Mỗi độ xuân về, nhiều lễ hội dân gian được tổ chức ở các địa phương với những nét văn hóa đặc sắc. Vài năm trở lại đây, ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như Tuyên Quang, Hà Giang... có một lễ hội khá độc đáo thu hút du khách được tổ chức vào dịp tết, đó là hội chọi... dê!
Hội chọi dê ở Hàm Yên, Tuyên Quang.
Là huyện núi đất phía Tây của tỉnh Hà Giang, Hoàng Su Phì có 25 xã, thị trấn với 12 dân tộc anh em. Bà con các dân tộc nơi đây có truyền thống chăn nuôi, trong đó đàn dê luôn có sự phát triển mạnh. Theo thống kê, đàn dê của toàn huyện có gần 25.000 con. Việc phát triển đàn dê đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho rất nhiều gia đình. Để phát huy và thúc đẩy hoạt động chăn nuôi, khơi dậy bản sắc văn hóa và tạo cơ hội quảng bá hình ảnh của địa phương, từ năm 2012, huyện Hoàng Su Phì đã nghiên cứu và xây dựng hội chọi dê khá quy mô, độc đáo.
Theo cụ Tẩn Quáng Phù, một chủ dê chọi ở xã Nậm Ty (huyện Hoàng Su Phì), cùng với việc nuôi dê, từ xa xưa người dân ở đây vẫn thường cho dê chọi nhau, một mặt để giải trí nhưng ẩn chứa sau đó là quan niệm về sự sinh sôi nảy nở và sự trường tồn giống nòi. Mặc dù không có những pha kịch chiến đến đổ máu như chọi bò, chọi trâu nhưng các cuộc so tài giữa các cặp dê lại diễn ra vô cùng độc đáo bởi những miếng đánh như bổ nhào, khóa chân, khóa sừng... khiến cho các pha đấu không kém phần quyết liệt và hấp dẫn. Ông Lù Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì chia sẻ, việc tổ chức chọi dê là một trong những hoạt động hết sức độc đáo và nhiều ý nghĩa, cùng với việc xây dựng môn thể thao truyền thống, góp phần bảo tồn các vốn văn hóa của nhân dân các dân tộc, bảo tồn và phát triển nguồn gen quý đối với các loại vật nuôi. Qua đó thúc đẩy phong trào chăn nuôi trong các hộ gia đình, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương.
Cũng ở tỉnh Hà Giang, nhưng ở phía cao nguyên đá, huyện Đồng Văn tổ chức hội chọi dê từ năm 2014. Năm nay, hội được tổ chức vào ngày 1-3 (tức 11 tháng Giêng âm lịch) ở xã Ma Lé, là hoạt động gắn với lễ Gầu Tào - một phong tục truyền thống ở đây. Các “đấu sĩ” dê phải vượt qua những yêu cầu khá chặt chẽ của ban tổ chức: có tuổi đời từ 3 tuổi trở lên, vóc dáng nhanh nhẹn, khỏe mạnh; dê có nguồn gốc rõ ràng, sống tại địa phương và được cán bộ thú y xã thẩm định kỹ lưỡng. Ông Phạm Hồng Việt, Bí thư Đảng ủy xã Ma Lé cho biết, không giống như chọi trâu ở miền xuôi hay chọi bò, ngựa của các dân tộc khác, ở hội chọi dê, các trận đấu dù có căng thẳng, kéo dài đến mấy nhưng dê đều không hề bị thương. Điều đặc biệt tại lễ hội chọi dê Đồng Văn, dù thắng hay thua các chú dê đều không bị giết thịt mà trở về đàn tiếp tục sinh sống. Cũng chính nhờ đó, người dân sẽ có ý thức chăm sóc bảo vệ vật nuôi trong gia đình, phát hiện và bảo tồn nguồn gene dê quý để nhân rộng.
Ở giáp với tỉnh Hà Giang là huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Với đồng bào các dân tộc miền núi ở huyện Hàm Yên, dê là vật nuôi quen thuộc, gắn bó với họ bao đời nay. Vào những ngày đầu xuân, bà con lại chọn những con dê đực to khỏe tham gia hội chọi dê ở xã Yên Phú, đúng vào dịp tổ chức lễ hội Động Tiên từ mùng 9 tháng Giêng. Anh Phan Văn Tưởng, thôn 7 Thống Nhất, xã Yên Phú cho biết, một chú dê thi đấu tốt phải là con có bộ râu dài, sừng dáng cao, cơ bắp khỏe, đủ độ tuổi và cân nặng. Để chiến thắng, các chú dê không chỉ dựa vào sức khoẻ mà cũng phải có các đòn, miếng được chủ dê huấn luyện trước. Những chú dê khỏe mạnh giành chiến thắng được cho là sẽ mang lại nhiều may mắn cho người chăn nuôi.
HÀM YÊN