Doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam: Chờ gỡ khó

Doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam: Chờ gỡ khó

Những bất cập, tồn tại hơn 20 năm qua trong ngành sản xuất công nghiệp đã khiến trình độ phát triển công nghiệp nước ta ở mức thấp. Các doanh nghiệp hoạt động lẻ tẻ, không có sự liên kết. Đặc biệt, tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên doanh nghiệp công nghiệp chính là 2,07 lần, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực.

Vay thương hiệu, chịu thiệt thòi

Ông N.T.S., Trưởng phòng Kinh doanh Công ty N.D. TPHCM cho biết, công ty chuyên sản xuất thiết bị chống gỉ sét và cặn bám trong hệ thống máy móc công nghiệp. Đây là sản phẩm sản xuất từ 100% linh kiện trong nước. Thế nhưng, trên sản phẩm công ty vẫn phải ghi mập mờ là công nghệ Nhật Bản hay theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Vậy phải chăng do sản phẩm của mình sản xuất không đạt yêu cầu nên phải mập mờ vì thương hiệu? Thực tế, công ty có thể chứng minh được chất lượng sản phẩm của mình ngang bằng, thậm chí tốt hơn sản phẩm cùng loại của các nước khác. Chỉ có điều, nếu để “product of VietNam” (sản phẩm của Việt Nam) thì công ty đã tự giết mình vì không thể bán được hàng. Ghi nhận thực tế của chúng tôi tại gian hàng trưng bày và bán sản phẩm của công ty, hầu hết khách hàng khi đến giao dịch đều quan tâm đến xuất xứ nguồn gốc của sản phẩm. Và khách mua có tâm lý yên tâm hơn nếu thấy nguồn gốc sản phẩm xuất xứ từ một số nước như Nhật Bản, Đức, Mỹ... Còn nếu là sản xuất của Việt Nam thì rất khó giữ chân họ quá 5 phút.

Sản xuất các sản phẩm CN phụ trợ tại Công ty Cát Thái TPHCM.

Với Công ty cổ phần Cao su Bến Thành, nỗi khổ lại là nguyên liệu đầu vào. Gần đây, rất nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là DN Nhật Bản đến tìm hiểu đặt đơn hàng nhưng công ty không thể đáp ứng. Nguyên nhân do giá thành nguyên liệu đầu vào cao nên công ty không thể thỏa mãn điều kiện về giá thành. Ngành công nghiệp (CN) chế biến cao su nước ta chỉ mới dừng lại ở khâu tinh chế mủ cao su. Tuy nhiên, nguyên liệu cao su phục vụ sản xuất phải là cao su tổng hợp, tức đã có pha trộn hóa chất thì gần như nước ta không thể làm được. Chính vì thế mới tồn tại thực tế DN nước ta xuất khẩu cao su tinh chế sang Trung Quốc rồi lại nhập cao su tổng hợp về. Điều này khiến giá thành sản phẩm do công ty sản xuất luôn cao hơn sản phẩm cùng loại ở Trung Quốc từ 40% - 60%, một con số khổng lồ nên không thể cạnh tranh được.

Một trường hợp khác, Công ty Y-H Seiko VietNam đầu tư vào Việt Nam sản xuất linh kiện, chi tiết cho các hãng ô tô lớn trên thế giới như Toyota, Honda… Nhà máy sản xuất đặt tại Hà Nội nhưng sản phẩm lại không thể bán cho thị trường nội địa. Nguyên nhân do các công ty sản xuất ô tô tại Việt Nam chỉ mới dừng lại khâu lắp ráp nguyên khối. Trong khi đó, các DN sản phẩm phụ trợ như Y-H Seiko VietNam lại sản xuất ra những chi tiết linh kiện nhỏ lẻ. Những sản phẩm này được xuất khẩu ra nước ngoài, để các công ty vệ tinh lắp ráp thành nguyên khối, sau đó xuất khẩu ngược trở lại với giá cao ngất cho các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước!

Quá nhiều bài toán chờ lời giải

Theo ông Lê Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty Cát Thái, để có thể phát triển ngành CN nói chung thì CN phụ trợ phải được quy hoạch trước, phải xây dựng được lộ trình nội địa hóa nguồn nguyên liệu sản xuất. Thực tế, thời gian qua nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi về hỗ trợ vốn, hỗ trợ đất, thuế… cho ngành CN hỗ trợ, nhưng số DN được hưởng ưu đãi còn quá ít. Nguyên nhân từ khâu thủ tục, các cơ quan quản lý vẫn chưa xây dựng được danh mục lĩnh vực đầu tư của ngành CN phụ trợ. Đơn cử trường hợp của Công ty Cát Thái, các sản phẩm sản xuất là sản phẩm phụ trợ nhưng công ty phải đăng ký kinh doanh đủ loại ngành nghề. Nguyên nhân do Sở Kế hoạch và Đầu tư không thể xác định được lĩnh vực đầu tư của công ty. Và một khi không xác định được lĩnh vực đầu tư thì căn cứ vào đâu để DN chứng minh họ đang sản xuất sản phẩm CN phụ trợ, từ đó mới nhận được sự ưu đãi của chính sách.

Ông Trần Anh Hào, Trưởng phòng Công nghiệp Sở Công thương TPHCM cho biết, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ của một quốc gia thường phải qua 5 giai đoạn phát triển. Ban đầu là sản xuất lắp ráp dựa trên nhập khẩu các cụm chi tiết. Sau đó, theo nhu cầu thị trường, số lượng nhà sản xuất CN hỗ trợ tăng lên nhưng tỷ lệ nội địa hóa và tính cạnh tranh chưa cao. Khi thị trường phát triển, sẽ xuất hiện các nhà cung ứng sản phẩm hỗ trợ chủ chốt độc lập, không theo yêu cầu trực tiếp của nhà lắp ráp. Từ đó, việc gia công tại chỗ các chi tiết có độ phức tạp cao phát triển mạnh và khối lượng hàng hóa nhập khẩu để lắp ráp giảm dần. Cuối cùng là các nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển các thành tựu nghiên cứu phát triển tới nước sở tại. Năng lực nghiên cứu phát triển nội địa được củng cố, phát triển, bắt đầu sản xuất phục vụ xuất khẩu triệt để. Nếu căn cứ vào hiện trạng, ngành CN hỗ trợ của nước ta hiện nay chỉ đang ở giai đoạn thứ ba. Muốn thúc đẩy nhanh hơn, đưa ngành CN hỗ trợ phát triển, nhà nước cần triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ.

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia thu hút mạnh đầu tư FDI, việc các nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển những nhà máy sản xuất CN hiện đại vào Việt Nam thời gian gần đây được xem là cơ hội cho ngành CN nói chung và CN hỗ trợ Việt Nam nói riêng. Vì họ sẽ tạo điều kiện cho hàng trăm nhà cung cấp dịch vụ và CN hỗ trợ phát triển theo.

Trong các báo cáo gần đây về giải pháp thúc đẩy ngành CN hỗ trợ phát triển, Sở Công thương TPHCM đã đưa ra nhiều đề xuất như: về lâu dài cần xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống khu, cụm công nghiệp hỗ trợ cho cả nước. Trong đó, các bộ ngành liên quan đóng vai trò điều tiết, tránh đầu tư phát triển trùng lắp, không hiệu quả. Đồng thời, xây dựng chính sách phát triển các sản phẩm CN hỗ trợ phù hợp với điều kiện và lợi thế của từng địa phương, từng vùng; tạo điều kiện thuận lợi để các dự án CN hỗ trợ thực hiện đồng bộ, đúng quy hoạch, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, thành lập Trung tâm CN hỗ trợ, trợ giúp các DN, đặc biệt là DN nhỏ (khả năng tài chính hạn chế) có thể tiếp cận máy móc thiết bị mới. Từ đó, nâng cao về năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật góp phần tăng khả năng cạnh tranh của DN CN nội địa. Có chính sách bảo lãnh vay vốn cho DN hoạt động trong lĩnh vực này. Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu DN mang tầm quốc gia, đủ tầm và uy tín cũng là vấn đế hết sức quan trọng.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục