Gần 2 năm nay, từ khi TPHCM yêu cầu các quận, huyện phải “gửi gắm” người sau cai nghiện ma túy vào học nghề và làm việc tại các doanh nghiệp (DN), đến nay vẫn rất ít DN nhận người sau cai nghiện làm việc. Trong khi bản thân người sau cai còn nhiều hạn chế về sức khỏe, trình độ và tác phong kỷ luật thì các chính sách hỗ trợ DN lại thiếu hấp dẫn, chưa có sức hút với DN mạnh dạn nhận người sau cai vào làm việc.
Nhận người vì tình cảm
Sau một thời gian tái hòa nhập cộng đồng, anh N.L.Th. (30 tuổi, ngụ phường 3, quận Bình Thạnh) vẫn chưa có việc làm. Qua sự giới thiệu, bảo lãnh của cán bộ phường, anh Th. được ông Nguyễn Hoàng Sơn, chủ cơ sở sản xuất giày dép 125/4/15 Vạn Kiếp (quận Bình Thạnh) nhận vào làm việc. Không những được tạo công ăn việc làm, điều hạnh phúc hơn là mọi người trong nơi làm việc luôn gần gũi, chia sẻ với anh. Anh kể, gần 1 năm trước, vết thương bên trái đầu do tai nạn giao thông tái phát. Đau không chịu thấu, anh vào bệnh viện điều trị mà trong nhà trống trơn không có đồng nào. Trước tình cảnh ấy, ông chủ Sơn đã tặng gia đình anh mấy triệu đồng; anh em trong cơ sở gom góp được tổng cộng 6 triệu đồng giúp anh qua lúc hoạn nạn.
Được sự động viên của mọi người trong cộng đồng và nơi làm việc, anh Th. siêng năng làm lụng lắp ráp quai dép, thu nhập của anh Th. nhích dần lên và hiện nay đạt 4 - 5 triệu đồng/tháng. “Có công việc ổn định, gần nhà, tôi có điều kiện chăm lo cho gia đình nhỏ của mình với bé gái 10 tháng tuổi. Niềm hạnh phúc bình dị trong công việc và bên gia đình mà trước đây tôi không coi trọng, giờ đã ở bên tôi, nhờ tình thương yêu, chia sẻ của mọi người”, anh Th. xúc động nói. Ông Nguyễn Hoàng Sơn cho biết, mấy năm trước, lúc đông, cơ sở của ông nhận tới 7 người sau cai vào làm việc. Người sau cai sức khỏe nhiều khi không được tốt. Tùy người, cắt việc, ông Sơn luôn sẵn sàng nhận người sau cai vào làm việc. Tuy nhiên, mọi người cứ nghỉ dần và hiện chỉ còn anh Th.
Tương tự, ông Nguyễn Chí Trung (Giám đốc Công ty TNHH Phúc Thành Danh) cũng luôn tạo điều kiện cho những người lầm lỡ có việc làm. UBND phường Nguyễn Cư Trinh cho biết, hiện ông Trung đang tạo công ăn việc làm cho 20 - 30 người từng lầm lỡ, trong đó có 4 người sau cai là anh L.N.T. (29 tuổi), T.M.T. (33 tuổi), V.Q.T. (31 tuổi) và N.Tr.N. (32 tuổi) vào làm. Đặc biệt, một số con em lầm lỡ, lại cư ngụ ở khu Mả Lạng trong phường, các nơi khác thường “chê” vì lý lịch thì doanh nghiệp của ông Trung vẫn sẵn sàng đón nhận. Thu nhập của người sau cai làm việc tại doanh nghiệp của ông Trung từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/tháng, chưa kể thêm khoản tiền khách hàng thưởng thêm.
Chính sách chưa có sức hút
Tuy nhiên, những DN không “ngại” người sau cai như cơ sở của ông Sơn, ông Trung hiện không nhiều. Thời kỳ các DN tiếp nhận hàng chục, hàng trăm người sau cai như khi TP đang thực hiện Nghị quyết 16 (2003 - 2009) đã xa vời. Giờ đây, tại quận 8, qua rà soát, bước đầu ghi nhận mới có 1 DN đủ khả năng tiếp nhận người sau cai. Tại quận 11, khi tiếp xúc với chính quyền địa phương, vì nể nang, một số DN ậm ừ hứa hẹn nhưng đến nay vẫn chưa có DN nào mở rộng vòng tay. Phòng LĐTB-XH huyện Hóc Môn cho biết, huyện chưa “gửi gắm” được người sau cai nào vào DN.
Các quận huyện cho biết, điều kiện để DN tham gia dạy nghề dạng kèm cặp là tự nguyện và cam kết nhận người sau cai vào học nghề và giải quyết việc làm lao động sau cai nghiện làm việc lâu dài (từ 6 tháng trở lên) sau thời gian học nghề. UBND phường, xã, thị trấn sẽ thanh toán kinh phí cho các DN nhận người sau cai nghiện vào học nghề và làm việc với mức chi 1 triệu đồng/người sau 6 tháng kể từ ngày người sau cai nghiện vào học nghề và làm việc.
Trong khi bản thân người sau cai còn hạn chế về sức khỏe, trình độ, tác phong kỷ luật thì chính sách này rõ ràng chưa tạo ra sức hút đối với DN. Đến nay, gần như chưa DN nào được nhận khoản tiền công dạy nghề cho người sau cai. DN nhận người sau cai vào làm việc chủ yếu vì tình cảm, muốn giúp người lầm lỡ và vì muốn san sẻ trách nhiệm với địa phương. Về mặt tâm lý, trong khi xã hội còn nhiều kỳ thị với người từng lầm lỡ, các DN nếu có tiếp nhận người sau cai cũng là điều bí mật, không muốn người bên ngoài dị nghị.
| |
ĐƯỜNG LOAN