Doanh nghiệp thờ ơ với vốn ngân hàng

Chiều 13-10, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM, các tổ chức tín dụng và một số doanh nghiệp (DN) về thị trường tiền tệ, tình hình DN vay vốn sản xuất trên địa bàn TPHCM.
Doanh nghiệp thờ ơ với vốn ngân hàng

Chiều 13-10, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM, các tổ chức tín dụng và một số doanh nghiệp (DN) về thị trường tiền tệ, tình hình DN vay vốn sản xuất trên địa bàn TPHCM.

Các ngân hàng cho biết, hạn mức tín dụng cấp cho DN hiện đang dư thừa vì các DN không có nhu cầu vay mặc dù các ngân hàng ra sức tiếp cận. Mối quan hệ giữa ngân hàng và DN hiện nay không phải DN cần ngân hàng mà ngân hàng cần DN nhiều hơn.

Người dân làm thủ tục vay vốn tại ngân hàng ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Ngân hàng đeo bám DN vẫn khó cho vay

Báo cáo với Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, 9 tháng đầu năm, huy động vốn trên địa bàn TP tăng 4,7% và tăng trưởng tín dụng tăng 6,05% so với đầu năm. Tốc độ tăng trưởng 9 tháng ở mức 6,05% là không tính các khoảng ngân hàng mua trái phiếu mà chỉ tính vốn tín dụng đưa vào các thành phần kinh tế để tiến hành sản xuất kinh doanh. Trong đó có đến 80% tổng dư nợ đi vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tăng 3,6% so với đầu năm. Dư nợ cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên đạt 578.000 tỷ đồng (chiếm 58% tổng dư nợ, tăng 7,9% so với đầu năm). Trong số này các khoản vay có lãi suất tối đa 8%/năm chiếm 30% tổng dư nợ; lãi suất trên 8% - 12%/năm chiếm 50%; lãi suất trên 12% chiếm 20% tổng dư nợ (chủ yếu là cho vay lĩnh vực tiêu dùng và chứng khoán). “Mức lãi suất cho vay hiện nay đã là khá hợp lý, hiện nhiều ngân hàng đưa ra các gói lãi suất cho DN vay ưu đãi ở mức 6% - 7%/năm” - ông Minh nhận định.

Mặc dù vậy, ông Nguyễn Phước Hưng, Tổng thư ký Hiệp hội DN TPHCM, lại cho rằng, chưa bao giờ DN lại thờ ơ với vốn tín dụng như hiện nay. Với hàng ngàn phiếu thăm dò nhu cầu vốn vay được phát ra cho DN thì hiệp hội chỉ nhận lại được vài chục phiếu có nhu cầu vay. Mặc dù cho biết DN hiện không gặp khó khăn gì trong vốn vay cũng như sản xuất kinh doanh, nhưng ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho rằng, do khó khăn chung về thị trường và sức mua sụt giảm, nên các DN cũng ngần ngại vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, một số DN nhỏ hiện đã tự túc được vốn nên không có nhu cầu vay hoặc một số DN biết không thể tiếp cận được vốn tín dụng vì điều kiện tài sản thế chấp nên cũng không mặn mà.

Nhiều ngân hàng cũng thừa nhận, hiện nay ngân hàng cần DN hơn là DN cần ngân hàng. Các ngân hàng vẫn ra sức tiếp cận các DN để cho vay nhưng do các DN không có nhu cầu vay vốn nên việc tăng trưởng tín dụng ở lĩnh vực cho vay DN thấp. Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB cho biết, trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của ACB trên địa bàn TPHCM tăng 7%, trong đó cho vay DN của ngân hàng trên địa bàn TP chỉ chiếm khoảng 2% trong tổng dư nợ và khả năng tăng trưởng tín dụng ở khối DN rất khó. Ông Đỗ Duy Hưng, Tổng Giám đốc VietCapital Bank, cũng cho biết, từ đầu 2014 đến nay, dư nợ của ngân hàng đạt khoảng 11.400 tỷ đồng nhưng tỷ lệ cho vay DN chỉ chiếm dưới 20%. Tương tự, ông Nguyễn Quang Triết, Phó Tổng Giám đốc Eximbank, cũng cho rằng, Eximbank có nhiều gói hỗ trợ lãi suất cho DN ở mức 7,5 - 8%/năm, thậm chí có gói lãi suất 5%/năm cho vay trong 3 tháng nhưng vẫn rất khó cho vay. 

Nợ xấu tăng nhanh

 

* Nhiều ngân hàng kiến nghị xem xét giảm việc trích lập dự phòng rủi ro khi bán nợ xấu cho VAMC từ 20% xuống còn 10% do thực tế trước đó, các ngân hàng đã phải trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản vay rồi. Ngoài ra, các ngân hàng cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, cần phải giải quyết điểm nghẽn trong xử lý các tài sản đảm bảo vì hiện nay khâu xử lý này thủ tục rất nhiêu khê và tốn nhiều thời gian.

 

Báo cáo về con số nợ xấu, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết tỷ lệ nợ xấu 9 tháng đầu năm 2014 tăng khá nhanh. Cụ thể: đầu năm tỷ lệ này ở mức 4,59% (tương đương 44.700 tỷ đồng), đến cuối tháng 8-2014 đã lên 6,1% (60.900 tỷ đồng). Trong đó, các công ty tài chính và cho thuê tài chính có nợ xấu cao nhất. Nguyên nhân nợ xấu tăng nhanh theo ông Minh là do từ ngày 1-6-2014, các NHTM phải thực hiện Thông tư 02 về phân nợ và trích lập dự phòng rủi ro. “Chỉ trong tháng 6-2014, tỷ lệ nợ xấu tăng 13.800 tỷ đồng, nên đến cuối tháng 8, tỷ lệ nợ xấu tại TP tăng 16.200 tỷ đồng so với đầu năm”- ông Minh lý giải thêm. Về xử lý nợ xấu, ông Minh cho biết, tính đến tháng 8-2014, TPHCM đã xử lý được 15.584 tỷ đồng, lũy kế trong năm 2013 và 8 tháng năm 2014 toàn TP đã xử lý tổng cộng 49.463 tỷ đồng. “Nợ xấu những tháng đầu năm được xử lý thông qua các phương thức: các ngân hàng tích cực thu hồi nợ, xử lý bằng tài sản đảm bảo, khoảng 4.200 tỷ đồng; bán nợ cho VAMC 2.961 tỷ đồng và các ngân hàng xử lý bằng nguồn trích lập và xử lý dự phòng rủi ro khoảng 2.603 tỷ đồng. Riêng cơ cấu lại nợ, tính đến cuối 8-2014, các ngân hàng đã cơ cấu lại nợ cho hơn 10.514 khách hàng với gần 210.000 tỷ đồng”- ông Minh cho biết.

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Trần Du Lịch đặt vấn đề: Các ngân hàng được cơ cấu nợ nhưng hết thời hạn cơ cấu vẫn không thanh toán được nợ liệu số nợ này có trở thành nợ xấu? Về việc này, ông Minh thừa nhận, vì theo quy định, các tổ chức tín dụng chỉ cơ cấu lại cho các DN còn khả năng tài chính và chỉ cơ cấu lại nợ một lần duy nhất. Mặc dù vậy, theo ông Minh, từ nay đến cuối năm hứa hẹn có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu như: các ngân hàng đang tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ để bán cho VAMC. Ngoài ra, Thông tư 16 của liên bộ: Tư pháp, Tài nguyên - Môi trường và NHNN sẽ giúp đẩy nhanh việc xử lý tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, trích lập và xử lý quỹ dự phòng rủi ro cao nên nợ xấu sẽ được xử lý tốt hơn.

Sau khi nghe báo cáo của các ngân hàng về hoạt động tín dụng trong 9 tháng qua, ông Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, đánh giá cao sự nỗ lực của ngành ngân hàng TP về những kết quả đạt được cũng như sự tham gia tích cực trong các chương trình tháo gỡ khó khăn cho DN. Ông Trần Du Lịch cho rằng, tình hình ngân hàng hiện nay cũng đã sáng sủa hơn, DN cũng đã kêu ít hơn. Ngoài những nỗ lực của ngành ngân hàng thời gian qua, vốn tín dụng ra được nền kinh tế, NHNN cần phải dùng công cụ của mình để giảm lãi suất tái chiết khấu cho các NHTM; tạo điều kiện để các NHTM giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn. Từ đó, có thể giảm chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra từ mức phổ biến khoảng 3,5% - 4% hiện nay xuống còn 2,5% - 3% trong bối cảnh lạm phát giảm như hiện nay.

HẠNH NHUNG

Tin cùng chuyên mục