Doanh nghiệp địa ốc tại TPHCM cạn sức chịu đựng!

Chiều 11-4, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã có buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp bất động sản (BĐS) TPHCM về những khó khăn cũng như giải pháp tháo gỡ. Ghi nhận tại cuộc họp cho thấy thị trường BĐS rơi vào bế tắc…
Doanh nghiệp địa ốc tại TPHCM cạn sức chịu đựng!

Chiều 11-4, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã có buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp bất động sản (BĐS) TPHCM về những khó khăn cũng như giải pháp tháo gỡ. Ghi nhận tại cuộc họp cho thấy thị trường BĐS rơi vào bế tắc…

  • “Đốm sáng” đã tắt

Mở đầu buổi làm việc, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết, thị trường BĐS có ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế nên Ủy ban làm việc với các doanh nghiệp (DN) BĐS. Mặc dù nắm được thông tin, số liệu nhưng cái thiếu là muốn đo lường khó khăn đến mức độ nào, khó khăn ở khâu nào và mức độ ảnh hưởng đến nền kinh tế như thế nào? Đánh giá của ngân hàng, dư nợ BĐS chiếm khoảng 8% - 9% nên chưa phải là cảnh báo nguy hiểm đến nền kinh tế. Sức chịu đựng của DN hiện nay ở mức độ nào, đã cận kề phá sản hay chưa?

Sức nóng của cuộc họp chính là phản ánh từ thực tế của các DN, đi vào nguyên nhân chính là chính sách tài chính tiền tệ. Ông Vũ Anh Tâm, Tổng giám đốc Công ty Tài Nguyên, cho rằng, bức tranh thị trường BĐS “phẳng” ở toàn bộ các phân khúc. Năm 2009 thị trường có thanh khoản được một chút. Cuối 2010, khi ngân hàng gặp khó khăn, thị trường BĐS “phẳng” tuyệt đối. Đến lúc này các DN không có khả năng đóng góp cho nền kinh tế, không tạo ra được việc làm và đang đứng trước nguy cơ phá sản. Trong điều kiện ngân hàng khó khăn, thị trường BĐS không có thanh khoản, không ngân hàng nào dám cho vay. Người tiêu dùng, nhà đầu tư không dại gì bỏ tiền vào thị trường không sinh lời. Ông Vũ Anh Tâm nhấn mạnh: “4 năm qua các DN ăn mòn gần hết tài sản. Ngân hàng không thể giải quyết được thanh khoản khi DN đang chết mòn và ngược lại. Cứ giải quyết bằng cách cho lãi suất cao thì DN kẹt cứng. Quan trọng nhất là tạo ra thị trường có thanh khoản, DN sẽ bán được hàng, tạo việc làm cho ngành xây dựng, xi măng, sắt thép…”.

Hoang vắng tại dự án Investco Babylon. Ảnh: KIM NGÂN

Hoang vắng tại dự án Investco Babylon. Ảnh: KIM NGÂN

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH TM-XD Lê Thành, gần như “đính chính” một thực tế: “Các chuyên gia nói rằng nhà thu nhập trung bình là điểm sáng duy nhất, mà Lê Thành bán nhà loại này, được nêu gương trong nhiều hội nghị, báo cáo nhưng nay cũng bán không được. Nếu phân khúc này mà tắc như vậy chắc chắn toàn bộ đã tắc!”. Cũng theo ông Nghĩa, thật sự nhu cầu nhà ở của người dân rất lớn nhưng tại sao lại không mua? Bởi vì với tình hình lãi suất cao thì họ đem tiền gửi ngân hàng, chờ giá nhà hạ thấp rồi mới mua!

Một vấn đề khác là thuế suất bất hợp lý hiện nay, ngành bất động sản ví như con gà đẻ trứng vàng nhưng con gà đang bị bệnh. Ông Nguyễn Cảnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Nghệ Tĩnh tại TPHCM, cho biết, Nghị định 69 ra đời quy định mức thuế đóng tiền sử dụng đất là 100% theo giá đất sát giá thị trường. Nguy hiểm là các DN không biết được chi phí đầu tư bao nhiêu khi tiền sử dụng đất vẫn còn tù mù, DN không kinh doanh được, phải án binh bất động, nhà nước không thể thu thuế. Trong khi DN nước ngoài khi vào mua dự án cũng không dám mua, vì cũng không xác định được tiền sử dụng đất. Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long, khẳng định, Nghị định 69 làm ách tắc thị trường, hàng chục ngàn hồ sơ không thể hoàn tất, hàng ngàn dự án chờ thẩm định. Hệ quả, dự án không thể triển khai, vốn đọng, lãi suất 20% - 30%/năm nhưng không vay được, các nhà đầu tư rút vốn, các ngành liên quan tê liệt!

  • Tháo đầu ra, giãn nợ, hạ lãi suất

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định, “thái độ” tại cuộc họp là phản ánh thực trạng của nền kinh tế: tình hình hết sức căng thẳng. Thị trường BĐS là thị trường tài sản lớn nhất hiện nay, thực tế đang có những vấn đề rất nghiêm trọng. Bản chất thị trường phát triển không đúng, méo mó, bị sai các quyền tài sản và chế tài. Có cả một rừng luật về BĐS... Trước thực trạng thị trường BĐS rất căng thẳng, giải pháp chính là trông cậy chính vào nhà nước, phải dùng lượng tiền vừa đủ để cứu.

Kết thúc buổi họp, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cũng khẳng định, tình hình khó khăn của thị trường BĐS hết sức trầm trọng, phạm vi rất rộng thể hiện ở tất cả các phân khúc, đầu vào cũng như đầu ra. Ông cho biết, đầu ra của thị trường BĐS là quan trọng, Chính phủ có chủ trương, có chính sách thúc đẩy ở một số phân khúc, như nhà thu nhập thấp, tái định cư. Đối với DN BĐS, hỗ trợ một phần giải pháp tình thế, trong đó giải pháp tài chính, xem xét giãn nợ thuế giúp vượt qua khó khăn tạm thời. Tuy nhiên, giải pháp hạ lãi suất mới quan trọng, điều này Thống đốc NHNN đã hạ nhanh hơn so với tuyên bố. Xem xét giãn nợ nhưng không đại trà, chủ yếu đối với DN bán được hàng. Tóm lại giải pháp tổng thể là cần giải quyết đầu ra - bán được hàng, hạ lãi suất để giảm chi phí đầu vào và cuối cùng là giãn nợ - tạo điều kiện cho DN tiếp cận được vốn, tiếp tục duy trì hoạt động.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, đánh giá: Vốn liếng phụ thuộc vào ngân hàng nên khi ngân hàng thắt chặt tín dụng, các DN bị khó khăn ngay lập tức, tình trạng này kéo dài từ năm 2008 đến nay. Tất cả các DN đang trong tình thế cực kỳ khó khăn, có DN phải trả hàng tỷ đồng tiền lãi mỗi ngày. Bài toán lớn nhất là tính thanh khoản của thị trường bế tắc, hàng tồn đọng rất lớn. DN đang đối mặt với vốn vay không gia hạn được mà phải chịu lãi suất cao, trong khi đó căn hộ bán không được.

LƯƠNG THIỆN

Tin cùng chuyên mục