Rất ít DN có thể tiếp cận
Nhằm hỗ trợ DN thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT), nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, gia tăng giá trị và sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghệ, góp phần phát triển ngành công nghiệp thành phố; tăng khả năng thu hút đầu tư trong và ngoài nước, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 15/2017/QĐ-UBND (Quyết định 15) trên cơ sở kế thừa Quyết định 50/2015/QĐ-UBND (Quyết định 50) về việc thực hiện Chương trình kích cầu đầu tư của TPHCM.
Trong đó, cụ thể hóa việc hỗ trợ kích cầu đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp và CNHT, danh mục các dự án thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu, bao gồm: Cơ khí (17 danh mục); hóa chất nhựa, cao su (10 danh mục); chế biến lương thực - thực phẩm (2 danh mục); điện tử - công nghệ thông tin (14 danh mục) và 2 ngành truyền thống dệt may (5 danh mục), da giày (2 danh mục).
Tính đến nay, kể cả trong quá trình chuyển tiếp giữa 2 quyết định nêu trên, TPHCM đã duyệt 12 dự án CNHT được vay vốn theo chương trình kích cầu với tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 545,5 tỷ đồng. Đây được đánh giá là một tỷ lệ khá ít và các dự án này đều là những DN lớn. Trong khi đó, có tới 95% DN CNHT có quy mô nhỏ, đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ kích cầu.
“DN chúng tôi luôn mong muốn mở rộng sản xuất và tăng trưởng để có cơ hội tiếp cận những đơn hàng lớn, nhưng nguồn vốn bị hạn chế, hầu như huy động vốn từ gia đình và các nguồn khác bên ngoài với lãi suất cao để duy trì hoạt động. Việc tiếp cận khoản vay hỗ trợ kích cầu của thành phố gần như bế tắc, bởi khó khăn lớn nhất khi vay vốn tại ngân hàng là không có tài sản đảm bảo, do DN mới thành lập, quy mô còn nhỏ”, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Hoàng Thịnh (quận Bình Tân), chuyên sản xuất nguyên phụ liệu dệt may cho biết.
Theo Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TPHCM (Hamee) Đỗ Phước Tống, ngoài quy mô nhỏ, thiếu tài sản thế chấp, DN muốn vay được vốn hỗ trợ kích cầu còn phải làm thêm các thủ tục điều chỉnh danh mục đầu tư rất khó khăn, phức tạp và mất nhiều thời gian.
Do đó, TPHCM cần sớm sửa nội dung trong quy định hiện hành về thực hiện Chương trình kích cầu đầu tư để DN có thể dễ dàng, nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn nhằm mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
DN chủ động nguồn vốn vay
Nhiều DN nghiệp còn cho biết, không chỉ khó tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ kích cầu của thành phố, mà gần đây chương trình này hầu như “án binh bất động”, không thể nộp hồ sơ được. Giải thích về nguyên nhân tình trạng này, đại diện Trung tâm Phát triển CNHT TPHCM cho biết do phải điều chỉnh lại một số nội dung liên quan trong quyết định, như loại bỏ hoặc bổ sung thêm danh mục một số sản phẩm được hỗ trợ.
Mặt khác, theo nguyên tắc, việc ban hành quyết định hỗ trợ của chương trình đang triển khai phải được HĐND TPHCM thông qua mới được sử dụng nguồn chi từ thành phố hỗ trợ cho DN. “Đầu tháng 10 vừa qua, HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết 16/2018/NQ-HĐND quy định về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực CNHT của thành phố giai đoạn 2018-2020.
Ngay sau đó, UBND TPHCM ban hành Quyết định 4898/UBND-KT về việc triển khai Nghị quyết 16. Hiện chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị liên quan để thống nhất cách thức triển khai và tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, trên tinh thần của Nghị quyết 16, hiện nay các DN có nhu cầu liên hệ bộ phận một cửa của Sở Công thương để nhận và nộp hồ sơ bình thường”, đại diện Sở Công thương TPHCM thông tin.
Trao đổi về nguyên nhân khiến các DN khó tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ kích cầu, đại diện Sở Công thương TPHCM cho rằng vừa qua nhiều DN đã hiểu chưa đúng về tinh thần của Quyết định 15, nhầm tưởng UBND TP hỗ trợ cho vay vốn.
Thực chất, UBND TP chỉ bù lãi vay kích cầu, còn DN phải tự liên hệ với ngân hàng để vay vốn. Khi được 1 trong 4 ngân hàng thương mại trên địa bàn TPHCM (trong Quy định về kích cầu đầu tư) đồng ý cho vay, DN hoàn chỉnh hồ sơ nộp về Sở Công thương để xét duyệt. Nếu hồ sơ đạt yêu cầu, UBND TP sẽ bù lãi vay cho DN, thời gian được tính từ khi ngân hàng giải ngân vốn.
“Tuy nhiên trên thực tế, DN luôn bị gặp khó khăn từ phía ngân hàng khi đi vay vốn do thiếu tài sản thế chấp, đặc biệt là DN vừa và nhỏ. Mặt khác, một phần do các DN chưa chủ động, ngại làm thủ tục, hồ sơ vay vốn kích cầu. Để tạo điều kiện cho DN có thể khơi thông bế tắc khi làm hồ sơ tiếp cận nguồn vốn vay cấp bù lãi suất kích cầu, hiện Sở Công thương ngoài phát hành hồ sơ, nếu DN có nhu cầu về thủ tục sẽ được các bộ phận chuyên môn của sở hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, vấn đề là DN phải chứng minh được năng lực để ngân hàng đồng ý cho vay, bước kế tiếp mới đến UBND TP xem xét quyết định là có đủ điều kiện cấp bù lãi suất theo chương trình kích cầu hay không”, đại diện Sở Công thương giải thích.
Theo Phụ lục Danh mục sản phẩm CNHT được hỗ trợ lãi vay trong quy định mới về kích cầu đầu tư, hầu hết các ngành đều tăng đáng kể. Trong đó, ngành cơ khí 28 sản phẩm; ngành điện, điện tử - công nghệ thông tin 17 sản phẩm; ngành hóa chất nhựa, cao su 6 sản phẩm; ngành chế biến lương thực - thực phẩm 3 sản phẩm; ngành dệt may 7 sản phẩm; ngành da giày 5 sản phẩm. |