Báo xuân là báo “truyền thống” mỗi khi xuân về. Ngoài việc để đọc, báo xuân còn được dùng để trang trí cho phòng khách. Nhà nghèo, người ta mua một tờ, nhà khá giả thì mua hai ba tờ để thành chồng trên bàn nước bên cạnh lọ hoa tươi. Tờ báo xuân còn có công dụng nối liền tình cảm: quà tặng xuân. Tết đến tặng nhau tờ báo kèm với bao trà, gói mứt biểu hiện cho tình cảm, quý trọng bằng hữu chi giao, hoặc cũng là hiếu hỉ, món quà biết ơn người đã giúp mình. Vì là một loại nghệ thuật trang trí, là quà tặng mùa xuân mang hạnh phúc, niềm hên đến cho mọi người nên tờ báo xuân nào cũng có màu sắc tươi đẹp, có hình hoa đào, mai, lan, cúc, trúc bên thiếu nữ hoặc đôi lúc có thêm hình ảnh của con vật cầm tinh năm đó.
Tờ báo xuân khác với khuôn khổ tờ nhật báo hàng ngày. Báo hàng ngày có khuôn khổ giống như Báo Sài Gòn Giải Phóng nhưng tờ báo xuân nhỏ hơn - bây giờ ta gọi là khổ A3 và số trang nhiều hơn. Bài vở cho báo xuân thiên về tính nghệ thuật, ít có bài thời sự nóng bỏng. Trước đó, để chuẩn bị cho báo xuân, tờ báo thường có lời rao mời bạn đọc đóng góp bài vở. Đó cũng là cách có thêm bài cho tờ báo nhưng chủ yếu là ngầm thông báo “bạn đọc chú ý hãy chuẩn bị tiền để mua báo xuân đi nhé” vì từ khi rao mời bạn đọc tham gia cho đến khi báo xuân ra mắt cũng phải cần thời gian khoảng hai tháng.
Báo xuân thường ra trước tết âm lịch từ 20 ngày đến một tháng vì vậy, bài vở báo xuân đã được các nhà văn, nhà báo “cày” trước đó (có nhiều bài viết từ xuân năm trước). Có nhà báo than thở: “Tôi viết báo xuân trên căn gác mái tôn nóng hừng hực, như đang ở trong hỏa diệm sơn mà phải tưởng tượng về những cơn gió mát mẻ của mùa xuân”. Có nhà báo lại tự trào: “Tôi viết báo xuân năm nay từ tết năm ngoái”… Những nhà văn, nhà báo thường viết những loại bài nào cho tờ báo xuân? Mặc dù, phải nhăn nhó vì lo toan cuộc sống hàng ngày nhưng các nhà báo phải nắm vững phương châm cho ngòi bút xuân của mình là vui. Những bài viết đều phải có chữ xuân hay chữ tết, mặc dầu chuyện cũng chẳng có gì là xuân là tết. Một nhà báo đã cảm khái: “Viết những bài báo này thật khổ, người viết chưa cảm thấy một tí ti cái xuân nó ra làm sao, đã phải ngồi rả rích viết về xuân, về tết. Người viết bài đành nặn óc, nhớ lại hình ảnh của mùa xuân đã qua để viết về một mùa xuân chưa đến. Nhiều ông lười biếng lấy đại một bài chẳng có một li xuân nào, rồi thêm đầu một tí xuân, đuôi một tí xuân. Thế là có một bài báo xuân đưa cho tòa soạn”. Nhờ những bài viết báo xuân như vậy những nhà báo nghèo mới có thể tìm thấy “mùa xuân” cho gia đình mình khi đưa cho vợ tiền đi chợ tết, tiền trả nợ cũng như tiền lì xì, quần áo mới cho con.
Có dịp đọc lại một số tờ báo xuân xuất bản tại Sài Gòn, kể từ tờ Phụ Nữ Tân Văn (năm 1929) tôi có một số nhận xét về nội dung chung cho một tờ báo xuân thời ấy (trước 1975), tất nhiên cũng có một số đặc điểm riêng nhưng sự khác biệt cũng không đáng kể.
Vì là một tờ báo để trang trí, làm quà tặng cho dịp tết nên không ai muốn một tờ báo xuân đen đúa, u buồn từ cái bìa cho đến nội dung. Vì thế, các tờ báo xuân đều tươi vui nhẹ nhàng. Thường thì ngay trang báo đầu tiên là lời chúc xuân của Ban biên tập tờ báo, hoặc là lá thư của ông chủ nhiệm, đại loại như: “Chúng tôi đã cố gắng thu góp ít nhiều món ăn tinh thần bổ ích và “ngon lành” để ba ngày tết của các bạn càng thêm hương vị…”. Sau đó là một bài tổng kết các sự kiện năm qua với một lá sớ Táo quân. Bài sớ viết theo giọng văn vần hài hước, châm biếm. Trong phần sớ ngoài chuyện quốc tế, quốc nội, ông Táo cũng báo cáo với bạn đọc thành quả và công việc của tờ báo trong năm qua và hướng đi trong năm tới. Riêng các báo chuyên ngành sẽ tổng kết về tình hình của lĩnh vực như: văn nghệ, thể thao, điện ảnh…
Một loại bài không thể thiếu được là viết về “nhân vật” cầm tinh năm đó. Ví dụ như năm Khỉ thì sẽ có đủ loại thể văn viết về con giáp này: Tại sao có con khỉ; Thần thoại về khỉ; Chuyện Tề Thiên, Khỉ nuôi người; Tại sao khỉ đỏ đít và đủ thứ loại khỉ trong cuộc sống của con người…
Phóng sự ngày tết thường được viết với giọng văn vui, có kèm ảnh mọi người đi sắm tết với những câu thơ chú thích ảnh: “Trên con đường Nguyễn Huệ/giữa thành phố Sài Gòn/Hoa vạn màu hồng tía/Người trăm vẻ phấn son/Dịu dàng ngực nở hình thon/Trông hoa những ngỡ mình còn đương xuân” (viết về chợ hoa tết Nguyễn Huệ) hay “Cụ già ngồi viết liễn/Râu tóc đã bạc phơ/Cả bầu trời Hán học/Xuân về sống trong mơ”.
Đầu năm đi thăm những cây bút nhà là chuyên mục giới thiệu với bạn đọc những cây bút có tên tuổi của tờ báo. Bài được viết dưới dạng ký sự nhưng thực ra tác giả ngồi ngay tại tòa soạn rồi nhìn mặt từng người để rồi… tưởng tượng ra cuộc nói chuyện vì cùng làm trong tòa soạn nên biết quá rõ về nhau còn thăm nom, phỏng vấn gì nữa. Tất nhiên là trong bài viết này người viết sẽ không tiết lộ giới tính thật của một số cây bút nam viết ký tên phụ nữ. Thí dụ như người viết phỏng vấn cô Phương Thảo và cô trả lời ngon ơ (trong khi cô Phương Thảo là bút danh của nhà văn Vũ Hạnh).
Sau đó là những bài biên khảo về tục lệ ngày tết của ta, của nước ngoài. Dân ta có quá nhiều tục lệ, hội hè có cái còn, cái mất. Nhưng ngày tết, người viết, sau khi tham khảo tài liệu, nhà báo cứ lôi tuồn tuột nó ra viết thoải mái cho bạn đọc cùng nhau tường lãm. Tục lệ hấp dẫn nhất vẫn là những tục lệ rất “tục”, kỳ lạ , buồn cười của nước ta và ta bà thế giới. Có cái đúng, cái sai ai mà để ý. Miễn hay, vui, lạ là được. Sau khi đi hết các tục lệ thì một số báo xuân lại có mục lịch sử và tết. Thí dụ những năm Thân trong lịch sử, có biến cố gì xảy ra…
Như đã nói, bạn đọc mua báo xuân làm quà tặng, ai cũng muốn năm mới vui vẻ nên báo xuân luôn có những câu chuyện vui, tranh vui liên quan đến mùa xuân và con vật cầm tinh năm ấy. Truyện ngắn cũng phải có đoạn cuối vui tươi, hạnh phúc. Thơ thì phải nhẹ nhàng, thắm màu xuân như “Xuân về hoa nở vạn màu tươi/Trai gái ai ai cũng nụ cười”…
Sau khi báo in xong, chuẩn bị ra sạp thì trên tờ báo hàng ngày có những lời quảng cáo vô cùng hấp dẫn như: “Xin hãy đón đọc báo… một tờ báo mở đầu một năm mới. Ngoài những bài vở đặc sắc mùa xuân năm… còn có lịch năm 6 tờ tặng bạn đọc…”. Rồi một tờ báo, hai tờ báo và hàng mấy chục tờ báo với hình bìa là những nữ nghệ sĩ nổi tiếng bên hoa xuân khoe sắc thắm trên các sạp báo.
|
LÊ VĂN NGHĨA