Doanh nghiệp bán lẻ trong nước tăng tốc

Doanh nghiệp bán lẻ trong nước tăng tốc

Sức mua trong năm 2014 và quý 1-2015 chưa thực sự phục hồi nhưng thị trường bán lẻ đang “nóng” bởi sự cạnh tranh quyết liệt của nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước và nước ngoài.

Nhiều dư địa

Trong 4 năm gần đây, Việt Nam (VN) không còn trong danh sách những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới nhưng xét về tiềm năng, vẫn đang là mảnh đất màu mỡ thu hút các nhà đầu tư. Từ ngày 11-1-2015, VN chính thức cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài. Trong quan hệ thương mại hàng hóa khối ASEAN 6, năm 2014, VN đã có 72% dòng thuế còn 0%, từ 1-1-2015 có khoảng 90% số dòng thuế về 0% và đến năm 2018, ASEAN sẽ dỡ bỏ hoàn toàn rào cản về thuế. Đáng chú ý, tháng 11-2015, VN sẽ gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, tham gia và thực hiện các cam kết đối với 7 hiệp định FTA và nhiều hiệp định khu vực quan trọng như TPP, VN - EU… Tiến trình hội nhập sâu, rộng với quốc tế sẽ góp phần cho chính trị và xã hội ổn định; môi trường kinh doanh được cải thiện tự do hóa và thuận lợi hơn.

Một thương hiệu mới gia nhập thị trường bán lẻ. Ảnh: CAO THĂNG

Xét ở góc độ dân số, VN hiện có 90 triệu người, 60% dân số trẻ, có sức mua lớn và thị trường bán lẻ chưa phát triển đầy đủ, còn rất nhiều tiềm năng. Tính toán của Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN, thông thường 100.000 người dân đòi hỏi có một trung tâm thương mại (TTTM), trung tâm mua sắm lớn; 10.000 người dân cần có 1 siêu thị; 1.000 người dân cần đến 1 - 2 cửa hàng tiện lợi. Trên thực tế, ngay tại các đô thị lớn của VN cũng chưa đáp ứng yêu cầu này, hiện cả nước chỉ có 717 cửa hàng bán lẻ hiện đại và gần 9.000 chợ truyền thống. Riêng TPHCM hiện có khoảng 10 triệu dân nhưng tính đến cuối năm 2014, mới chỉ có gần 40 TTTM, 170 siêu thị, khoảng 750 cửa hàng tiện ích và 240 chợ truyền thống. Vì vậy, xét theo quy mô dân số như TPHCM thì phải có 100 TTTM, 1.000 siêu thị và 10.000 cửa hàng tiện ích mới có thể đa dạng hóa các kênh phân phối nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân.

Đó là chưa kể, hiện có gần 70% dân số đang sống ở khu vực nông thôn, nhưng hạ tầng thương mại rất nghèo nàn. Nhìn nhận về hệ thống phân phối của VN tại thời điểm hiện nay, một số ý kiến cho rằng, tốc độ phát triển hệ thống phân phối còn chậm so với tốc độ phát triển chung của nền kinh tế. Theo quy hoạch mới nhất của Bộ Công thương, đến năm 2020, cả nước sẽ có 1.200 siêu thị, 157 trung tâm mua sắm và 180 TTTM. Lúc đó, tỷ trọng bán lẻ hiện đại sẽ đạt gần 45%... Bằng những điều đã nói, cho thấy, thị trường bán lẻ VN còn rất nhiều dư địa để đầu tư, phát triển.

Khai thác tối đa lợi thế sân nhà

Ngay sau khi gia nhập WTO, đã có cuộc “đổ bộ” của các thương hiệu bán lẻ hàng đầu thế giới vào VN. Tính đến nay, thị trường bán lẻ VN đã hội tụ “đủ mặt anh tài”. Gần đây, những vụ M&A trong lĩnh vực bán lẻ không ngừng gia tăng, người tiêu dùng VN cũng sẽ có nhiều lựa chọn về hàng hóa với giá cả cạnh tranh hơn.

Một cuộc sàng lọc cực kỳ khắc nghiệt đang diễn ra, trong đó ưu thế dần nghiêng về các doanh nghiệp (DN) lớn, có tiềm lực tài chính và dày dạn bản lĩnh thương trường. Theo Bộ Công thương, đến nay đã có 21 DN 100% vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực phân phối. Tuy nhiên, doanh thu từ các DN mới chỉ chiếm khoảng 5% tổng doanh thu bán lẻ tại VN. Phần còn lại do các DN trong nước thực hiện.

Bên cạnh việc nỗ lực phát triển của nhiều hệ thống siêu thị trong nước hiện có như Saigon Co.op, Satra, Đông Hưng, Vissan, Sagri…, năm 2014, nhiều “đại gia” của VN đã kịp bước vào lĩnh vực bán lẻ. Điển hình như Tập đoàn Vingroup. Đầu tiên, DN này mua lại 10% vốn điều lệ của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), đơn vị sở hữu chuỗi bán lẻ Vinatexmart. Tiếp theo, Vingroup mua 70% cổ phần của Công ty Ocean Retail (thành viên của OceanGroup - Tập đoàn Đại Dương), đồng loạt khai trương nhiều siêu thị và cửa hàng tiện ích với thương hiệu VinMart và Vinmart+ tại các khu vực đông dân cư và có vị trí giao thông thuận lợi ở Hà Nội, TPHCM. Đây là chiến dịch mở đầu cho kế hoạch xây dựng 100 siêu thị và chuỗi 1.000 cửa hàng tiện ích trên cả nước trong 3 năm tới của Vingroup.

Không dừng lại ở siêu thị và cửa hàng tiện ích, ngày 21-3 vừa qua, Vingoup đã chính thức lấn sân vào lĩnh vực phân phối các mặt hàng công nghệ, bằng việc khai trương đồng loạt 4 trung tâm kinh doanh đầu tiên tại TPHCM và Hà Nội, mang thương hiệu VinPro và VinPro+. Trong đó, VinPro là các trung tâm công nghệ - điện máy, tọa lạc tại tất cả các TTTM thuộc hệ thống Vincom; VinPro+ là chuỗi cửa hàng công nghệ tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn. Trong lĩnh vực phân phối hàng công nghệ, điện máy, điện tử có thể kể đến nhiều DN trong nước vẫn đang dẫn đầu thị trường là FPT, Thế Giới Di Động, Nguyễn Kim… Riêng với nhà bán lẻ hàng đầu VN là Saigon Co.op, trung tuần tháng 4 này đã đưa vào hoạt động TTTM SC VivoCity, đặt tại quận 7, TPHCM, là liên doanh đầu tiên giữa Saigon Co.op và Tập đoàn Mapletree - Singapore. Theo kế hoạch, năm 2015, Saigon Co.op phấn đấu phát triển thêm 38 điểm bán mới, trong đó có 6 Co.op; 30 Co.op Food; 1 Co.opXtra và 1 TTTM Sense City, nâng tổng số lên hơn 400 điểm bán.

Có thể nói, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các DN trong nước đã làm giảm nỗi lo về thị trường nội địa sẽ rơi hoàn toàn vào tay DN nước ngoài, đồng thời góp phần vào việc định vị, phân chia lại thị trường bán lẻ tại VN. Ở đó chỉ những DN dày dạn kinh nghiệm, bản lĩnh, cộng với sự am hiểu về thị trường nội địa và tâm lý người tiêu dùng VN mới có thể bứt phá.

Hội nhập cũng đồng nghĩa “miếng bánh” thị phần sẽ phải phân chia. Nhiều DN trong nước cho rằng, họ không ngại “đối đầu” vì mỗi DN có thế mạnh và chiến lược kinh doanh riêng. Đã đến lúc Nhà nước phải quy hoạch phát triển hệ thống phân phối một cách rõ ràng như những khu vực nào, lĩnh vực nào dành cho nước ngoài; khu vực nào, vị trí nào thì hướng các DNVN phát triển. Cũng nên có những chính sách linh động trong việc giao đất cho nhà đầu tư.

Cuộc chiến giành thị phần bán lẻ giữa các DN trong nước và nước ngoài vẫn còn phía trước.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục