Từ đầu tháng 9, các ngân hàng (NH) đã đồng loạt đưa lãi suất huy động về mức trần 14% và cam kết hạ lãi suất cho vay xuống ngưỡng 17%-19%. Tuy nhiên, đến thời điểm này nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, đặc biệt loại hình DN vừa và nhỏ vẫn phải đi vay với mức lãi suất từ 21% đến trên 24%/năm.
Cắn răng chịu đựng
Ông Bùi Văn Chính, Giám đốc Công ty TNHH May Hoàn Cầu, chuyên gia công hàng quần áo xuất khẩu, quận Tân Bình cho biết, khi hay tin các NH đồng loạt đưa trần lãi suất huy động về mức 14% và lãi suất cho vay sản xuất xuống mức 17%-19%/năm, ông liền liên hệ với một số NH để vay vốn. Tuy nhiên, lãi suất mà ông được các NH thương mại chào cho vay thấp nhất là 21,5%/năm. Theo ông Chính, để tiếp cận được mức lãi suất này cũng không phải dễ, vì NH đưa ra điều kiện DN ông phải từng là “mối ruột” và có thời gian thanh toán nợ tốt. Trái lại, đối với hồ sơ DN vay lần đầu, dù có tài sản thế chấp cũng phải chịu lãi vay từ 22% đến 24%, nhưng cũng rất ít NH cho vay.
Tương tự, hầu hết DN trong ngành sản xuất công nghiệp như cơ khí, nhựa, điện tử… đều cho biết, hiện nay dù nhiều NH đã công bố giảm lãi suất cho vay xuống còn 17%-18%, song trên thực tế số đơn vị được vay theo mức lãi suất này không nhiều, đa phần vẫn chịu mức lãi vay từ 22%-23%, thậm chí cao hơn. Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc DN tư nhân Hoàng Tấn, chuyên gia công các thiết bị cơ khí ở quận Thủ Đức cho biết, trong một thời gian dài DN của ông lao đao vì lãi suất NH quá cao, lại khó tiếp cận. Những ngày qua khi hay tin lãi suất giảm, trong khi đang có khá nhiều đơn hàng đặt và yêu cầu phải hoàn thành vào cuối năm nay nên ông khấp khởi đem hồ sơ đến NH vay vốn.
Trái với kỳ vọng ban đầu, ông Bình được NH duyệt cho vay 1,5 tỷ đồng với lãi suất 22%. “Hiện nay, áp lực tăng giá từ chi phí lương, giá nguyên liệu nhập, chi phí bán hàng, cộng thêm lãi suất cao chót vót nên chắc chắn sản xuất cũng chỉ từ hòa đến lỗ vốn. Nhưng nếu không cắn răng vay sẽ mất khách hàng, hàng trăm lao động mất việc và DN cũng “chết” theo”, ông Bình buồn rầu than thở. Qua tìm hiểu, nhiều DN sản xuất thực phẩm cho rằng, thời điểm này đến cuối năm là cơ hội để “về đích”. Tuy nhiên, lợi nhuận của nhóm hàng này sau khi trừ đi các chi phí sản xuất và bán hàng, còn chừng 8%, nhưng với lãi suất hiện tại, cộng thêm thuế thu nhập DN 25%, nếu cân đối số lượng không khéo, lỡ hàng tồn, coi như lỗ nặng. Chính vì vậy, nhiều DN sản xuất mặt hàng này chỉ hoạt động cầm chừng hoặc có vốn đến đâu xoay vòng đến đó, hạn chế tối đa vay NH để tránh lỗ.
Lãi suất vay khó giảm
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Liksin Lê Đăng Quang cho biết, vừa qua DN đầu tư hàng trăm tỷ đồng để di dời nhà máy, mở rộng sản xuất về KCN Tân Đức, tỉnh Long An. Liksin cũng là mối ruột của vài NH. Tuy vậy, mức lãi vay thấp nhất mà DN được ưu ái vẫn khá cao, gần 18%/năm. Theo ông Quang, với mức trần huy động 14%, đáng lý ra các NH cho vay ở khoảng 15%-16%, cao lắm 17% là hợp lý. Bởi với tình hình kinh tế hiện nay, cộng với lãi suất quá cao sẽ khiến nhiều doanh nghiệp đuối sức, đặc biệt là DN vừa và nhỏ chiếm số lượng khá lớn đang rất thiếu vốn.
Theo một cán bộ tín dụng của NHTM CP Đại Á, mức lãi suất 17%-19% mà NH này đang áp dụng rất ít, chủ yếu cho các khách hàng ruột và tiềm năng. Riêng đối với các khách hàng khác, thấp nhất vẫn ở mức 21%/năm. Ngay cả đối với các khách hàng mà NH cho vay trước đây, đến nay tất toán công nợ muốn tiếp tục vay lại vẫn phải chịu mức lãi suất cũ, thấp nhất là 21%/năm. Hầu hết các NH đều cho rằng, lãi suất khó có thể giảm, đặc biệt thời gian từ đây đến cuối năm. Nguyên nhân do nguồn vốn NH huy động vào thời điểm lãi suất cao còn khá nhiều, chưa giải ngân hết. Mặt khác, nguồn huy động vốn trần 14% hiện nay rất khó và ít. Chưa kể, số lượng các NHTM bị khách hàng rút tiền gửi khá lớn để đầu tư vào các kênh khác…
Đó cũng là lý do vì sao hiện nay các NHTM mới chỉ tính toán dành ra lượng vốn tương đối để đưa ra gói tín dụng với lãi suất ưu đãi dành cho DN ưu tiên, chứ chưa bao trùm tất cả các đối tượng và các lĩnh vực.
Lạc Phong