Đọc tập thơ “Thương nhiều hôm qua”

“Thương nhiều hôm qua” được “trình làng” bởi Báo Cựu chiến binh TPHCM cùng Nhà Xuất bản Lao động liên kết in ấn. Cái tên tập thơ gợi được tình cảm của bạn đọc, vừa rưng rưng vừa xao xuyến, vừa gợi nhớ vừa gợi thương. Tập thơ in đẹp, trình bày khá hay, bìa cứng, số lượng in đến 2.000 cuốn - một số lượng đáng nể trong sự in ấn và phát hành thơ hiện nay.

“Thương nhiều hôm qua” được “trình làng” bởi Báo Cựu chiến binh TPHCM cùng Nhà Xuất bản Lao động liên kết in ấn. Cái tên tập thơ gợi được tình cảm của bạn đọc, vừa rưng rưng vừa xao xuyến, vừa gợi nhớ vừa gợi thương. Tập thơ in đẹp, trình bày khá hay, bìa cứng, số lượng in đến 2.000 cuốn - một số lượng đáng nể trong sự in ấn và phát hành thơ hiện nay.

Đóng góp bài cho tập thơ là 39 tác giả, mỗi người được chọn 3 bài, có ảnh kèm theo, vậy là 117 bài thơ đủ thể loại với nhiều “sự kiện” của ngày hôm qua, tạo nên nội dung phong phú, đa dạng của tập thơ được gọi là “tuyển chọn” này.

Từ Hà Nội, tôi nhận được hai cuốn thơ gửi ra. Cầm hai cuốn sách trên tay, nghe nằng nặng, cảm thấy mừng. Mừng không phải là “sự cân sức khỏe” mà cảm nhận là tập thơ có sự đóng góp nhiều bài, cái bìa trang nhã, khổ thơ xinh xắn và “chơi” bìa cứng.

Trong nghề thơ, có một cái định nghĩa rất nên quan tâm: “Thơ là sự gợi cảm, cái hay của thơ là sự ám ảnh và câu chữ giản đơn, chắt lọc”. Những bài trong tập thơ này chưa đạt được cái hay của định nghĩa trên, nhưng đã đem đến cho bạn đọc những kỷ niệm không thể nào quên của những ngày máu lửa hôm qua, và sự suy ngẫm rất chân thành về sự hy sinh của đồng đội, về cuộc sống hôm nay.

Cây bút Hồng Sa, tức Hồ Văn Sanh, vị thiếu tướng ở thành phố Cần Thơ, rất “hiền lành” trong suy ngẫm về cuộc đời chinh chiến hôm qua và cuộc sống thanh bình hôm nay. Thơ ông là nỗi lòng, là nét rất thật:

Tôi còn sống không chỉ là… còn thở/ Đã được nhiều tuổi thọ - cổ lai hy”/... Tôi rất “ngán” co ro ngồi một chỗ/ Cơm nước đều được đưa đến tận tay. Và: Mong sáng sớm làm mấy vòng... cuốc bộ/ Gặp bạn bè hội họp, lai rai/ Tôi sống vậy và rất mong được vậy/ Mong được khỏe, vui, có ích cho đời/ Cho đến lúc phải... vào lòng đất mẹ/ Có gì đâu, chỉ một giấc ngủ dài!

Nỗi niềm và gửi gắm, bâng khuâng đến xa xót là mấy câu thơ trong bài thơ “Nửa khuya” của Trần Thế Tuyển, đại tá, hiện đang gánh cái gánh không nhẹ chút nào: Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng. Có phần hơi... ngỡ ngàng khi tôi “chạm” vào khổ thơ đầu của bài thơ “Nửa khuya” - bài thơ lục bát: Tôi và trang giấy nửa khuya / Gần nhau gang tấc mà chia cách trời/ Giấy như dấu ấn cuộc đời/ Bút như ngựa chiến hý nơi sa trường.

Đã có bao nhiêu nhà văn, nhà thơ viết về “cây bút” trong tay mình, đến Trần Thế Tuyển mới có một cách nói riêng, một vẻ khám phá, một câu thơ hay: Bút như ngựa chiến hý nơi sa trường?

Thanh Giang, Lam Giang, Tạ Hữu Yên, 3 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, mỗi người góp 3 bài cho tập thơ. Tòa soạn Báo Cựu chiến binh TP mấy cây bút quen tên đều “có mặt”: Trịnh Duy Sơn, Hồ Sơn Phấn, Lưu Ngọc Vang, Vũ Ngọc Quyến và cả một cộng tác viên tin cậy nhiệt tình của báo: Trương Nguyên Tuệ.

Đáng mừng là nhiều cây bút nghiệp dư đủ các cấp bậc, ngành nghề, tuổi tác đều có bài trong tập thơ này. Nếu được thưa với các tác giả một điều thì tôi xin thưa câu này:

“Thơ là cảm, chứ không phải là nói. Một số bài trong tập thơ thiên về nói nhiều, chứ không phải cảm. “Nói”, xin nhường cho văn xuôi. Gợi cảm, cảm xúc, cảm nhận, gắng tìm cái tứ thơ, sao cho rưng rưng, sao cho thổn thức, sao cho day dứt để rồi hạ bút tìm câu chữ và định thể loại, gửi dăm ba dòng cho bạn đọc. Thơ không có tuổi và không chết. Thơ hay thì còn mãi với đời. Thơ vào nhạc thì cả hai cùng cất cánh bay cao, bay xa” .

TẠ HỮU YÊN

Tin cùng chuyên mục