Ngay cả khi công tác thống kê đảm bảo độ chính xác cao (dù điều này vẫn còn là một mong muốn), thì những chỉ tiêu hiện nay, đặc biệt là những chỉ tiêu trong lĩnh vực xã hội, chưa thể phản ánh được bức tranh chân thực về tình hình kinh tế - xã hội. Đó là ý kiến được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đưa ra trong các phiên thảo luận cuối tuần qua.
Theo ĐB Mai Hữu Tín (Bình Dương), về xã hội, việc chúng ta đạt được nhiều mục tiêu thiên niên kỷ là một thành công rất lớn và người dân rất cảm kích với các cố gắng của Chính phủ. “Nhưng chất lượng cuộc sống ở một số mặt đã giảm sút là một thực tế phải nhìn nhận, an toàn của người dân trên đường đi, trong công việc, trên bàn ăn và ngay trong ngôi nhà của mình cả về mặt môi trường và an ninh đã trở thành nỗi lo thường trực”, ông nói.
ĐB Tín kiến nghị Quốc hội đưa thêm chỉ tiêu, mức độ hài lòng của người dân để đánh giá hoạt động của các cơ quan quyền lực trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và khẳng định, việc tổ chức điều tra xã hội học để xác định mức độ này không khó.
Chia sẻ quan điểm này, bà Nguyễn Thúy Anh (ĐB Phú Thọ), Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội phân tích, chỉ tiêu giảm nghèo 1,5% hay 2% “vẫn còn mang tính định lượng” mà thiếu bền vững. Một biến cố như thiên tai, rủi ro, dịch bệnh hay một cơn bệnh nặng đủ để đẩy một đối tượng vừa thoát nghèo trở về hoàn cảnh cũ. Hay khi giá cả tăng mạnh như thời gian trước thì chưa nghèo thực sự cũng là nghèo.
Tương tự với việc làm, theo bà Thúy Anh, “Quốc hội giao chỉ tiêu 1,6 triệu việc làm mới, thực hiện ước đạt hơn 96% kế hoạch. Nhưng chúng ta chưa tạo được nhiều việc làm có thu nhập cao, tính ổn định và bền vững của việc làm còn thấp”. Nhận định của ĐB Thúy Anh hoàn toàn có cơ sở, bởi theo Báo cáo từ Bộ LĐTB-XH, năm 2011, tình trạng người lao động mất việc làm cao hơn so với cùng kỳ năm 2010. Tính đến 20-5, cả nước đã có trên 146.000 người đến đăng ký thất nghiệp, tăng 131,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có trên 119.000 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tăng gần 179,2% so với cùng kỳ.
Vậy “có nên tiếp tục sử dụng chỉ tiêu tăng việc làm hàng năm hay thay bằng chỉ tiêu khác, chẳng hạn như giảm tỷ lệ thất nghiệp?”, bà Thúy Anh chốt lại vấn đề.
ANH THƯ