Sau Tết Nhâm Thìn, một số ngân hàng (NH) phát đi tín hiệu giảm lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh xuống mức 15%-17%/năm khiến cộng đồng doanh nghiệp (DN) khấp khởi vui mừng. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ khó chạm đến nguồn vốn có mức lãi suất công bố.
Vẫn phải vay lãi suất cao
Ghi nhận thực tế cho thấy, ngoài những DN “VIP” lâu nay vẫn được các NH lớn ưu ái đang vay với mức lãi suất ưu đãi ở mức 16%-17%/năm, hầu hết các DN sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ đều không thể tiếp cận mức lãi suất thấp hơn 20%/năm. Đáng lưu ý, để vay được mức lãi suất như một số NH công bố, các đối tượng khách hàng VIP cũng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về thủ tục theo quy định của Ngân hàng Nhà nước như vay mục đích xuất khẩu phải có đủ chứng từ chứng minh đầu vào, đầu ra trong hoạt động sản xuất kinh doanh, giấy phép xuất hàng ra nước ngoài… Do vậy, không ít khách hàng nằm trong đối tượng này vẫn phải vay lãi suất cao do trên thực tế lãi suất cho vay ở mức nào đều nằm trong tay các NH.
Trở lại với việc DN vừa và nhỏ trầy trật vác hồ sơ đi vay vốn theo thông tin lãi suất thấp, ông Võ Ngọc Bá, Giám đốc Công ty May mặc Gia Vy, chuyên gia công quần áo xuất khẩu, quận 12 nói: “Đọc báo thấy NH công bố lãi suất hạ, tôi hớn hở gọi điện đến NH quen để làm hồ sơ vay thêm nhưng nhân viên NH trả lời mức lãi suất cho vay thấp nhất là 22%/ năm. Chưa kể, sau đó 2 ngày NH còn gửi thông báo tăng lãi suất thêm 1% đối với khoản vay gần 1 tỷ đồng của hợp đồng tín dụng cũ”. Với khó khăn về vốn nên công ty buộc phải hủy đơn hàng trị giá 30.000 USD vừa được khách hàng thông báo do không có vốn để đầu tư thêm dây chuyền, mở rộng sản xuất.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Yến, Giám đốc Công ty TNHH SX TM DV Huy Hoàng, quận Bình Tân chuyên sản xuất kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ cao cấp cho biết, hiện nay DN của bà vẫn phải vay với mức lãi suất 22%/năm và NH vừa thông báo chưa có kế hoạch giảm lãi suất. Vì vậy, dù công ty đang cần vốn mở rộng sản xuất kinh doanh cũng không dám vay NH. Bà Yến nhận xét: “Việc một vài NH hạ lãi suất, cụ thể đến thời điểm này tổng số vốn cam kết cho vay công bố khoảng trên dưới 10.000 tỷ động, như muối bỏ bể, không giúp ích được nhiều cho đại bộ phận DN. Bởi thực tế hiện nay một DN quy mô bậc trung đã cần khoản vốn vay 1.000 - 2.000 tỷ đồng, do đó số lãi suất thấp còn lại đến được với DN vừa và nhỏ như chúng tôi chắc chỉ có… trong mơ!”.
Cần tăng năng lực dự báo
Các chuyên gia kinh tế có chung đánh giá, với mức lãi suất hiện nay dao động trên dưới 20% thì các DN gặp rất nhiều khó khăn. Một số NH vẫn cố tình vượt rào, “đi đêm” với nhau với nhiều thủ đoạn tinh vi và đưa ra mức lãi suất huy động vượt trần quy định lên 15%-16% càng khiến tình hình thêm căng thẳng, lãi suất thực tế khó giảm thấp như công bố của một số NH vừa qua.
Về phía NH, một cán bộ tín dụng NH TMCP Đại Á cho hay, mức vốn huy động đầu vào từ đầu năm đến nay giảm đáng kể so với cùng kỳ, do đó việc cho khách hàng vay cũng phải chọn lựa và rà soát khắt khe. Hiện mức cho vay ngắn hạn của NH đối với khách “ruột” là 20% và dài hạn là 21%-22% nhưng số này cũng chiếm rất ít.
Theo TS Đỗ Thị Thủy, Ngân hàng Công Thương Việt Nam - với lãi suất cho vay của NHTM tăng cao hiện nay sẽ đẩy chi phí đầu vào và giá thành sản phẩm tăng lên làm suy giảm lợi nhuận cũng như khả năng cạnh tranh của DN, gây ra tình trạng thua lỗ, phá sản trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Do đó, cần có chính sách lãi suất một cách linh hoạt, kịp thời, duy trì mặt bằng lãi suất ổn định, phù hợp cơ chế thị trường trên cơ sở xử lý tốt mối quan hệ về lợi ích của người gửi tiền, các NH và người vay tiền. Hạn chế sử dụng các biện pháp hành chính trong điều hành lãi suất, tăng cường năng lực dự báo kinh tế và sớm đưa ra các giải pháp điều tiết mang tính đón đầu; thực hiện triệt để và kiên trì giải pháp hỗ trợ lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi DN có thể tiếp cận được sự hỗ trợ của Chính phủ.
LẠC PHONG