Vài ngày trước khi Facebook chính thức lên sàn (ngày 18-5), Eduardo Saverin (30 tuổi) – một trong 4 nhà đồng sáng lập trang mạng xã hội lớn nhất thế giới đã từ bỏ quốc tịch Mỹ. Đây được xem là biện pháp an toàn mà nhiều đại gia Mỹ dùng để hợp pháp hóa hành vi trốn thuế. Facebook được kỳ vọng sẽ “soán ngôi” Google, trở thành công ty có giá trị cao nhất ở Mỹ ở thời điểm phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) ở mức 85-95 tỷ USD.
Người giàu trốn thuế
Theo hãng tin Bloomberg, một tuần trước khi Facebook chính thức lên sàn, Eduardo Saverin đã từ bỏ quốc tịch Mỹ. Luật thuế Mỹ yêu cầu công dân của mình phải nộp thuế thu nhập dù họ đang sinh sống ở bất cứ đâu. Thông tin này được dư luận và Cục Doanh thu nội địa Mỹ đặc biệt quan tâm vì được cho là cách Saverin dùng để tránh phải trả khoản thuế cho Chính phủ Mỹ từ sự kiện IPO của Facebook trong khi anh hiện đang sống và làm việc ở Singapore, quốc gia anh muốn nhập tịch sau khi thôi quốc tịch Mỹ. Singapore không áp thuế thu nhập từ kinh doanh chứng khoán. Saverin người gốc Brazil, trở thành công dân Mỹ từ năm 1998.
Phát biểu trước truyền thông, Tom Goodman – người đại diện của Saverin cho rằng quyết định của anh là chính đáng, không phải vì lý do liên quan đến thuế. Saverin đã có kế hoạch sống lâu dài ở Singapore. Ông Tom Goodman cũng xác nhận rằng Saverin có những đóng góp tài chính ban đầu cho việc hình thành Facebook nhưng anh không tham gia sâu vào hoạt động của Facebook như những người đồng sáng lập còn lại. Năm 2009, Saverin sở hữu 5% cổ phần chính của công ty nhưng sau đó anh đã bán một số cổ phần của mình nên hiện chỉ nắm giữ 4% cổ phần. Tuy nhiên, nếu so trên số tiền thu được từ vụ IPO khủng này thì dường như đúng như các chuyên gia kinh tế nhận định, quyết định của Saverin hợp lý về mặt chiến lược đầu tư.
Đợt này, Facebook sẽ bán ra 337,4 triệu cổ phiếu. Trong đó gồm 180 triệu cổ phiếu phổ thông hạng A dành cho công chúng và hơn 157 triệu cổ phiếu phổ thông hạng A dành cho các cổ đông. Mức giá dao động 28-35 USD/cổ phiếu. Ước tính, đợt phát hành sẽ mang về cho Facebook 85-95 tỷ USD. Và như vậy, số tiền Saverin thu được 3,84 tỷ USD. Tuy nhiên, dù có đổi sang quốc tịch khác, Saverin cũng không thể thoát hoàn toàn việc nộp thuế vì theo luật Mỹ, người Mỹ từ bỏ quốc tịch vẫn sẽ phải nộp một khoản thuế dựa trên thặng dư vốn số cổ phiếu họ đang nắm giữ, dù đã bán hay chưa. Sự kiện IPO của Facebook đã một trong những vụ lên sàn gây xôn xao. Thật ra, trong báo cáo tháng 2 của tổ chức Citizens for Tax Justice, Facebook đã rất khôn khéo khi cấu trúc đợt IPO của mình vào tháng 5 này để né được cả thuế bang và liên bang dựa trên lợi nhuận năm 2011. Facebook cho biết trong hồ sơ pháp lý gần đây nhiều nhân viên sẽ phải trả 45% thuế, trung bình 1,1 triệu USD tiền thuế khi phát hành cổ phiếu.
Thiệt hại ngân sách quốc gia
Theo Bloomberg, kể từ khi ngân hàng có tiếng UBS của Thụy Sĩ năm 2008 bị phanh phui chuyện giúp khách hàng nước ngoài (phần lớn là người Mỹ) trốn thuế đến nay, số người Mỹ giàu có từ bỏ địa vị là công dân Mỹ đã lên gấp 7 lần. Nếu năm 2007 chỉ có 235 người xin từ bỏ quốc tịch thì năm 2011 có đến 1.780 người Mỹ sống ở nước ngoài đến các đại sứ quán của Mỹ xin làm thủ tục trên. Theo điều tra của Thượng viện Mỹ, nước này mỗi năm mất khoảng 100 tỷ USD vì những hành vi trốn thuế ở nước ngoài.
Sở dĩ có hiện tượng trên vì một mặt, người nước ngoài ở Mỹ muốn né càng nhiều càng tốt tiền thuế trong khi các ngân hàng ở Thụy Sĩ, một trong những quốc gia được mệnh danh là “thiên đường trốn thuế của người nước ngoài” bắt đầu ngán những rủi ro phải gánh nếu chính phủ của khách hàng nước ngoài có hành vi trốn thuế bị phát hiện. Cụ thể năm 2009, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS phải nộp phạt 780 triệu USD và giao nộp dữ liệu 4.700 tài khoản cho Thuế vụ Mỹ (IRS). Sau vụ này, khoảng 33.000 người Mỹ tự nguyện kê khai tài sản với IRS trong thời gian 3 năm tính đến hết năm 2011, giúp đưa về hàng tỷ USD tiền thuế từ nước ngoài về cho nước Mỹ. Trong số công dân Mỹ ở nước ngoài từ bỏ quốc tịch thì số người sống ở Thụy Sĩ cao hơn cả vì họ sợ bị chú ý khi UBS ngày càng tỏ ra cẩn trọng với các tài khoản nước ngoài từ Mỹ. Theo hãng tư vấn Boston Consulting Group, giá trị tài sản do các ngân hàng Thụy Sĩ quản lý cho các khách hàng tại Bắc Mỹ trong năm 2010 đã giảm 60% xuống còn 66 tỷ USD.
Công dân Mỹ sống và làm việc ở nước ngoài đang đối mặt với những quy định gắt gao về việc kê khai tài sản, nộp thuế theo đạo luật về thuế đánh vào tài khoản ở nước ngoài (FATCA) có hiệu lực từ năm 2013. Vì thế, trong số 6 triệu người Mỹ đang sống ở nước ngoài, ngày càng nhiều người phân vân việc nên hay không tiếp tục giữ quốc tịch Mỹ nếu họ cảm thấy điều kiện sống và quy định về thuế của nước sở tại mang lại nhiều lợi ích cho mình hơn. Thật ra, dù Mỹ có những quy định nghiêm ngặt trong việc thu thuế nhưng xét ở góc độ khác, Mỹ vẫn là “thiên đường trốn thuế của người nước ngoài”. Theo danh sách thống kê từ Mạng lưới công bằng về thuế, Mỹ đứng thứ 5 sau Thụy Sĩ, Đảo Cayman, Luxembourg và Hồng Công (Trung Quốc). Luật pháp Mỹ cho phép người nước ngoài hưởng thu nhập trong lĩnh vực bất động sản tại Mỹ có thể giữ bí mật về thu nhập, lợi nhuận với cơ quan chức năng và cơ quan thuế tại nước sở tại của mình.
Theo Bloomberg, báo cáo từ các tổ chức kinh tế cho thấy, trung bình mỗi năm, tổng giá trị các tài khoản ngân hàng không phải đóng thuế trên thế giới khoảng 2.700 tỷ USD. Việc “tẩu tán” tài sản thông qua đặt tài khoản ở các ngân hàng nước ngoài nhằm mục đích trốn thuế là hiện tượng xảy ra khá phổ biến. Và gần đây, bỏ quốc tịch để trốn thuế xảy ra khá tràn lan.
Người dân Mỹ hiện rất quan tâm đến dự luật của Tổng thống B.Obama về thay đổi quan trọng liên quan đến việc đánh thuế. Trong phiên bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ ngày 16-4, dự luật trên không được thông qua. Dự luật này còn có tên gọi Luật Buffett, dựa theo tên của tỷ phú Warren Buffet, nhằm xóa bỏ nghịch lý thuế suất thu nhập mà ông phải nộp trong năm 2011 (thấp hơn cả thư ký của mình). Điểm đáng chú ý của dự luật, đảm bảo những người thu nhập từ 1 triệu USD mỗi năm trở lên phải chịu thuế suất tối thiểu là 30%.
| |
Như Quỳnh