Doanh nghiệp bán hàng không xuất đơn VAT: Lãnh đạo cơ quan thuế địa phương nói gì?

Vi phạm: Dân biết, cán bộ... không biết!?
Doanh nghiệp bán hàng không xuất đơn VAT: Lãnh đạo cơ quan thuế địa phương nói gì?

Sau 4 tháng Báo SGGP khởi đăng loạt bài “Những nẻo đường trốn thuế VAT”, một số trung tâm điện máy như Thiên Hòa, Chợ Lớn đã nghiêm túc xuất hóa đơn cho khách hàng. Trong khi đó, hàng loạt siêu thị, cửa hàng khác vẫn chây lì, bán hàng không xuất hóa đơn. Để trả lời câu hỏi mà dư luận đặt ra là cơ quan quản lý thuế ở đâu, sao để vi phạm kéo dài, PV Báo SGGP gặp và nghe lãnh đạo một số chi cục thuế quản lý số lượng doanh nghiệp (DN) lớn, có hành vi vi phạm với lượng hàng lớn như quận 1, Tân Bình trả lời.

Hàng loạt trung tâm điện máy ở quận Tân Bình bán hàng chỉ xuất phiếu giao hàng mà không xuất hóa đơn VAT. Ảnh: Thi Hồng

Hàng loạt trung tâm điện máy ở quận Tân Bình bán hàng chỉ xuất phiếu giao hàng mà không xuất hóa đơn VAT. Ảnh: Thi Hồng

Vi phạm: Dân biết, cán bộ... không biết!?

- Thưa ông, đã nhiều tháng sau khi Báo SGGP phản ánh các cửa hàng không xuất hóa đơn, xin hỏi chi cục thuế địa phương có động thái gì xử lý đối với những hành vi vi phạm này?

Ông NGUYỄN NGÀ, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Tân Bình: Từ tháng 8-2009, Chi cục Thuế quận Tân Bình đã thành lập ban chỉ đạo xử lý các DN, cá nhân bán hàng không xuất hóa đơn. Các đội kiểm tra đã lên danh sách các công ty, cơ sở kinh doanh cần kiểm tra, nếu có nghi vấn, cán bộ thuế sẽ làm tờ trình để kiểm tra toàn bộ các đơn vị, hoặc mời các đơn vị này đến chi cục để làm rõ và xử phạt. Chi cục cũng thiết lập đường dây nóng, cử cán bộ đi thu thập chứng cứ bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ như: đi mua hàng, ăn uống… để có chứng cứ xử phạt.

Các đội kiểm tra còn nhắc nhở, giải thích, yêu cầu DN viết cam kết bán hàng phải xuất hóa đơn. Đến nay chi cục đã xử lý được 52 DN vi phạm (phạt 598 triệu đồng và truy thu 683 triệu đồng), trong đó các cửa hàng Đệ Nhất Phan Khang, Vương Quỳnh Trinh, Mạnh Hùng mà báo chí nêu đã được xử lý rốt ráo.

- Thế nhưng, theo khảo sát mới nhất của chúng tôi, 3 đơn vị này vẫn vi phạm bán hàng không xuất hóa đơn...

Chúng tôi chỉ có trách nhiệm kiểm tra và phạt. Đâu thể tối ngày canh và phạt các đơn vị này. Nếu phát hiện ra các đơn vị này tiếp tục vi phạm thì sẽ xử lý mạnh tay hơn.

- Tân Bình có đến 8.000 DN - đông nhất TP, chúng tôi rảo một vòng tuyến đường Hoàng Văn Thụ thì hầu hết cửa hàng đều vi phạm, nhưng chi cục chỉ mới xử lý 52 đơn vị là quá ít, thưa ông?

Việc kiểm tra cũng có mức độ, công việc của chi cục là làm thế nào để chống thất thu thuế. Chúng tôi cũng đã kiểm tra tới lần hai, còn việc người ta có thực hiện hay không là quyền của người ta, mình không thể làm gì khác hơn (?!). Hiện chúng tôi không đủ lực lượng để xử lý. Một cán bộ phải chịu trách nhiệm quản lý 150 - 200 DN nên công việc rất dồn dập. Khi chúng tôi đến kiểm tra, DN không vi phạm, chúng tôi chỉ có thể làm theo luật quy định, tức là họ không xuất hóa đơn, chúng tôi mới xử phạt.

- Theo phản ánh của người dân, có rất nhiều DN vi phạm, chúng tôi cũng đã đến tận nơi nhìn thấy DN bán hàng không xuất hóa đơn, vì sao cán bộ thuế lại không thấy?

Báo chí phát hiện vụ nào thì nêu ra, chúng tôi tiếp tục xử lý. Thực tế, chúng tôi xuống kiểm tra nhưng không thấy có sai phạm (?!) Chúng tôi cần có chứng cứ cụ thể mới có thể xử lý được. Có nhiều việc người dân phản ánh nhưng không có bằng chứng nên chúng tôi không thể xử lý. Có đơn vị kinh doanh thấy cán bộ thuế đến, họ đều thực hiện bán hàng xuất hóa đơn, nhưng khi chúng tôi đi khỏi, họ lại vi phạm thì chúng tôi không thể biết!

- Việc kiểm tra, xử lý là của cơ quan thuế, người dân hay nhà báo không thể làm thay. Nhưng nếu vậy, chúng tôi cung cấp thông tin mỗi ngày, ông có xử lý hết không?

Cần phải có bằng chứng! Đơn vị kinh doanh vi phạm lần nào, cơ quan thuế sẽ xử phạt lần đó. Tuy nhiên, nếu vi phạm nhiều lần cũng chỉ xử phạt với tình tiết tăng nặng chứ không thể mỗi ngày mỗi phạt, vì theo quy định, thời hạn ra quyết định xử phạt đến… 10 ngày! Nói chung, chúng tôi đều cung cấp số điện thoại đường dây nóng của chi cục thuế quận để người dân phản ánh nhưng DN vẫn cố tình vi phạm nên chúng tôi cũng rất bức xúc. Trên thực tế, một số đơn vị kinh doanh tại các tỉnh thành như Hà Nội, Đồng Nai, Nha Trang, Đà Nẵng… sai phạm cũng không nhỏ, cái chính là phải làm đồng bộ, tránh tình trạng không triệt để (?!).

“Bồ câu nhiều hơn thóc!”

- Quận 1 là địa bàn có lượng DN đông nhất so với các quận, huyện khác, vậy tình hình kiểm tra, xử lý việc bán hàng không xuất hóa đơn đến nay ra sao, thưa ông?

Ông ĐẶNG KHẮC PHÚC, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận 1: Chúng tôi đã thành lập hẳn bộ phận kiểm tra việc bán hàng xuất hóa đơn. Đến nay chi cục đã ra 1.036 quyết định kiểm tra, trong đó phát hiện 129 đơn vị vi phạm xuất hóa đơn không kịp thời và chúng tôi vẫn đang tiếp tục kiểm tra. Nhưng thật tình, có thể ví tình hình kiểm tra như “thóc nhiều hơn bồ câu”, khó có thể xử lý hết được…

- Vì sao kiểm tra hơn 1.000 DN nhưng chỉ phát hiện, xử lý được 129 trường hợp, tương đương… 13%?

Chúng tôi phải tiến hành đủ các thủ tục theo quy định: thông báo trước cho đơn vị được kiểm tra trước 3 ngày, khi đến kiểm tra phải xuất trình các giấy tờ... nên khó phát hiện vi phạm (khi cán bộ đến thì DN thực hiện nghiêm).

- Nếu “bồ câu” ít, vậy tại sao chúng ta không thực hiện trọng tâm, trọng điểm, ví như Trung tâm điện máy Nguyễn Kim bán hàng mỗi ngày vài tỷ đồng, sức lan tỏa ra thị trường lớn…

Trung tâm mua sắm Sài Gòn Nguyễn Kim đã được chúng tôi kiểm tra 2 lần, xử phạt tổng cộng 27 triệu đồng đúng theo quy định của nhà nước. Nếu phát hiện, chúng tôi sẽ xử lý tiếp.

- Đã hơn 4 tháng kể từ khi báo đăng, DN liên tục vi phạm mà chỉ xử phạt 2 lần, đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, ông nghĩ có cần nhìn nhận lại trách nhiệm của mình không?

Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, nhưng phải kiểm lần lượt hết tất cả các đơn vị (6.000 DN), xong lần một, chúng tôi sẽ kiểm tra lần hai. Cái chính là chúng tôi muốn làm sao để DN hiểu được rằng bán hàng phải xuất hóa đơn, và người dân khi mua hàng cũng nên yêu cầu lấy hóa đơn. Đứng ở góc độ chi cục trưởng, tôi chỉ có thể nắm rõ được việc xuất hóa đơn của các đơn vị kinh doanh, thông qua việc xuất hóa đơn của họ hàng tháng ít hay nhiều, thể hiện qua báo cáo thuế. Chúng tôi sẽ thông qua 2 cách thống kê: chỗ bán hóa đơn của mình và bảng kê bán hóa đơn. Con số cho thấy số lượng xuất hóa đơn của các đơn vị tăng dần, điều này chứng tỏ thành công trong công tác tuyên truyền của các cơ quan báo chí và của cả chi cục thuế.

- Vậy theo ông, quy trình xử lý khó khăn nên không kiểm tra được? Nhưng theo dư luận thì cho rằng cơ quan thuế “làm lơ” cho DN vi phạm, ông nghĩ sao?

Chúng tôi chỉ đối chiếu hóa đơn để phát hiện sai phạm mà thôi. Khi đơn vị kinh doanh vi phạm, tổ kiểm tra phải có đề xuất, ra quyết định xử phạt thì mới có thể xử phạt được. Qua hai lần chúng tôi xuống kiểm tra, các đơn vị vẫn xuất hóa đơn bình thường, không vi phạm gì. Khi kiểm tra phát hiện cái nào xử phạt cái đó. Muốn xử phạt phải có hóa đơn đối chiếu…

Hàn Ni - Phong Lan

Thông tin liên quan

Kiểm tra sau loạt bài “Những nẻo đường trốn thuế VAT”

- Bài 1: Các “đại gia” đều bán hàng lậu!

- Bài 2: Đã kiểm tra, vẫn vi phạm: Nhà nước bó tay?

Các bài phản hồi

-  Từ loạt bài “Những nẻo đường trốn thuế VAT”: Tổng cục Thuế nghiêm túc tiếp thu

- Bộ Tài chính xác định: Trốn thuế ở mức độ khá lớn

- Từ loạt bài “Những nẻo đường trốn thuế VAT”: “Mổ xẻ” kỹ để tăng thu ngân sách

- Phản hồi loạt bài “Những nẻo đường trốn thuế VAT”, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM Nguyễn Đình Tấn: Kiểm tra và xử lý ngay các vi phạm

Các bài “Những nẻo đường trốn thuế VAT”

- Bài 1: Hàng chục tỷ đồng mỗi ngày đi về đâu? 

- Bài 2: “Xơi” thuế của nhà nước bằng cách nào?

- Bài 3: Chưa xử: do bất cập hay tiêu cực?

Tin cùng chuyên mục