Doanh nghiệp kiến nghị chính phủ tháo gỡ thủ tục môi trường

Luôn mong muốn hoàn tất các thủ tục pháp lý về môi trường để tuân thủ đúng pháp luật trong việc xử lý chất thải cho TPHCM, tuy nhiên, hơn 1 năm qua, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) đã gửi hồ sơ xin cấp giấy phép xả nước thải và hồ sơ xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường đến Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam
Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam

Khó khăn từ thủ tục hành chính

Mới đây Công ty VWS, chủ đầu tư Khu Liên hợp Xử Lý chất thải Đa Phước (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM) có công văn gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) và UBND TPHCM, đề nghị hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục môi trường trong quá trình thực hiện dự án .

Theo công văn của Công ty VWS, từ khi được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép đầu tư ngày 28-12-2005 và ký hợp đồng đầu tư, xây dựng và vận hành Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước với UBND TPHCM vào ngày 28-2-2006, Công ty VWS đã dốc toàn lực xây dựng các hạng mục kỹ thuật và công nghệ để đưa dự án vào vận hành, tiếp nhận và xử lý chất thải cho TPHCM từ ngày 1-11-2017. Quá trình đầu tư, VWS thực hiện đầy đủ các thủ tục, nội dung hợp đồng đã ký kết, luôn tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.

Trong những năm đầu tiên, công ty VWS nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các bộ ngành, chính quyền TPHCM, nhờ vậy đã hoàn thành các thủ tục cần thiết, nâng cao năng lực tiếp nhận và xử lý chất thải cho TPHCM từ 3.000 tấn rác/ngày lên 5.000 tấn rác/ngày. Tuy nhiên, kể từ năm 2014 đến nay, dự án gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến thủ tục hành chính, cạnh tranh không lành mạnh hoặc bị thanh tra, kiểm tra liên tục (có năm phải tiếp hơn 30 đoàn kiểm tra).

Cụ thể, ngày 27-7-2018, Công ty VWS trình Bộ TNMT xem xét, phê duyệt đơn đề nghị cấp giấy phép xả nước thải của Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa phước vào nguồn nước của VWS. Sau đó, theo yêu cầu của Bộ TNMT, Công ty VWS lần lượt có 3 báo cáo giải trình, nêu rõ các nội dung mà bộ yêu cầu.

Tuy nhiên, sau nhiều lần trả hồ sơ trong năm 2018, vào ngày 5-1-2019, Bộ TNMT gửi Công văn số 32/TNN-LVSBV, tiếp tục trả hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xả nước thải của VWS. Lần gần đây nhất, theo yêu cầu của Bộ TNMT tại Công văn số 1105/TNN-LVSBV ban hành ngày 11-6-2019, VWS tiếp tục báo cáo giải trình và ngày 9-7 gửi hồ sơ mới xin cấp giấy phép xả nước thải.

Đến nay đã hơn 1 năm, tính từ ngày VWS trình hồ sơ xin cấp phép xả nước thải, sau rất nhiều lần giải trình và bị trả hồ sơ, sự việc vẫn chưa được Bộ TN-MT hướng dẫn và giải quyết rõ ràng, gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động và báo cáo định kỳ cho cơ quan quản lý địa phương.


Mong muốn sớm hoàn thiện thủ tục pháp lý về môi trường

Ngày 3-10-2018, Công ty VWS trình Bộ TNMT văn bản số 18219/VB-VWS, đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa phước, nâng công suất tiếp nhận chất thải sinh hoạt từ 3.000 tấn/ngày lên 10.000 tấn/ngày. 

Hơn 1 tháng sau, ngày 7-11-2018, Bộ TN-MT ra Quyết định số 3390/QĐ-BTNMT, về việc thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án. Căn cứ theo yêu cầu tại biên bản kiểm tra ngày 22-11-2018 của Tổng cục Môi trường, ngày 29-3-2019, Công ty VWS có văn bản 1969/VB-VWS, giải trình các nội dung đã hoàn thiện theo yêu cầu.

Thế nhưng, đến ngày 24-5-2019, Cục Bảo vệ môi trường Miền Nam (Tổng cục Môi trường) lại có Công văn số 188/TB-MTMN, thông báo về việc trả lại hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án.

Cũng theo công văn của Công ty VWS, do Bộ TNMT kéo dài quá lâu thời gian phê duyệt hồ sơ, làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tuân thủ pháp luật môi trường của doanh nghiệp, ngày 16-7-2019, VWS đã gửi Bộ TNMT Văn bản số 19161/VB-VWS, đề nghị được phân kỳ giai đoạn thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường để phục vụ công tác xác nhận báo cáo kết quả thực hiện công trình, biện pháp bảo vệ môi trường theo đúng hướng dẫn của luật.

Đến nay hồ sơ xin xác nhận các công trình bảo vệ môi trường cũng đã kéo dài gần 1 năm mà Bộ TN-MT vẫn chưa có phản hồi cụ thể, được hay không được. Việc chậm trễ này đã đưa doanh nghiệp vào tình thế hoạt động không đúng quy định pháp luật vì không đầy đủ các thủ tục. Doanh nghiệp cảm thấy mệt mỏi và hoang mang vì phải tốn công sức giải trình nhiều lần trong một thời gian quá dài, thậm chí phải làm lại toàn bộ hồ sơ để trình nộp lại lần 2 mà Bộ TNMT vẫn chưa xét duyệt hoặc có ý kiến đóng góp thẳng thắn.

Doanh nghiệp kiến nghị chính phủ tháo gỡ thủ tục môi trường ảnh 2 Ông Kevin Moore, Giám đốc điều hành Công ty VWS

“Từ năm 2014 đến nay, Công ty VWS đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, đến mức bị khủng hoảng truyền thông, gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của dự án, của cá nhân chủ đầu tư; đặc biệt là uy tín của công ty mẹ tại Hoa Kỳ. Đồng thời đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, công nhân viên của công ty cảm thấy mệt mỏi, tâm lý căng thẳng. Công ty VWS bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là Bộ TNMT, để sớm hoàn tất các thủ tục pháp lý về môi trường, thuận lợi trong hoạt động, tuân thủ tốt pháp luật và hoàn thành việc xử lý chất thải cho TPHCM ngày càng tốt hơn” - Ông Kevin Moore, Giám đốc điều hành Công ty VWS nói.

Tin cùng chuyên mục