Dọc đường Trường Sơn

Xe chúng tôi vừa đến chân đèo Lò Xo thì mặt trời cũng vừa khuất sau dãy núi. Cả một khoảnh cao nguyên ba-dan màu gạch phản chiếu ráng chiều càng sậm đỏ mênh mông. Mấy tảng mây trắng bị gió xé với những đường viền mạ vàng óng ánh treo bên trời lơ lửng... Đêm qua chúng tôi ngủ ở khách sạn Đam San, Buôn Ma Thuột và hôm nay tiếp tục hành trình dọc đường Trường Sơn, nay là đường Hồ Chí Minh, ra hướng Bắc.
Dọc đường Trường Sơn

Xe chúng tôi vừa đến chân đèo Lò Xo thì mặt trời cũng vừa khuất sau dãy núi. Cả một khoảnh cao nguyên ba-dan màu gạch phản chiếu ráng chiều càng sậm đỏ mênh mông. Mấy tảng mây trắng bị gió xé với những đường viền mạ vàng óng ánh treo bên trời lơ lửng... Đêm qua chúng tôi ngủ ở khách sạn Đam San, Buôn Ma Thuột và hôm nay tiếp tục hành trình dọc đường Trường Sơn, nay là đường Hồ Chí Minh, ra hướng Bắc.

Đèo Lò Xo nổi tiếng chẳng những trong chiến tranh vì mức độ đạn bom ác liệt mà cả trong hòa bình vì những tai nạn kinh hoàng, ngay cả khi nó đã là con đường trải nhựa rộng thênh thang. Đèo giáp ranh giữa hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, có tài liệu nói rằng tên đèo bắt nguồn từ những vòng đèo khoanh tròn cùng một điểm như cái lò xo.

Chẳng biết có phải vậy không, tiếc rằng khi chúng tôi “leo đèo” thì trời đã tối. Chỉ còn lại trong ký ức tôi những chiếc xe kéo pháo vặn mình đi trong bão lửa hoặc hình ảnh chiếc xe khách lăn nhào xuống vực sâu... Nhưng mọi người trên xe đều tỉnh bơ vì cả đám đã trải qua những ngày cận kề bom rơi đạn nổ, nhưng vẫn làm thơ, vẽ tranh, chụp hình và quay phim nữa. Tỉnh bơ cả khi xe dừng giữa đèo trong đêm đen để sửa vì bố thắng cháy khét do tài xế cứ phải luôn đạp thắng lúc đổ đèo... Tôi nhớ về Trường Sơn Đông nắng Tây mưa/Ai chưa tới đó thì chưa hiểu mình...

Đêm, chúng tôi nghỉ ở nhà khách Huyện ủy Khâm Đức, nếm trải một chút khó khăn điện đóm còn chập chờn ở miền núi Quảng Nam... Mấy ngày qua, chúng tôi đắm mình ngắm cảnh Trường Sơn, dừng nghỉ và chụp ảnh, quay phim ở tấm bia ghi nơi gặp nhau giữa hai mũi “xoi” đường Trường Sơn theo hai hướng Bắc – Nam (Đắc Nông), ở điểm đầu của đường Hồ Chí Minh (phía Nam), ở nơi có bảng chỉ đường Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây...

Có khi chúng tôi phải xuống xe, đi bộ một đoạn khá dài, qua khúc đường đất đá sạt lở, xe ủi xe xúc đang dọn đá gạt đất. Nhưng trên hết là cảnh quan non sông đất nước hào hùng đẹp đẽ, xúc động trái tim con dân nước Việt. Tôi đã ngắm núi rừng Tây Bắc, với những dãy núi đá tai mèo, vực sâu hun hút, những ruộng bậc thang đẹp như tranh; ngắm núi rừng Đông Bắc với thác Bản Giốc, hồ Ba Bể; hít thở gió tươi trên đỉnh Yên Tử; nay được ngắm núi rừng Trường Sơn, Tây Nguyên ba-dan đất đỏ... thì sự xúc động nhân gấp mấy lần! Con tim như treo lơ lửng trên đám mây viền vàng óng ánh lúc hoàng hôn...

Thắp hương tưởng nhớ đồng đội.

Thắp hương tưởng nhớ đồng đội.

Chẳng biết có phải vì cảnh quá đẹp hay vì lý do gì mà bác tài của cái “tua” du lịch chúng tôi mua, đưa chúng tôi đi “ngắm cảnh” lạc bước về hướng Tây gần trăm cây số, còn anh hướng dẫn viên trẻ cũng thôi các màn “hoạt náo” để yên lặng nghe chúng tôi “thuyết minh” về những ngày “xẻ dọc Trường Sơn”... Chúng tôi đi bộ qua cầu treo Đắc K’rông ở thượng nguồn sông Thạch Hãn, nhìn dòng nước xuôi về Cửa Việt trong cơn gió mát ban chiều. Đêm đó, chúng tôi nghỉ ở khách sạn Sê-pôn và sáng sau, đành bỏ chương trình thăm cửa khẩu Lao Bảo để dành thời giờ thăm Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn...

Xe chúng tôi đậu cạnh quốc lộ 15, bên cổng nghĩa trang, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh; nơi đây cách thành phố Đông Hà, tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị khoảng 38km và cách quốc lộ 1A thị trấn huyện lỵ Gio Linh chừng hơn 20km về phía Tây Bắc. Nghĩa trang có diện tích 140.000m², nằm trên 3 quả đồi ở cạnh thượng nguồn sông Bến Hải quy tập phần mộ các liệt sĩ trên tuyến đường Trường Sơn, còn gọi là đường mòn Hồ Chí Minh.

Mọi người sửa lại quần áo chỉnh tề, xếp hàng đi sau một vòng hoa to, đặt sẵn vào đền thắp hương viếng các liệt sĩ. Các bạn ở Xưởng phim Nguyễn Đình Chiểu và Hội Điện ảnh TPHCM làm việc không ngừng tay, vã mồ hôi vì cái nóng miền Trung nhưng ai nấy đều hả hê vì ghi được những thước phim quý giá. Rồi chúng tôi tỏa ra cắm hương trên những ngôi mộ chung quanh. Bỗng có ai đó gọi giật lên, lôi mấy người đến chỉ cho xem một tấm mộ bia ghi tên tuổi một bạn văn nghệ sĩ quen biết với mình đã nằm lại trên đường “xẻ dọc Trường Sơn”...

Trong bóng mát cây rừng còn sót lại, anh chị em chúng tôi quây quần dưới chân cụm tượng đài chính, ngồi tưởng nhớ bạn mình. Tôi đọc cho mọi người nghe bài thơ của nhà thơ Nguyễn Thái Sơn, đã từng là một người lính Trường Sơn và cũng là bạn của chúng tôi:

Chiều nay đến viếng bao đồng đội
Hương trầm một thẻ biết làm sao
Thắp lên cắm ở nơi đầu gió
Hương khói đừng quên nắm mộ nào.

TRẦN THANH GIAO

Tin cùng chuyên mục