“Đói”… bác sĩ

Thiếu trầm trọng
“Đói”… bác sĩ

Chống quá tải bệnh viện đang là vấn đề cấp thiết. Nhưng có vẻ như ngành y tế đang chú trọng nhiều đến việc xây dựng, mở rộng cơ sở vật chất, tăng giường bệnh mà lơ là nguồn nhân lực. Chẳng hạn với TPHCM, kế hoạch xây dựng 4 bệnh viện cửa ngõ hoàn thành vào năm 2015 để có thêm 5.500 giường bệnh, nhưng liệu xây bệnh viện xong có đủ bác sĩ (BS), điều dưỡng vào làm. Với tiêu chuẩn 1 BS/4 giường bệnh thì với 5.500 giường, cần tới ít nhất 1.200 BS để đáp ứng yêu cầu. Trong khi, ngay cả hiện tại các bệnh viện tuyến dưới lẫn tuyến trên đang “đói”  BS, và năng lực đào tạo khó đáp ứng.

Phẫu thuật bệnh nhân ở Bệnh viện An Bình TPHCM. Ảnh: Tường Lâm

Phẫu thuật bệnh nhân ở Bệnh viện An Bình TPHCM. Ảnh: Tường Lâm

Thiếu trầm trọng

Khoa Nội - Nhi của Bệnh viện quận 2 TPHCM được bố trí 45 giường bệnh từ mấy năm nay nhưng không hoạt động hết công suất, giường bệnh trống nhiều. Ghi nhận cho thấy, bình quân mỗi ngày cũng chỉ vài ba bệnh nhi lưu lại điều trị nội trú. Lý giải về vấn đề này, BS Phạm Văn Thà, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết khoa Nhi chỉ có 2 BS nhưng đều đang đi học nên rất khó trực khám, điều trị nhi khoa. Mà không những khoa Nội - Nhi, một số khoa khác như Sản, Ngoại đều thiếu BS.

“Trước mắt bệnh viện cần thêm ít nhất 10 BS”. Tình trạng thiếu BS cũng đang trở nên trầm trọng với Bệnh viện quận 9 khi nhiều khoa, phòng ở đây không thể khá hơn bởi không có người làm. Chính vì vậy Bệnh viện quận 9 có  100 giường nhưng thực kê mới 80 giường và công suất cũng chỉ khoảng 70%. “Kẹt nhất là nhân lực. Không có BS thì lấy đâu ra bệnh nhân, nên bệnh viện vẫn chỉ là hạng 3” - BS Trần Minh Tâm, Giám đốc bệnh viện, than thở… Ngoài lý do không đủ trang thiết bị để triển khai các kỹ thuật thì không có BS là điều khiến nhiều bệnh viện quận huyện trăn trở.

Theo Sở Y tế TPHCM, một trong những nguyên nhân yếu kém của bệnh viện quận, huyện là thiếu nguồn nhân lực, cơ sở vật chất trang thiết bị lạc hậu. Đặc biệt không có BS giỏi dẫn đến không tạo được lòng tin của người bệnh nên bệnh viện tuyến cơ sở đã đìu hiu càng đìu hiu. Thậm chí, ngay các bệnh viện tuyến thành phố cũng không khỏi đau đầu vì đang “chảy máu” BS. Sự hấp dẫn của các bệnh viện tư nhân đang khiến các BS bệnh viện công lập như ở Bệnh viện Nhân dân 115, Nguyễn Tri Phương… không cưỡng lại được.

Bằng chứng là từ 3 năm qua, các Bệnh viện Pháp - Việt (FV), Tâm Đức, Hoàn Mỹ đã tiếp nhận một lượng không nhỏ các BS ở bệnh viện công sang. Đó là chưa kể, nhiều y BS mới ra trường cũng mong muốn được vào bệnh viện tư làm để có chế độ đãi ngộ khá, bù đắp cho sự tốn kém sau 6 năm ngồi trên giảng đường.

Tình trạng thiếu BS ở các trạm y tế xã, phường và điều dưỡng bệnh viện cũng là khó khăn từ nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có chính sách cải thiện. Với 322 trạm y tế phường, xã nhưng tổng kết đến hết năm 2011, TPHCM chỉ có 244 trạm y tế có BS (đạt tỷ lệ 76%). Còn số bệnh viện có tỷ lệ điều dưỡng/BS theo chuẩn quy định của Bộ Y tế là đạt 60-80% thì TPHCM cũng chỉ đạt 32%. Theo tiêu chuẩn, tỷ lệ 3 - 3,5 điều dưỡng/BS thì trong số 31 bệnh viện của TPHCM chỉ có 10 bệnh viện đạt được.

Số lượng hay chất lượng?

Với quy mô đào tạo lên tới hơn 6.000 sinh viên, mỗi năm Trường Đại học Y Dược TPHCM cũng chỉ có thể làm lễ tốt nghiệp cho khoảng 600 - 700 sinh viên ra trường. Tuy nhiên, không phải tất cả trong số đó đều ở lại TPHCM làm việc. Hơn nữa, một lượng không nhỏ y BS về hưu cũng cần phải bù đắp vào.  Còn Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng đang đào tạo hết sức hạn chế.

Theo BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM kiêm Hiệu trưởng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, năm 2011 mới có khoảng 420 sinh viên của tất cả các loại hình đào tạo (chính quy, chuyên tu) ra trường và một phần trong đó là của các tỉnh gửi về. “Nhà trường đã tăng chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo lên 600 sinh viên/năm từ năm 2012 và như vậy đến năm 2018 số này mới ra trường”, BS Bỉnh cho biết.

Theo tính toán của BS Bỉnh, nếu 3 năm nữa TPHCM có thêm 4 bệnh viện cửa ngõ và nâng cấp, mở rộng thêm vài bệnh viện nữa thì số y BS, điều dưỡng cần tới cũng không dưới 4.000 - 5.000 người. Vậy chi mỗi năm TPHCM cần khoảng 2.000 - 2.500 y BS, điều dưỡng “ra lò” để thu hút. Trong khi, năng lực đào tạo của Đại học Y Dược TPHCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cùng một số trường cao đẳng, đại học khác chưa thể đáp ứng đủ.

Theo thống kê của Bộ Y tế, số BS phục vụ 1 vạn dân bình quân từ 4,1 BS năm 2001 lên gần 7 BS hiện nay (riêng TPHCM đạt 13 BS/vạn dân) nhưng các tỉnh vùng sâu, vùng xa tỷ lệ này lại rất thấp. Đối với khu vực bệnh viện, tỷ lệ điều dưỡng/1 BS cần phải đạt là 2,5-3,5, nhưng hiện mới đạt 1,7/1 BS, và càng ở bệnh viện tuyến trên tỷ lệ này càng thấp. Nếu xét theo tỷ lệ này, riêng TPHCM đang thiếu hơn 6.000 điều dưỡng. Bộ Y tế dự kiến đến năm 2015, cả nước cần có 976.033 cán bộ y tế. Như vậy, số cán bộ y tế cần bổ sung từ nay đến 2015 là gần 700.000 người, số cần đào tạo hàng năm là 78.000 người.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năng lực đào tạo chỉ khoảng 30.000 người/năm. Trong khi nhu cầu tuyển thêm nhân lực để bù đắp số về hưu, nghỉ việc, chuyển công tác... thì số cán bộ y tế cần thêm hàng năm là 20%, tương ứng 54.230 người. Những nghịch lý và bất cập đó đang khiến ngành y tế thiếu hụt y BS trầm trọng và đó cũng là nguyên nhân chính gây nên tình trạng quá tải.

“Mỗi BS hiện phải phục vụ không dưới 50 - 60 bệnh nhân/ngày thì chịu sao nổi và đương nhiên không thể có chất lượng tốt khi phải thăm khám qua loa”, BS Nguyễn Hữu Tùng, Tổng Giám đốc tập đoàn y khoa - Bệnh viện Hoàn Mỹ băn khoăn.

Theo BS Nguyễn Hữu Tùng, không còn cách nào khác hơn tăng cường chỉ tiêu đào tạo. “Quy mô đào tạo của hệ thống trường ĐH, CĐ Y Dược để đạt bình quân trên 45.000 sinh viên, học sinh/năm vào năm 2015 là điều cần thiết”, BS Tùng nói. Nhưng cái quan trọng là năng lực đào tạo có đáp ứng khi hệ thống các trường ĐH - CĐ đào tạo y - dược còn rất hạn chế. Trong đó, việc phát triển hệ thống đào tạo nhân lực y - dược theo nhu cầu xã hội chưa nhiều. Ngay như Trường Đại học Y khoa Hoàn Mỹ TPHCM đã được Chính phủ cho phép tuyển sinh đào tạo BS nhưng một năm trôi qua vẫn chưa thể tuyển sinh.

BS Nguyễn Tấn Bỉnh cũng cho rằng ngoài tăng chỉ tiêu đào tạo, cần tăng cường xã hội hóa, đào tạo theo nhu cầu và có chính sách thu hút, sử dụng. “Hy vọng với đề án xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực y - dược đang soạn thảo, đến năm 2020, TPHCM đáp ứng đủ nhân lực chăm sóc bệnh nhân”, BS Bỉnh cho biết.

Tường Lâm

Tin cùng chuyên mục