Trong chương trình đi bộ “Sánh bước yêu thương”, chung bước cùng người khuyết tật hôm đó, tôi đã gặp Trà My. Đã nghe nhiều người kể, đã từng xem nhiều sách báo về nhà văn Trần Trà My với những nỗ lực vươn lên không ngừng trong cuộc sống nhưng khi gặp chị ngoài đời thật vẫn thấy điều gì đó rất đáng suy ngẫm.
Là một nhà văn trẻ nổi tiếng, người phụ trách truyền thông một tập đoàn lớn, là nhà hoạt động xã hội, thật khó tin đó là một cô gái nhiễm dioxin, chưa từng đến trường, không thể tự đi, nói không tròn chữ, viết bằng một ngón tay…
Đi qua cát nóng
Trà My sinh ra trong một gia đình nghèo ở Đông Hà, Quảng Trị. Ba tháng tuổi, My bị khối u máu ở chân, được phẫu thuật nhưng sau mổ, Trà My chết lâm sàng 8 tiếng. May mắn tỉnh dậy nhưng My lại bị liệt cả hai chân, tay rất yếu và giọng nói cũng đứt quãng, không tròn vành rõ tiếng. Khi My được 8 tuổi, quá thương con gái đang tuổi đến trường, ba My đi khắp nơi tìm thầy thuốc, chữa cho My cứng cáp để đi lại. Nhưng hệ thần kinh, các cơ quá yếu nên chỉ một tiếng động cũng khiến My ngã lăn ra đất. My không thể đến trường.
Tuổi thơ của Trà My là những chuỗi ngày đầy nước mắt vì không được vui chơi, đến trường như các bạn cùng trang lứa, không thể làm gì khi bệnh tật hành hạ mỗi ngày. My chia sẻ đó là những ngày tháng thật khó khăn và trở thành gánh nặng cho gia đình. Không được đến trường, mỗi ngày lại thấy mấy đứa em đi học về, trong Trà My lại tràn lên nỗi khát khao cháy bỏng về những con chữ. Chính em gái Khánh Ly làm “cô giáo” cho chị mình. Kiên trì học hỏi, nên việc đọc, viết, tính toán của Trà My cũng trở nên đơn giản.
Từ khi biết đọc, Trà My rất ham đọc sách. Không ngờ cũng chính từ việc đam mê sách mà Trà My đã phải lòng với văn chương. Trong nhật ký của mình, Trà My từng viết: “Năm tôi lên 9 tuổi, em gái tôi đã học lớp 1. Cứ mỗi chiều, khi em gái và mấy đứa trong xóm đi học về, tôi lại chạy ra hỏi: “Thế hôm ni học được bài gì? Cho chị xem với”. Em gái tôi và mấy đứa trong xóm lại kể cho tôi nghe chuyện bài vở, bạn bè, trường lớp. Tối, khi em gái tôi ngồi học bài, tôi lại ngồi kế bên. Tôi bắt chước như một bản năng để sinh tồn. Và cứ bắt chước như thế cho tới khi có gì không hiểu thì hỏi đứa này đứa kia... Biết chữ, biết viết, biết làm toán, với tôi và mọi người trong nhà đó là một kỳ tích, chỉ đơn giản vậy thôi chứ chẳng có ai nghĩ về tương lai sau này tôi sẽ...”.
Trải qua một cú sốc lớn năm 16 tuổi, My tìm đến cái chết nhưng không thành. Rồi My bắt đầu tìm lại ước mơ cho mình, bắt đầu viết văn. My viết không chỉ để được trút những suy nghĩ vào đó, không chỉ để được sống với bao số phận nhân vật… mà viết còn để đem câu chuyện của mình đến với mọi người và mang đến sức mạnh niềm tin cho họ. Những số phận trong sách, My bảo không lấy từ chính bản thân mà lấy chất liệu từ cuộc sống, từ những người xung quanh My, không xa lạ. Nhưng qua lăng kính của My, những câu chuyện hiện lên trên các trang văn khiến người đọc rung động.
Trà My đoạt giải ba cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật của Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị năm 2006 với truyện ngắn Mặc cảm. My cũng lân la viết những tạp văn, rồi truyện ngắn và mạnh dạn gửi đi các báo, tạp chí. Chính văn chương và gia đình là những cánh chim đưa Trà My đi qua vùng cát nóng.
Khẳng định mình
Năm 2007, Trần Trà My đã từ Quảng Trị vào TPHCM để chữa bệnh và quyết định vào sống tự lập ở đây. Cô tâm sự: “Cuộc sống ở Sài Gòn vốn khắc nghiệt không riêng gì ai. Tôi đã gặp nhiều khó khăn nhưng chính những khó khăn đó giúp tôi có thêm nghị lực. Và vì bên cạnh tôi luôn còn nhiều người tốt, nhiều người sẵn sàng ở bên cạnh và giúp đỡ tôi…”.
Trần Trà My hiện tại là một cô gái khuyết tật luôn lạc quan và có nghị lực sống mạnh mẽ…và là tác giả của 3 cuốn sách Giấc mơ đôi chân thiên thần, Chúng ta chính là mùa xuân, Yêu trên từng ngón tay.
Với những nỗ lực không ngừng, Trà My đã gặt hái được một số thành công đáng ghi nhận: giải khuyến khích cuộc thi “Biết chữ cho cuộc sống tốt đẹp hơn” do UNESCO và Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức năm 2009; vào vòng chung kết 30 truyện ngắn hay và đoạt giải nghị lực do Báo Tiếp Thị Gia Đình tổ chức năm 2010 với truyện ngắn Hoa hậu quý bà. Trần Trà My cũng góp mặt trong bộ ảnh 90 gương mặt người khuyết tật tiêu biểu Việt Nam. Họ đã sống như thế của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á, cũng là một trong 5 nhân vật chính của bộ phim tài liệu Cuộc đời sau trang sách (đạo diễn Phan Huyền Thư) kể về những tấm gương vượt qua nỗi đau khuyết tật, vươn lên khẳng định bản thân. Trà My cũng là cộng tác viên thân thuộc của Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM, Đài PT-TH Quảng Trị, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Báo Giác Ngộ, Báo Mực Tím...Mới đây nhất, trong chương trình “Sánh bước yêu thương”, Trà My được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao phần thưởng cao quý cho tấm gương khuyết tật tiêu biểu các vùng miền trong chương trình học bổng “Hỗ trợ trẻ em khuyết tật tài năng Việt Nam”.
Trà My đã từng làm rất nhiều công việc: chuyên viên sáng tạo và tổ chức sự kiện cho Công ty Bảo vệ cuộc sống khỏe Heath, cung cấp dịch vụ và sức khỏe khám tại nhà; người đồng sáng lập quỹ “Giấc mơ đôi chân thiên thần”, nơi hoạt động để giúp đỡ các bạn trẻ khuyết tật như mình. Với những kinh nghiệm làm việc liên quan đến truyền thông, Trà My học rất tốt môn PR dù trước đó chưa từng đến trường.
Chị Nguyễn Thị Thu Hồng, Giám đốc điều hành Công ty Moco Event, giảng viên môn PR của Trà My tại Viện Đào tạo quốc tế BMG, cho biết: “Trà My là học viên của BMG năm 2011. Với hoàn cảnh đặc biệt của Trà My tôi đánh giá rất cao sự cố gắng vượt bậc của em ấy. Với năng lực chuyên môn đã được học trên lớp và quan hệ tốt với giới truyền thông của mình, tôi tin Trà My sẽ còn có những bước phát triển dài trong tương lai”.
Điều khiến chị Thu Hồng cũng như nhiều người ấn tượng nơi Trà My đó là sự trong sáng và vô tư. “Trà My rất thu hút người khác. Chính sự trong sáng và vô tư của em làm cho người bình thường khi đối diện sẽ cảm thấy bối rối vì không dễ có được nét đẹp này trong mỗi con người bình thường. Cô bé cũng có tình yêu rất đẹp như những bạn gái bình thường khác; cũng rất kiêu kỳ, đáng yêu khi luôn tự tin về bản thân…Tôi luôn là fan hâm mộ, luôn chờ đón những tác phẩm mới từ em. Và tôi luôn cầu mong cho Trà My có sức khỏe để tiếp tục hoàn thành những dự án của riêng mình để chia sẻ với cộng đồng, với xã hội những điều tốt đẹp nhất”, chị Hồng chia sẻ.
Nhìn dáng người co ro, phải nhờ sự trợ giúp của chiếc nạng được thiết kế đặc biệt bằng inox nhưng trên môi Trà My luôn là nụ cười rạng rỡ, ai cũng cảm nhận được nụ cười ấy ẩn chứa nghị lực phi thường. Một cô gái nhỏ khuyết tật chưa từng được đến trường nhưng tự mở được cánh cửa tri thức cho đời mình chỉ bằng những ngón tay yếu ớt và một tâm hồn rộng mở, đầy yêu thương. Quá khó để tin một cô gái như thế lại có những trang viết đến nao lòng, quá khó để tin những câu chuyện trong các trang sách thấm đẫm kia lại được viết bằng những ngón tay co quắp. Nhưng Trà My đã làm được, làm rất tốt. Và Trà My thật sự xứng đáng với cái tên “đóa xương rồng trên cát bỏng” như nhiều người ưu ái gọi.
VÕ THẮM - THÀNH SƠN