
Từ năm 1996, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai “Thập niên chất lượng Việt Nam lần 1” do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình phát động, bằng nhiều hoạt động phong phú. Điều gây ấn tượng nhất về phong trào năng suất chất lượng này là một số sản phẩm ngoại nhập chiếm lĩnh thị trường trong nước đã bị đẩy lùi. Song nỗi lo vẫn còn nhiều trước hội nhập cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới trong thập niên sắp đến…
- “Bức tranh” chưa đậm nét

Phòng tương thích điện từ có chất lượng vào hàng đầu thế giới được trang bị tại Trung tâm Kỹ thuật 3.
Có thể nói TPHCM khởi đầu phong trào này rất sôi nổi. Đó là các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện đại hóa với chi phí thấp, tạo ưu thế cạnh tranh tổng hợp, đẩy mạnh xuất khẩu (gọi tắt là CT 04); CT hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng suất – chất lượng và hội nhập; CT sản phẩm công nghiệp chủ lực; CT hệ thống đối thoại doanh nghiệp – chính quyền thành phố; CT hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý về tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng và đẩy mạnh việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến…
Qua đó phong trào chất lượng lan ra khá rộng trên địa bàn với kết quả đạt được đáng khích lệ: có hơn 1.000 đơn vị (chiếm 35% của cả nước) đã được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9001, GMS, HACCP, ISO 14001, SA 8000…; 37 phòng thí nghiệm được công nhận phù hợp ISO 17025; hàng chục ngàn doanh nghiệp đã công bố tiêu chuẩn hàng hóa và chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn.
Đáng chú ý là tính kích hoạt của phong trào này. Từ việc ứng dụng ISO 9000, nay đã phát triển mạnh sang các hệ thống quản lý chuyên ngành khác; từ ứng dụng ISO 9000 trong công nghiệp, đã lan sang các lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, kể cả dịch vụ hành chính công.
Nhờ thúc đẩy cạnh tranh, cải tiến chất lượng liên tục, nhiều mặt hàng sản xuất trong nước đã đẩy lùi sản phẩm ngoại nhập và chiếm lĩnh lại thị trường. Đến nay, nhiều mặt hàng của nhiều ngành đã được xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực và thế giới như dệt may, nông sản – thực phẩm chế biến, dây cáp điện, quạt điện, xe đạp, xe máy, vật liệu xây dựng, cao su – nhựa… góp phần tăng trưởng GDP bình quân 11%/năm, tăng tỷ lệ đóng góp GDP quốc gia từ 13% (năm 1985) lên 20% (năm 2005).
Nhìn tổng thể “bức tranh” năng suất và chất lượng của thành phố cho thấy đã có đường nét, song vẫn chưa đậm so với yêu cầu phát triển, hội nhập. Gần đây, theo điều tra của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số năng lực cạnh tranh của TPHCM chỉ xếp thứ 17/42 tỉnh thành trong cả nước; giá trị gia tăng trong công nghiệp, dịch vụ cũng còn thấp; tốc độ tăng số chứng chỉ ISO 9000 của thành phố cũng còn thấp so với thế giới.
Việc tổ chức triển khai áp dụng các công cụ và phương pháp quản lý chất lượng tiên tiến còn kém, đặc biệt đối với các chứng chỉ an toàn sản phẩm, nhãn sinh thái, các hệ thống GMS, HACCP, ISO 9000. Đó là thách thức lớn cần phải được giải quyết căn cơ để “bài toán” năng suất và chất lượng vận hành theo hướng tiêu chuẩn hóa, xã hội hóa nhằm từng bước vượt qua các rào cản kỹ thuật và hội nhập kinh tế quốc tế thành công.
- Đột phá vào 2 điểm yếu của chu trình chất lượng
Đầu tháng 12-2005, TPHCM tiếp tục tổ chức hội nghị chất lượng với chủ đề “Năng suất- chất lượng, chìa khóa phát triển và hội nhập” nhằm triển khai Thập niên chất lượng lần 2, giai đoạn từ 2006 – 2015.
Theo Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Thường trực UBNDTP, để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng hơn về nhận thức cũng như hành động về năng suất – chất lượng – hiệu quả của sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo tiền đề phát triển bền vững và hội nhập thành công trong thời gian tới, thành phố tiếp tục tăng cường đào tạo về năng suất, chất lượng; tăng cường “tam giác liên kết” tạo sức mạnh tổng hợp để phát triển thị trường khoa học - công nghệ (KHCN), đặc biệt đối với các công nghệ cao, công nghệ quản lý và sản phẩm dịch vụ có giá trị gia tăng lớn; đổi mới cơ chế quản lý KHCN trong đó có sự kết hợp hài hòa công cụ pháp luật với chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp.
Việc thực hiện chu trình quản lý chất lượng từ khâu đầu tiêu chuẩn hóa đến khâu cuối là các giải thưởng chất lượng Việt Nam và quốc tế cần phải đột phá vào hai điểm yếu của chu trình này là thiết kế phát triển sản phẩm mới và khâu lưu thông phân phối để từng bước tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế, vượt qua hàng rào kỹ thuật trong thương mại, tiến đến “Một tiêu chuẩn - Thử nghiệm một lần – Cấp một chứng chỉ – Được chấp nhận ở mọi nơi”.
Trong kế hoạch triển khai Thập niên chất lượng lần 2 của TPHCM mà Sở KHCN là đầu mối phối hợp với các sở, ban ngành, quận huyện, cần đẩy mạnh việc áp dụng các phương thức chứng nhận về an toàn sản phẩm, sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn, nhãn sinh thái, chứng nhận hệ thống quản lý; khuyến khích các cơ quan hành chính nhà nước áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến để đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính. Điều có ý nghĩa quyết định mở chìa khóa phát triển và hội nhập thành công trong thập niên tới đây là các tổ chức, doanh nghiệp cần nhận thức năng suất chất lượng luôn là vấn đề sống còn của mình để có kế hoạch dài hạn phát triển năng suất và chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh.
THU BÌNH