớn nhất là sự tin tưởng của người dân nơi đảo xa, giúp người dân yên tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.