Câu chuyện về vốn vay cho các DN tưởng chừng đã kết thúc cách đây hàng tháng, khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cho từng bộ, ngành phải tháo gỡ mọi vấn đề vướng mắc liên quan đến vốn để các DN đẩy mạnh xuất khẩu. Nhưng mới đây lại “bùng lên” khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện việc siết cho vay bằng ngoại tệ, thông qua Quyết định 09.
Theo các hiệp hội và DN, Quyết định 09 đã ảnh hưởng đến hầu hết các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, thủ công mỹ nghệ, thủy hải sản…
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ nhiệm HTX Mây tre lá Ba Nhất bức xúc cho rằng, quyết định chỉ nói hạn chế nhưng trên thực tế, các ngân hàng gần như đóng cửa hoàn toàn việc cho vay ngoại tệ đối với DN. Đây là một điều bất hợp lý. DN xuất khẩu thu về ngoại tệ, đáng lý cũng được vay vốn bằng ngoại tệ và cũng được chiết khấu bằng ngoại tệ mới đúng. Mặt khác, vay bằng USD sẽ có lợi hơn cho DN trong thời điểm này vì lãi suất chỉ ở mức bình quân 10%/năm, trong khi lãi suất vay bằng tiền đồng lên tới 18%-20%. Với mức lãi suất bằng tiền đồng cao như thế, DN có tính toán giỏi cỡ nào cũng sẽ bị thua thiệt!
Đại diện một công ty xuất khẩu hạt điều cho biết, mặc dù lãi suất cao nhưng việc vay vốn bằng tiền đồng cũng rất khó khăn. Cứ với đà này, không chóng thì chầy, hàng VN xuất khẩu sẽ không thể cạnh tranh với mặt hàng cùng loại của các nước vì chi phí tăng, giá thành sản phẩm buộc phải tăng. Theo đó, việc hạn chế cho các DN vay bằng ngoại tệ sẽ khiến các DN phải đi lòng vòng, đó là xuất khẩu bằng ngoại tệ rồi lại bán ngoại tệ để lấy tiền đồng trả cho ngân hàng? Cách làm này sẽ khiến các DN phải đội thêm nhiều khoản chi phí không cần thiết, giảm sức cạnh tranh của DN!
Tình hình này đã dẫn đến nghịch lý, các DN xuất khẩu có đơn hàng nhưng không dám ký vì lãi suất cao như hiện nay thì càng xuất khẩu sẽ càng thiệt đơn, thiệt kép. Cụ thể, HTX Ba Nhất, trước đây mỗi tháng xuất khẩu khoảng 100 container hàng thủ công mỹ nghệ thì nay buộc giảm xuống chỉ còn 50 container. Tương tự, nhiều ngành hàng khác đang phải giảm các hợp đồng để tính toán lại chi phí cũng như kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Với các DN sản xuất và kinh doanh trong nước, việc vay vốn ngân hàng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Một số DN cho biết, nguồn vốn dù đã bớt căng thẳng song lãi suất bình quân vẫn ngất ngưởng ở mức 20%-22%/năm. Lượng vốn giải ngân cho các DN vẫn ở dạng nhỏ giọt.
Theo khuyến cáo của ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, điểm yếu của các DNVN, đặc biệt là DN xuất khẩu hiện nay là năng lực xuất khẩu chưa bền vững vì nguồn vốn hỗ trợ cho họ còn rất hạn chế, nay cộng thêm việc ngân hàng không cho các DN vay vốn bằng ngoại tệ thì nhiều DN có thể lâm vào tình trạng phá sản.
Thực tế, thời gian qua, nhiều DN đã lao đao, khốn đốn vì việc thắt chặt vốn của ngân hàng. Tác động của các biện pháp này sẽ biểu hiện rõ nhất vào khoảng cuối năm 2008 và đầu năm 2009. Ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nhà nước cần hướng dẫn quy định mới một cách chi tiết để sớm gỡ khó cho DN, bằng không những văn bản này sẽ đi ngược với mong muốn của Chính phủ là đẩy mạnh xuất khẩu để chống lạm phát.
Hải Hà