Chào mừng giải thưởng văn học nghệ thuật TPHCM 5 năm (2006 - 2011) lần đầu tiên Ban nhà văn trẻ Hội Nhà văn TPHCM tổ chức chuyến đi thực tế rất hữu ích về Nông trường cao su Bình Lộc.
Đoàn nhà văn trẻ đã vượt hơn 80 cây số về thâm nhập tìm hiểu đời sống công nhân cao su ở ấp Xuân Thiện, xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai và có những buổi gặp gỡ giao lưu đầy thân thiện và xúc cảm. Đoàn được mời dự đám cưới công nhân ngay tại nông trường, chung vui cùng gia đình và đôi bạn trẻ trong cái nắng vàng ươm đầy mật ngọt, hứa hẹn bao ngày vui nồng ấm đang chờ hai trái tim cùng nhịp đập.
Từ 4 giờ sáng, đoàn nhà văn trẻ đã phải thức dậy và được hướng dẫn ra rừng cao su xem, nghe, trao đổi với công nhân đang trực tiếp khai thác cạo mủ cao su. Trời đêm lạnh hơi sương, đó đây nhấp nháy những tia sáng từ ánh đèn (kiểu đèn soi ếch) của công nhân xen lẫn điệu nhạc êm dịu, du dương từ máy thu âm được đặt ở một góc rừng.
Chị Phạm Thị Lệ Thu thuộc tổ 1, đội 3 - công nhân khai trực tiếp - cho biết: “Em phải tranh thủ dậy và đi làm khi trời còn đậm hơi sương thì mủ cao su ra mới nhiều. Cạo mủ 400 cây trong một ngày công lao động. 400 cây cao su này đã gắn bó nặng tình với em suốt thời gian qua”. Còn chị Bích cạo mủ cao su từ lúc 3 giờ sáng đến khi gặp trao đổi với chúng tôi lúc 5 giờ 40 phút, chị nói đã hoàn thành công việc hơn 200 cây, chắc khoảng 7 giờ sáng là xong nốt các cây còn lại (tổng cây cao su phải cạo mủ bình quân là 400 cây/người).
Các nhà văn trẻ xúc động tận mắt chứng kiến nỗi vất vả của người công nhân khai thác cao su, được hiểu thêm công việc đặc thù, thầm lặng của những người mang lại “vàng trắng” cho đất nước!
Trời vừa hửng sáng, chúng tôi lên xe tiến về Đồi Bái tham quan và nghe những tâm tình của lãnh đạo và công nhân Đội 3 (khai thác và xây dựng cơ bản) về loạt cây mới trồng từ tháng 8-2012 đến nay. Được biết, diện tích đất trồng 100ha trên Đồi Bái thuộc loại đất khô cằn sỏi đá, loại đất N2.
Tại vườn giống cao su, đoàn được ông Đào Quang Tự, Trưởng ban Tổ kỹ thuật vườn giống cao su của Nông trường Bình Lộc, chia sẻ quy trình tạo giống cây mới. Chúng tôi thêm một lần nữa đồng cảm và hiểu hơn về vòng đời của cây cao su và sự mong mỏi của những người công tác nơi đây ăm ắp tình cây, tình đời. Trong gió còn nghe như câu ai đó nhẹ rơi mong sản lượng mủ cao su tăng, giá bán cũng tăng thì tết này chắc thêm nhiều nụ cười rạng rỡ hơn.
Tiếp đến, đoàn trực tiếp gặp gỡ công nhân lao động Tổ 4 trong buổi ăn trưa và giờ nghỉ tạm mắc võng giữa hàng cao su tăm tắp. Nụ cười của chị Lan, chị Huyền, chị Thê, anh Đức, chị Thảo như làm xanh thêm một góc rừng cao su hứa hẹn mùa đầy. Thật xúc động và ấn tượng với chúng tôi là chị Điểu Thị Kiều Lan (1976), dân tộc Châu Ro, đã gắn bó 18 năm qua với công việc cạo mủ cao su tại nông trường đầy ắp niềm tin yêu và bao kỷ niệm mặn nồng của chị và ông xã Trần Minh Thạnh (công nhân cạo mủ cao su đã 22 tuổi nghề).
Khi hỏi về thành tích trải qua, chị ngại ngùng, mãi lúc sau bẽn lẽn nói: “Vừa qua nông trường chúng em có tổ chức cuộc thi tay nghề giỏi, em may mắn được giải nhất của đội AB ạ!”. Bà Hoàng Thị Bích, Giám đốc nông trường, cho biết thêm: “Trong 25 phút các bạn ấy phải cạo mủ 100 cây cao su. Ở đây sẽ chấm về tốc độ và kỹ thuật tay nghề của công nhân. Giải nhất thưởng 3 triệu đồng. Qua cuộc thi, chúng tôi tạo điều kiện thu nhập thêm cho các bạn và cũng góp thêm phần sinh khí cho phong trào văn hóa văn nghệ của nông trường vốn bình lặng”.
Hầu hết công nhân đều là người địa phương và nguồn nhân lực cứ thế tiếp nối theo vòng đời của người, của cây mãi vươn cao vươn xanh và trắng trong nguồn nghĩ đẹp trong những giấc mơ xây đời.
Chúng tôi lại may mắn có dịp đến thăm gia đình công nhân tiêu biểu sản xuất giỏi, gia đình có truyền thống nhiều đời gắn bó với cây cao su và có cả một trong những người gắn bó từ những ngày đầu thành lập nông trường đến nay. Đó là bà Nguyễn Thị Tuyết (SN 1920). Chồng bà là liệt sĩ. Bà là một trong những mộ phu đầu thế kỷ XX tại Nông trường Bình Lộc.
Đêm ấy, chúng tôi mãi thao thức câu nói của bà tâm sự: “Bây giờ độc lập tự do rồi, sướng lắm. Đất nước có nhiều cái mới, đổi đời bao kiếp người chứ đâu như hồi trước thời thanh xuân của chúng tôi phải cơ cực”.
Bây giờ, rừng xanh vang tiếng hát. Nước từ thác đã gột rửa bao tị hiềm, âu lo của mỗi phận người. Làn nước ấy mơn man một niềm tin mới. Còn bao dấu hỏi, còn bao dự định vẫn đang chờ mỗi chúng ta thắp lên từng giây gieo hạnh phúc cho đời…
Trần Huy Minh Phương