Tại mỗi chung cư có một nhà cung cấp dịch vụ Internet được ưu tiên cung cấp dịch vụ cho toàn bộ hộ dân ở đó.
Việc độc quyền cung cấp dịch vụ Internet khiến cư dân không có sự lựa chọn nào khác ngoài đơn vị cung cấp độc quyền, ngay cả khi không hài lòng với dịch vụ đó vì tốc độ chậm, không tương xứng với giá cước, hoặc dịch vụ chăm sóc khách hàng không tốt.
Quyền được lựa chọn hàng hóa, dịch vụ là quyền cơ bản của người tiêu dùng, được quy định tại khoản 3, Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Điều 16 Luật Viễn thông 2009 cũng quy định người dân có quyền lựa chọn doanh nghiệp (DN) viễn thông, hoặc đại lý viễn thông, để giao kết hợp đồng sử dụng dịch vụ viễn thông. Điều 42 Nghị định 25/2011/NĐ-CP (hướng dẫn Luật Viễn thông) quy định rõ chủ đầu tư xây dựng tòa chung cư có trách nhiệm bố trí mặt bằng để DN viễn thông lắp đặt cột ăng ten trên nóc tòa nhà, lắp đặt thiết bị thu, phát sóng trong tòa nhà và phải bảo đảm nguyên tắc người sử dụng dịch vụ được tự do lựa chọn DN viễn thông.
Do vậy, việc không đảm bảo nguyên tắc người sử dụng dịch vụ được tự do lựa chọn DN viễn thông trong các tòa nhà là vi phạm pháp luật. Theo Điều 37 Nghị định 174/2013 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến), hành vi này sẽ bị xử phạt 30 - 50 triệu đồng. Mức phạt này cũng được quy định tại Điều 40 Nghị định 15/2020 thay thế Nghị định 174/2013, có hiệu lực kể từ ngày 15-4-2020.
Cũng có thể việc độc quyền cung cấp dịch vụ Internet là do sự thỏa thuận hạn chế cạnh tranh (như thỏa thuận phân chia khách hàng, phân chia thị trường…) giữa các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Theo Điều 6 Nghị định 75/2019 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh), hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông có thể bị phạt tiền 1% - 10% tổng doanh thu trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm.
Khi phát hiện chủ đầu tư hoặc nhà cung cấp có những hành vi vi phạm như vậy, cư dân có thể gửi đơn khiếu nại đến UBND quận huyện hoặc Cục Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để bảo vệ quyền lợi của mình.