Sổ tay

Đọc và sự học

Tình cờ gặp doanh nhân – thầy giáo Giản Tư Trung (người sáng lập Trường Đào tạo doanh nhân PACE) ở hội sách đang diễn ra tại TPHCM. Ông đặt một câu hỏi thú vị: “Từ 60 năm trước, chúng ta đã nêu vấn đề sánh vai với các cường quốc năm châu. Vậy thế nào được gọi là sánh vai?”.

Cho dễ hiểu, ông Trung tạm chia trình độ của con người thành 5 cấp. Cấp thứ nhất, là bậc phổ thông. Ở cấp này, nếu trình độ ngang bằng thì gọi là… “sánh gót”. Cấp thứ hai, đại học, nếu ngang bằng thì gọi là “sánh gối”. Cấp thứ ba, so với đồng nghiệp trong nước, nếu ngang bằng gọi là “sánh bụng”. Cấp thứ tư, so với đồng nghiệp ngoài nước mà ngang bằng, gọi là “sánh ngực”. Và cấp thứ năm, nếu so với đồng nghiệp ở các cường quốc mà ngang bằng thì mới gọi là sánh vai.

Điều gì làm nên sự “sánh vai” theo nghĩa ấy? Chỉ có một con đường là có tri thức tiên tiến và biết sử dụng hiệu quả tri thức ấy. Nhận thức hướng dẫn hành vi. Hiểu được sự cần thiết của sự học thì mới có động lực để học. Đồng thời, phải trung thực thì mới học đến nơi đến chốn được. Học vấn không có đường tắt, không thể đi tắt đón đầu dễ dãi và tùy tiện.

Điều cản ngại cho việc học hướng đến sự thịnh vượng bền vững của người Việt Nam phải chăng cũng đến từ tính tự tôn thái quá? Rất nhiều kênh thông tin đã nói đến truyền thống hiếu học từ ngàn xưa. Đó là điều không thể phủ nhận. Nhưng nếu chỉ học khép kín, học mà không so sánh với xung quanh thì chỉ tiến bộ so với chính mình. Trong khi đó, sự tiến bộ của thế giới trong cùng thời gian đã đi rất xa. Trên thực tế, hiếm khi nào chúng ta đặt ra sự so sánh đồng thời giữa dân trí Việt Nam và dân trí thế giới.

Ông Giản Tư Trung cũng có nhận xét khác: “Xưa nay, người Việt hay tự hào là mình tuy nghèo nhưng vẫn học giỏi. Sao chúng ta không đặt ngược lại vấn đề: tại sao mình học giỏi mà vẫn nghèo”. Phải chăng cái học ấy là chưa đạt đến trình độ giỏi, theo nghĩa đầy đủ của từ này?

Chỉ khi nào từng cá nhân, gia đình, doanh nghiệp, cả xã hội, cả quốc gia ý thức rõ ràng và liên tục về sự học trọn vẹn, khi đó mới có nền tảng vững vàng cho phát triển. Chỉ những con số tăng trưởng trên bề mặt không cho thấy chiều sâu. Với tất cả mọi người khao khát một tương lai giàu có về tinh thần và vật chất, đọc để học vừa là một con đường, vừa là sự kích thích. Cần tìm kiếm mọi cơ hội học hỏi, với tinh thần rộng mở và chia sẻ. Trong đó, đọc là một cách giản dị, trên hành trình để đến được trình độ “sánh vai”.

Hội sách là một sự kiện để tôn vinh văn hóa đọc. Dĩ nhiên, đọc thì không chỉ là đọc sách. Không học thì không tiến bộ, không phát triển; học cũng không có nghĩa là chỉ có một cách là đến trường và đọc sách. Một xã hội muốn phát triển bền vững cần thêm những hành động định vị cụ thể, rành mạch hơn nữa về sự học. Gần đây, nhiều ý kiến cho rằng cần có một “Ngày hội đọc sách”. Đây là mốc thời gian để đánh dấu và làm lan tỏa tinh thần hiếu học, học để thoát nghèo, học để phồn vinh.

Dịp phù hợp để chia sẻ, tổ chức “Ngày hội đọc sách” phải chăng là ngày 5-9 hàng năm? Đây là ngày khai trường, là ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Học thì không chỉ là giới trẻ, mà phải là mọi người. Nhưng giới trẻ là hội tụ cho hình ảnh và kỳ vọng về ngày mai. Định vị tinh thần “đọc và học hỏi liên tục” trong giới trẻ, trong mọi tầng lớp phải sớm trở thành biểu tượng về tri thức tiến bộ cho tương lai phồn thịnh, vững chãi.

Vũ Thượng

Tin cùng chuyên mục