Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - Những điều trăn trở. Bài 3: Xây dựng “xương sống” nền kinh tế

Chiếm gần 97% trong tổng số các doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cùng đội ngũ gần 3 triệu hộ kinh doanh cá thể và 133.000 trang trại, HTX đã đóng góp 60% GDP của cả nước. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan hơn về vai trò cũng như vị trí của các DNNVV trong nền kinh tế, từ đó xây dựng một chiến lược tập hợp và phát triển DN một cách bài bản hơn. Vấn đề đặt ra là chúng ta sẽ có những cơ chế chính sách, phát triển DNNVV theo hướng nào? PV Báo SGGP đã đặt những vấn đề này với TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam - Những điều trăn trở. Bài 3: Xây dựng “xương sống” nền kinh tế

Chiếm gần 97% trong tổng số các doanh nghiệp đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cùng đội ngũ gần 3 triệu hộ kinh doanh cá thể và 133.000 trang trại, HTX đã đóng góp 60% GDP của cả nước. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan hơn về vai trò cũng như vị trí của các DNNVV trong nền kinh tế, từ đó xây dựng một chiến lược tập hợp và phát triển DN một cách bài bản hơn. Vấn đề đặt ra là chúng ta sẽ có những cơ chế chính sách, phát triển DNNVV theo hướng nào? PV Báo SGGP đã đặt những vấn đề này với TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

- PV: Ông nhìn nhận như thế nào về vị trí, vai trò của DNNVV?

- Tiến sĩ TRẦN DU LỊCH: Tôi có thể nói ngay, đây là lực lượng không thể thiếu, là thành phần có đóng góp nhiều nhất vào cơ cấu GDP của cả nước. Nói cách khác, DNNVV là “xương sống” của nền kinh tế, là khu vực đang trụ vững nhất trước sóng gió của cuộc khủng hoảng. Riêng tại TPHCM, hiện có khoảng 300.000 hộ kinh doanh cá thể, nếu xét trên cơ cấu GDP, những đóng góp của họ không hề thua kém lực lượng DN đang hoạt động theo luật. Do vậy, bên cạnh những DN đăng ký theo luật, đội ngũ các hộ kinh doanh cá thể cũng được xem là các DNNVV. Việc các DNNVV ra đời mạnh mẽ không chỉ tạo công ăn việc làm mà còn góp phần rút ngắn khoảng cách giàu – nghèo, tạo sự cân bằng trong xã hội.

Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tại Công ty Ái Đức. Ảnh: CAO THĂNG
Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu tại Công ty Ái Đức. Ảnh: CAO THĂNG

- Nhiều ý kiến cho rằng, sẽ có sự phá sản hàng loạt đối với khu vực DNNVV bởi họ đang chịu tác động nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng kinh tế và các chính sách điều hành vĩ mô. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Về vấn đề này, tôi có cái nhìn lạc quan hơn, sẽ không có sự đổ vỡ và cũng không có sự phá sản hàng loạt xảy ra. Thực tế trong năm 2011 - năm được xem là khó khăn nhất của nền kinh tế - chính các đại gia mới là đối tượng bị phá sản hàng loạt. Trở lại với các DNNVV, vì cơ cấu bộ máy hoạt động nhỏ, gọn trong khi nguồn vốn kinh doanh chủ yếu là tự có hoặc huy động từ nhiều nguồn khác nhau nên khi chính phủ thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, chính họ là khu vực ít chịu ảnh hưởng nhất. Tôi nhấn mạnh là DNNVV bao gồm cả các hộ kinh doanh cá thể. Với những DN hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, khó khăn chủ yếu xuất phát từ thị trường chứ không phải từ việc thiếu vốn, khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Ví dụ, khủng hoảng kinh tế tác động đến thị trường, làm cho sức mua sụt giảm. Khi đó, các DNNVV sản xuất và cung ứng một công đoạn nào đó sẽ bị tác động dây chuyền. Nói cách khác, khủng hoảng kinh tế cũng như các chính sách điều hành vĩ mô chỉ tác động gián tiếp đến các DNNVV chứ không tác động trực tiếp. Đây cũng chính là đặc thù của nền kinh tế Việt Nam.

- Theo ông, Chính phủ đã đầu tư đúng tầm cho các DNNVV?

- Những năm gần đây, Chính phủ đã có những đầu tư nhất định cho DNNVV như có cơ chế hỗ trợ về vốn, chính sách thông qua các quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN. Chính phủ đã giao Bộ KH-ĐT là cơ quan chủ quản của các DNNVV theo dõi hoạt động cũng như đề xuất các chính sách nhằm hỗ trợ DN. Bên cạnh đó, còn có Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội các DNNVV Việt Nam, tại mỗi tỉnh thành cũng có các hiệp hội DN và ngành hàng… Tuy nhiên, những hoạt động này chưa mang lại hiệu quả thiết thực cho DN. Họ đang phải đi mua sự hỗ trợ từ bên ngoài, từ các tổ chức cá nhân hơn là từ phía nhà nước. Đây là vấn đề cần được xem xét một cách căn cơ.

- Vậy các DNNVV đang cần những gì?

- Cần sự ưu đãi về thuế để khơi dậy tiềm lực của DN. Họ cần được tiếp cận tốt hơn các nguồn vốn từ các quỹ bảo lãnh tín dụng của nhà nước. Tôi cho rằng quỹ bảo lãnh tín dụng sẽ mang lại nhiều cái lợi, đó là nhà nước sẽ thu được thuế và từ nguồn vốn này DN sẽ giải quyết công ăn việc làm, ổn định an sinh xã hội. Các DN cũng đang rất cần được tư vấn miễn phí từ nhà nước. Với các DN sản xuất, họ cần được tư vấn về mặt kỹ thuật, công nghệ; được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực và quản trị nhân lực; được hỗ trợ xúc tiến thương mại; gỡ bỏ những khó khăn về đất đai, nhà xưởng… Nhà nước nên tạo cơ chế chính sách để các DNNVV trở thành mạng lưới cung cấp các nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất. Không ai có thể làm tốt hơn việc phát triển công nghệ phụ trợ bằng các DNNVV. Nhưng để làm được, cần phải có chính sách tốt, trong đó chính sách cho DN nhỏ và DN lớn cần phải rõ ràng. DN nhỏ thường yếu nên việc nhà nước hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho họ lớn lên là điều rất cần thiết trong tình hình kinh tế hiện nay.

Tôi cho rằng chúng ta đang thiếu cả nguồn lực triển khai lẫn cơ chế chính sách. Về quan điểm, chúng ta chưa bao giờ xem DNNVV là “xương sống” của nền kinh tế mà vẫn đặt nặng vai trò của các DN nhà nước và các tập đoàn kinh tế lên hàng đầu. Nói cách khác, chúng ta chưa có định hướng chiến lược, xem DNNVV là mô hình kinh tế cần được phát triển. Chung quy lại đây là vấn đề quan điểm. Chỉ có quan điểm đúng thì chúng ta mới đưa ra những vấn đề gốc rễ được. Chẳng hạn, tại lãnh thổ Đài Loan thì họ xem DNNVV là “xương sống” của nền kinh tế nhưng tại Hàn Quốc lại là những tập đoàn kinh tế. Trở lại với cơ chế chính sách, chúng ta đang thiếu những cơ chế và định chế tài chính hỗ trợ cho các DNNVV.

 
TS TRẦN DU LỊCH


THÚY HẢI

Thông tin liên quan:

>> Bài 2: Nghiêng ngả trước sóng gió

>> Bài 1: Lớn nhanh trong áp lực cạnh tranh

Tin cùng chuyên mục