Đọc sách ở Singapore

HỒNG HẠNH
Đọc sách ở Singapore

Những lần đi qua Singapore công tác, tôi hay bắt gặp những học sinh cấp 2,3 hay sinh viên đọc sách rất say mê trên đường đến trường hoặc từ trường trở về.  Cho đến hôm nay, chúng tôi đã sống ở Singapore được một năm. Khi con tôi theo học ở đây, tôi lại có nhiều cơ hội để hiểu thêm tại sao thế hệ trẻ ở đây đọc sách nhiều hơn chúng ta ở Việt Nam.

Ở Singapore, Ban Thư viện quốc gia (National Library Board) chính thức thành lập năm 1995 thuộc Bộ Truyền thông và Thông tin Singapore. Ban này được giao nhiệm vụ quản lý tất cả các thư viện cộng đồng và dần dần sẽ tạo ra những thư viện không biên giới, giúp cho việc tiếp cận đến nguồn sách dễ dàng và gần gũi hơn với tất cả người dân Singapore, giúp họ kết nối được tốt hơn với thế giới bên ngoài. Đất nước Singapore nhỏ bé mà có tới 27 thư viện cộng đồng, có mặt ở tất cả các khu vực và thường nằm gần các trạm tàu (MRT) lớn để người dân có thể dễ dàng tiếp cận. Các đầu sách đa dạng và cập nhật, hệ thống thư viện hoàn toàn tự động, bao gồm cả việc mượn và trả sách. Vì được lập ra để khuyến khích thói quen đọc sách góp phần nâng cao kiến thức cho người dân nên phí làm thẻ thành viên thư viện gần như không đáng kể. Con tôi là học sinh tiểu học và chỉ trả 11 đô la Singapore/năm (khoảng 180.000 VNĐ). Định kỳ vào nhiều thời điểm trong năm, Thư viện cộng đồng sẽ có những đợt di chuyển mang sách đến tận trường để cho học sinh mượn.

Ở ngôi trường nơi con tôi học, có rất nhiều hoạt động khác nhau liên quan đến đọc sách. Mỗi sáng trước giờ vào lớp, nhà trường sẽ dành 15 phút để trẻ em đọc sách. Trẻ em được khuyến khích mang theo đến trường những cuốn sách của riêng mình và đọc. Trong 15 phút ấy, trẻ em có thể tự đọc, hoặc vừa đọc, vừa trao đổi với bạn của mình, đôi khi là trao đổi sách cho nhau, cô giáo cũng hỗ trợ các em nếu cần thiết.

Giờ đọc sách cùng phụ huynh tại trường tiểu học

Là một phụ huynh, tôi có tham gia chương trình nâng cao đọc sách tại trường. Phụ huynh chúng tôi sẽ giúp các em nhỏ đọc mỗi ngày tại từng lớp học theo từng giờ khác nhau. Thời lượng của mỗi buổi là 30 phút một ngày. Những cuốn sách được lựa chọn cho từng khối. Ở mỗi khối, sách lại được chia theo cấp độ từ A đến E. Các em sẽ bắt đầu từ cấp độ dễ nhất đến khó nhất. Một lớp 25-30 học sinh sẽ có trung bình 3-5 phụ huynh hỗ trợ các em đọc, giúp các em phát âm và hiểu nghĩa của từ vựng, đôi khi là đặt các câu hỏi để kích thích suy nghĩ của các em. Khi các em đọc xong 15 cuốn của cùng một cấp độ thì chúng tôi sẽ kiểm tra các em để chắc chắn rằng các em nhớ được trên 80% số từ vựng của cấp độ đó và trả lời được các câu hỏi đọc hiểu của một cuốn sách bất kỳ cùng cấp độ. Việc kiểm tra sẽ đánh giá để quyết định các em cần đọc thêm sách cho cấp độ đó hay được chuyển lên cấp độ cao hơn. Khi hoàn thành mỗi một cấp độ các em đều nhận được các phần thưởng nho nhỏ, sự khen ngợi và khuyến khích. Nhà trường và phụ huynh cũng phối hợp tổ chức các chuyến dã ngoại đọc sách (Reading picnic) lồng ghép những hoạt động giải trí, các trò chơi cùng với hoạt động đọc sách và kể chuyện tập thể hay theo nhóm.

Nghĩ lại khoảng thời gian ở Việt Nam, việc đọc sách chỉ được khuyến khích chủ yếu từ gia đình. đôi khi vì điều kiện thời gian, môi trường đã không hình thành, nuôi dưỡng thói quen đọc sách ở trẻ nhỏ được liên tục. Gần một năm trôi qua, nhờ vào động lực khuyến khích từ xã hội, nhà trường và gia đình, con tôi đã tạo được cho mình một thói quen và thời gian biểu mượn sách và đọc sách tại nhà, tại trường và tại thư viện mỗi ngày, mỗi tuần. Chúng ta còn khó khăn với hệ thống thư viện chưa phát triển nhưng tôi nghĩ việc kết hợp giữa nhà trường và phụ huynh để tổ chức các hoạt động hay chương trình đọc sách như trên là hoàn toàn có thể. Cuộc sống ở hai đất nước đều bận rộn nhưng mỗi ngày đọc sách 20-30 phút trước khi vào giờ học hay vào một lúc nào đó…là điều khả dĩ, nhất là ở các thành phố lớn.


HỒNG HẠNH

Tin cùng chuyên mục