Những “nẻo đường” trốn thuế VAT- Bài 1: Hàng chục tỷ đồng mỗi ngày đi về đâu?

“Đại gia” cũng “kỵ” hóa đơn đỏ
Những “nẻo đường” trốn thuế VAT- Bài 1: Hàng chục tỷ đồng mỗi ngày đi về đâu?

Theo quy định, khi bán hàng có giá trị thanh toán trên 100.000 đồng, người bán phải có trách nhiệm xuất hóa đơn cho khách hàng. Việc không lập, không giao hóa đơn, hoặc lập và giao hóa đơn không hợp pháp đều bị xem là hành vi trốn thuế. Thế nhưng, qua điều tra của PV Báo SGGP, hàng loạt công ty, trong đó có không ít “đại gia”, không hề có “khái niệm” xuất hóa đơn khi bán hàng. Điều ngạc nhiên là rất hiếm trường hợp bị xử lý. Hậu quả là, không chỉ ngân sách TPHCM “thất thu” hàng chục tỷ đồng thuế VAT mỗi ngày, mà chính kiểu kinh doanh không minh bạch đã tạo điều kiện cho hàng lậu hoành hành. Trách nhiệm của các cơ quan chức năng ở đâu?

Doanh nghiệp khai thuế tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Doanh nghiệp khai thuế tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

“Đại gia” cũng “kỵ” hóa đơn đỏ

Theo thông tin từ bạn đọc, chúng tôi được biết Siêu thị điện máy Nguyễn Kim - một trong những “đại gia” kinh doanh điện máy lớn nhất TP, nằm ngay trung tâm quận 1 - bán hàng và giao chứng từ thanh toán cho khách hàng là “Phiếu nhận tạm ứng/xuất kho nội bộ”.

Để kiểm chứng, chúng tôi đến đây mua chiếc máy giặt trị giá 4 triệu đồng và đúng là chỉ được nhận “phiếu nhận tạm ứng”. Tuy trên phiếu ghi rõ “giá đã bao gồm thuế VAT”, nhưng trung tâm không hề xuất hóa đơn cho khách theo quy định. Lượng khách hàng ở đây khá đông, ngày cuối tuần là không có chỗ chen chân, nhiều mặt hàng trị giá lớn nên ước tính doanh số một ngày của họ phải đến tiền tỷ.

Trao đổi với chúng tôi, hầu hết khách hàng cá nhân cho biết, họ mua hàng để xài nên chỉ cần nhận được hàng mà không quan tâm lắm đến chuyện có hóa đơn hay không.

Khu mua sắm Đệ nhất Phan Khang cũng vậy. Trong khu này có nhiều gian hàng khác nhau và tất cả đều dùng một mẫu chứng từ tự in thống nhất là “Phiếu nhận tạm ứng”. Về giá, có mặt hàng được niêm yết đã có thuế, có mặt hàng không “đá động” gì đến thuế cả, nhưng chung quy chứng từ thu tiền của khách cũng chỉ là cụm từ “đã thu tiền” đóng trên phiếu nhận tạm ứng có logo của Phan Khang.

Nhiều cửa hàng điện máy, điện lạnh “hoành tráng” trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) cũng không khác gì. Dù hàng trị giá bao nhiêu, khách hàng cũng không bao giờ được giao hóa đơn đỏ.

Quay lại các cửa hàng, siêu thị điện máy, vi tính lớn khu trung tâm TP, chúng tôi thấy “tình hình còn tình hình” hơn. Công ty cổ phần Máy tính Hoàn Long bán hàng và thu tiền đơn giản theo kiểu “tiền trao cháo múc”. Một số mặt hàng niêm yết giá đã có VAT, nhưng công ty vẫn không có bất cứ hóa đơn, chứng từ gì giao cho khách. Việc mua bán chỉ lập thành “phiếu báo giá” với chữ “R” nguệch ngoạc để xác định khách đã thanh toán và nhận hàng, thậm chí trên phiếu còn không ghi tên công ty hay cửa hàng.

Công ty CP TMDV Phong Vũ có 2 cửa hàng nằm ở góc đường Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Thị Minh Khai với lượng khách mua máy vi tính có thể nói là đông nhất TP. Trị giá loại hàng này rất lớn, thế nhưng cũng… không hề có hóa đơn. Giống như Hoàn Long, Phong Vũ cũng dùng “phiếu xuất hàng” với chữ “R” để chứng minh giao dịch xong, mặc dù giá bán nhiều mặt hàng đã bao gồm thuế VAT.

Các trung tâm điện máy Ideas (133-141 A B Cách Mạng Tháng Tám), Thiên Hòa (277B Cách Mạng Tháng Tám) cũng dùng “phiếu bán hàng” để giao cho khách.

“Sao ghi rõ là giá đã có thuế VAT, chị lại không xuất hóa đơn cho khách?” - tôi hỏi cô nhân viên. “Chị muốn thì gặp bộ phận kế toán lấy”. “Theo quy định thì khi bán hàng phải giao ngay hóa đơn cho khách mà?”. “Tại… tụi em sợ… vài bữa nhỡ khách đổi hàng, mất công…” - cô nhân viên ấp úng. Đó là lý do hầu hết cửa hàng “bao biện” để không xuất hóa đơn cho khách. Bởi việc xuất hóa đơn khi đổi hàng không có gì khó khăn, chỉ cần khách mang hóa đơn cũ trả lại và ký tên vào biên bản đổi hàng là xong.

“Nói cho cùng, không xuất hóa đơn là trốn thuế, việc giao phiếu xuất kho “nội bộ” cho khách để thay chứng từ thanh toán là sai” - bà Trần Thị Lệ Nga, Trưởng phòng Tuyên tuyền hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế TPHCM, khẳng định.

Loạn giá, hàng chục tỷ đồng thuế VAT/ngày đi đâu?

Niêm yết giá tại một cửa hàng bán máy vi tính.

Niêm yết giá tại một cửa hàng bán máy vi tính.

Không chỉ không giao hóa đơn cho khách khi bán hàng có thuế VAT, nhiều công ty, cửa hàng còn bán hàng không có thuế VAT. Phổ biến nhất là các nhà hàng, dù mỗi lần thu vào vài triệu đồng.

Các nhà hàng mà chúng tôi ghé qua như: Hoa Viên đường Mạc Đĩnh Chi; Thỏ Berni, Dìn Ký… đều dùng phiếu tạm tính, chưa có thuế VAT. Một số nhà hàng còn tính luôn thuế VAT 10% buộc khách thanh toán, nhưng lại không giao hóa đơn cho khách, như nhà hàng Thiên Tuế (tại Zen Plaza 54 - 56 Nguyễn Trãi); Tràng Thi (151 Trương Định)...

Dạo quanh các cửa hàng điện máy, điện lạnh, vi tính lớn trên địa bàn TP, dễ thấy họ bán 2 loại hàng: với loại chính hãng của các công ty có thương hiệu thì giá bán đã có VAT, còn các loại khác thì không có VAT.

Nhưng dù có thuế hay chưa thì khách cũng không được giao hóa đơn theo đúng quy định. Thậm chí tại một số công ty, hầu như 100% hàng hóa được bán với giá không thuế VAT.

Công ty TNHH TM Vương Quỳnh Trinh (342 - 348 Hoàng Văn Thụ) bán hàng điện lạnh, điện máy có trị giá lớn nhưng chứng từ giao dịch chỉ là “phiếu giao hàng” đóng dấu “đã thu tiền” giao cho khách. Trong phiếu còn ghi rõ “phiếu không có trị giá thay thế hóa đơn” và số thuế VAT ghi trên phiếu thu bằng “0”, có nghĩa là khách muốn xuất hóa đơn phải đóng thêm thuế VAT.

Trung tâm Điện lạnh, điện tử Tân Bình (410 - 418 Hoàng Văn Thụ) cũng thế, cũng dùng “phiếu bán hàng - giao nhận” mà trong đó chẳng đả động gì đến tiền thuế VAT cả.

Nhưng đừng tưởng giá hàng hóa ở những cửa hàng không xuất hóa đơn sẽ rẻ hơn. Trên thực tế, có khi ngược lại. Giá bán chiếc điện thoại di động E71 ở cửa hàng Phước Lập (đường Nguyễn Văn Cừ) không xuất hóa đơn nhưng hơn 7,1 triệu đồng, trong khi Viễn Thông A chỉ bán với giá gần 7 triệu đồng và xuất hóa đơn đàng hoàng, dù khách không yêu cầu. Còn các mặt hàng bày bán với giá không thuế VAT thì… loạn.

Thấy Công ty TNHH TM Vương Quỳnh Trinh niêm yết giá nồi rửa rau quả (Ozone) gần 2 triệu đồng, chúng tôi chê mắc, cô nhân viên nhanh nhảu nói:  - Chị mua hàng này, tụi em khuyến mãi chị bộ nồi.

-Bộ nồi đó đáng bao nhiêu?

- Nếu chị không thích hàng khuyến mãi thì em bớt chị 200.000 đồng - cô nói.

Tôi vẫn chê mắc, thế là cô bớt tiếp 100.000 đồng nữa. Vậy là giá giảm hơn 300.000 đồng so với giá niêm yết.

Tại quầy điện tử, tôi mua chiếc micro hiệu Ariang MI-3.6S với giá 180.000 đồng, nhưng qua cửa hàng bên cạnh, giá chỉ 150.000 đồng.

Tôi đến Khu mua sắm Đệ nhất Phan Khang mua chiếc tai nghe LS-DY206 với giá 69.000 đồng nhưng ra các cửa hàng nhỏ lẻ bên ngoài thì giá chỉ có 40.000 đồng.

Chiếc webcam Genius EYE 110 ở Nguyễn Kim bán giá 260.000 đồng nhưng ra đến các cửa hàng trên đường Hùng Vương giá chỉ 220.000 đồng.

Thực ra, giá cả chỗ này có cao hơn chỗ khác “chút đỉnh” cũng là chuyện bình thường. Điều đáng nói ở đây là việc họ vin vào chuyện có thuế hay không có thuế để bán hàng là không sòng phẳng với người tiêu dùng. Việc kiểm tra của cơ quan chức năng không được chặt chẽ cũng đã khiến tình hình giá cả thị trường càng thêm rối rắm hơn.

Các máy tính xách tay bán tại nhiều cửa hàng đều niêm yết giá chưa có VAT. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Các máy tính xách tay bán tại nhiều cửa hàng đều niêm yết giá chưa có VAT. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Theo quy định của pháp luật hiện hành, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có giá trị từ 100.000 đồng trở lên, dù người mua không yêu cầu, người bán vẫn phải xuất hóa đơn cho người mua. Hành vi bán hàng không xuất hóa đơn được xem là hành vi trốn thuế.

Câu hỏi được đặt ra là việc trốn thuế ngang nhiên ở các công ty lớn, ai cũng thấy, tại sao các cơ quan chức năng không xử lý?

Thử tính, tổng mức bán lẻ trên địa bàn TPHCM trong 6 tháng đầu năm 2009 đạt 125.000 tỷ đồng, cả nước là 547.495 tỷ đồng, trung bình mức thuế là 10% thì số tiền thu được gần 55.500 tỷ đồng, trong đó TPHCM là 12.500 tỷ đồng. Theo lý thuyết, chúng tôi  ước tính, lấy số thuế này chia cho 6 tháng thì số tiền thuế VAT thu được mỗi ngày là 300 tỷ đồng, trong đó riêng TPHCM là 68 tỷ đồng/ngày.

Trong thực tế, lãnh đạo Cục Thuế TPHCM cho biết vẫn chưa thống kê số tiền thuế VAT mà thành phố thật sự thu được mỗi ngày là bao nhiêu. Nhưng qua điều tra của chúng tôi, với việc nhiều đại gia bán hàng không xuất hóa đơn như là một cách trốn thuế, rõ ràng số tiền thuế VAT mà nhà nước thất thu là con số không nhỏ. Số tiền thuế này đi về đâu?

Hàn Ni

>> Bài 2: “Xơi” của nhà nước bằng cách nào?
>> Bài 3: Chưa xử: do bất cập hay tiêu cực?

Tin cùng chuyên mục