Đóa sen thơm Đồng Tháp

Năm 1917, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được bạn bè đón về Cao Lãnh (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp). Cụ tiếp tục làm nghề bốc thuốc chữa bệnh giúp dân. Nhưng mục đích chính của cụ vẫn là tìm bạn cùng chí hướng để cứu nước. Cao Lãnh đã trở thành quê hương thứ hai của cụ. Từ đây cụ đã có rất nhiều chuyến đi đến An Giang, Châu Đốc, Bến Tre, Mỹ Tho, Long An. Cụ sang cả Campuchia. Những nơi cụ đến thường là chỗ có phong trào yêu nước, có nhân sĩ yêu nước. Cụ vẫn thường lên Sài Gòn để gặp chiến hữu và tìm tin tức của Bác Hồ.
Đóa sen thơm Đồng Tháp

Năm 1917, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được bạn bè đón về Cao Lãnh (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp). Cụ tiếp tục làm nghề bốc thuốc chữa bệnh giúp dân. Nhưng mục đích chính của cụ vẫn là tìm bạn cùng chí hướng để cứu nước. Cao Lãnh đã trở thành quê hương thứ hai của cụ. Từ đây cụ đã có rất nhiều chuyến đi đến An Giang, Châu Đốc, Bến Tre, Mỹ Tho, Long An. Cụ sang cả Campuchia. Những nơi cụ đến thường là chỗ có phong trào yêu nước, có nhân sĩ yêu nước. Cụ vẫn thường lên Sài Gòn để gặp chiến hữu và tìm tin tức của Bác Hồ.

Lăng cụ Nguyễn Sinh Sắc tại tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: C.T.V

Lăng cụ Nguyễn Sinh Sắc tại tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: C.T.V

Ngày ấy, ông Bùi Văn Tiêu (Ba Tiêu) là một người bạn tốt của cụ. Ông Ba Tiêu quê ở miền Bắc, tham gia phong trào chống Pháp bị địch an trí bắt buộc ở Sài Gòn. Ông mở tiệm giặt ủi quần áo trên đường Lagrandière (nay là đường Lý Tự Trọng) và từ lâu, nhà ông Ba Tiêu là điểm tới lui liên lạc của các thủy thủ tàu viễn dương có lòng yêu nước. Cũng tại đây, một lần cụ Phó bảng nhận được tin bán tín bán nghi: Có một thủy thủ Việt Nam bị bệnh chết, khi tàu chạy qua châu Phi và rất có thể đó là Nguyễn Tất Thành. Dẫu là tin thất thiệt nhưng cũng làm cụ đau buồn, mất ăn mất ngủ mấy tuần liền, cụ nói với một người bạn: “Nước mất, nhà tan, choa (1) như cánh bèo trôi…”. Cánh bèo ấy lại trôi về Đồng Tháp và nơi địa linh với nhiều sinh khí cách mạng yêu nước này đã sưởi ấm lòng cụ Phó bảng.

Cuối năm 1919, cụ Phó bảng lại trở về Sài Gòn. Như mọi lần, nơi cụ đến trước tiên là nhà ông Ba Tiêu. Lần này gặp cụ, ông Ba Tiêu vui hẳn lên, đưa cụ Phó bảng vô phòng khách, chưa kịp mời nước, ông Ba Tiêu đã bí mật rút ra đưa cho cụ tờ báo Pháp Humanité (Nhân Đạo) và vui vẻ nói: “Đây, đây, đọc đi, có cái này sướng lắm”.

Cụ Phó bảng thấy được ngay ở trang nhất có đăng Bản yêu sách của nhân dân An Nam. Cụ đọc không sót một từ nào trong bản yêu sách, người cụ như có điện chạy rần rật từ đầu đến chân, cụ dừng lại ở cuối bản yêu sách, đọc kỹ dòng: “Thay mặt nhóm những người Việt Nam yêu nước” ký tên: Nguyễn Ái Quốc. Như có một linh tính báo cho cụ về Nguyễn Ái Quốc. Cụ liền hỏi ông Ba Tiêu.

- Nguyễn Ái Quốc là ai, anh Ba?

- Trời, còn ai nữa. Nguyễn Tất Thành đó thôi.

Lời nói của ông Ba Tiêu khẳng định linh tính của cụ. Cụ Phó bảng đứng đậy, chồm đến ôm ghì lấy Ba Tiêu.

- Ôi anh Ba, thật vậy sao...

Cụ Phó bảng cảm động nói không ra tiếng, cười trong nước mắt. Cụ thấy mình như sống trong mộng ngây ngất, bay bổng... Từ đó cụ Phó bảng càng xác định được mục tiêu của đời mình: Hãy làm cho nhiều người Việt Nam, nhất là lớp trẻ biết yêu nước, thương nòi và lo cứu nước.

Tại Cao Lãnh, những năm cuối đời, cụ Phó bảng ở nhà ông Năm Giáo, hàng ngày cụ đi bộ ra chợ Cao Lãnh xem mạch, kê toa ở tiệm thuốc Hằng An Đường. Trưa, cụ về nhà ông Năm ăn cơm. Cụ ăn uống thanh đạm như mọi cụ đồ xứ Nghệ. Tại mảnh đất Cao Lãnh, cụ Phó bảng đã chứng kiến sự ra đời của tổ Thanh niên cách mạng đồng chí Hội và tháng 9-1929, An Nam Cộng sản Đảng được thành lập ở Cao Lãnh.

Vì tuổi già sức yếu, cụ Phó bảng không thể làm gì được hơn nhưng cụ biết hạt giống đỏ cách mạng đang nảy mầm ở Việt Nam có sự cày xới, chăm bón, ươm mầm của cụ và các bạn cụ trong suốt gần hai chục năm qua. Cụ càng vui hơn khi biết tổ chức Đảng này thành lập là theo ý hướng của Nguyễn Ái Quốc, niềm hy vọng thiêng liêng của cụ.

Mọi người đều biết rằng suốt đời cụ Phó bảng luôn sống thanh bạch liêm khiết, không bao giờ tiệc tùng đình đám, kể cả khi cụ đậu Phó bảng và lúc được thăng quan. Thế nhưng, lần này, tại Cao Lãnh, cụ lại bỏ tiền mua một con heo làm thịt, mở tiệc, khoản đãi bạn hữu tri ân. Cụ nói là để tạ ơn tổ tiên trời đất. Nhưng những người thân thiết với cụ như ông Chánh Nhứt Đáng thì cho rằng cụ mở tiệc để trước hết mừng hạt giống đỏ nảy mầm ở Cao Lãnh. Sau là, cụ biết sức mình đã mãn. Cụ muốn cảm tạ bà con bè bạn ở quê hương thứ hai của mình. Cụ Phó bảng thường nói: “Ở đây tôi có các bác, có bà con bạn hữu thương tôi hơn cả ruột thịt”.

Cụ Phó bảng mất ngày 27-10 năm Kỷ Tỵ (tức 27-11-1929). Chỉ chưa đầy 100 ngày sau đó, Đảng Cộng sản Việt Nam do Bác Hồ sáng lập bằng việc hợp nhất ba tổ chức An Nam Cộng sản Đảng (ở Nam bộ), Tân Việt (ở Trung bộ) và Đông Dương Cộng sản Đảng (ở Bắc bộ) đã được thành lập ở Hương Cảng (Hồng Công).

Sau khi miền Nam được giải phóng, ngày 19-5-1975, quân dân tỉnh Sa Đéc (tức Đồng Tháp ngày nay) đã tổ chức một buổi lễ trọng thể rước ảnh Bác Hồ về viếng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Hàng ngàn bà con Cao Lãnh, Sa Đéc có mặt hôm ấy đều cảm động và nghĩ như đang rước Bác Hồ vào thăm miền Nam, đang cùng Bác Hồ đến viếng người cha vĩ đại.

Lúc sinh thời cụ Phó bảng thường nói: “Tôi sinh ra ở xứ sen vàng (làng Kim Liên), tôi lang thang khắp miền đất nước, ngày nay xế bóng trụ lại ở xứ Đồng Tháp này, tôi chỉ có một ước nguyện được làm một bông sen nhỏ”.

Cụ Phó bảng nằm đó, trước mặt cụ là một hồ sen với ngôi sao năm cánh. Cụ không chỉ xứng đáng là bông sen Đồng Tháp, mà mãi mãi cụ là đóa sen thơm nở giữa lòng Tổ quốc.

TRÌNH QUANG PHÚ
——————————
(1) Choa (âm xứ Nghệ): tôi

Tin cùng chuyên mục