Đời cho ta được nâng niu

Trong cuộc hội ngộ với một số anh chị em Hội Nhà văn TPHCM tại nhà riêng ở Thủ Dầu Một (Bình Dương), nhà thơ Lê Giang rưng rưng đọc: “Đời cho ta được nâng niu/ Nâng niu cho đời ta được/ Còn khóc ngon lành: cứ khóc!/ Cười rung vách núi: cứ cười!”. Và càng hiếm, càng quý khi ở tuổi trên 90, nhà thơ Lê Giang vẫn bền bỉ viết văn làm thơ; nhạc sĩ Lư Nhất Vũ không ngừng viết nhạc và viết văn.

Nhà thơ Lê Giang vừa nhận Giải thưởng Văn học nghệ thuật Phan Ngọc Hiển (giải thưởng 5 năm một lần của UBND tỉnh Cà Mau, quê hương của bà) với tập tản văn Một cuộc trốn chạy cầu âu.

Bà cũng vừa in quyển sách mới Sóng sánh (NXB Tổng hợp TPHCM). Phần 1 của quyển sách là thơ, đa phần là những bài thơ mới viết. Dường như ở cái tuổi khó có thể xê dịch dặm dài “lang thang gió cát” nữa, thì nàng thơ vốn đỏng đảnh lại trở nên dễ tính và gần gũi hơn đối với tác giả. Bài Nhớ thơ, Lê Giang viết: “Nàng thơ về gặp lại tôi/ Lưng còng không địu thì ngồi bên nhau/ Khen thơ tôi dở mà vui/ Thơ hay của chị Tuệ Mai thì buồn/ Buồn vui hòa điệu tâm hồn/ Có hay có dở có buồn có vui”. 

Nhà thơ Lê Giang vẫn giữ được cái nhìn hóm hỉnh và tinh tường. Không chỉ ở trang viết, sự tinh tường đôi lúc khiến tôi, lâu nay vẫn gọi bà là mẹ, bà mẹ Cà Mau của tôi, luôn cảm giác không thể nào chạy theo nổi, nhất là trong câu chữ bà dùng khi viết và nói. Bà có cách dùng câu, dùng từ mà ý nghĩa của nó không phải ở bề nổi. Nghĩa của bà ở chiều sâu, ở tầng sâu. Đôi lúc nó rất sâu mà kẻ hậu sinh như tôi khó có thể tận tường. 

Khác nhà thơ Lê Giang, người “bữa dày bữa mỏng” (lời tự trào), người “ruột để ngoài da” (lời của người bạn đời Lê Giang) - nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, lúc nào cũng hết lòng vì người khác, dốc lòng cho công việc, cho đam mê, không màng thiệt hơn, miễn sao làm được những điều gì đó góp ích cho đời. Ông cũng vừa in tập sách mới Vi vu tình đời (NXB Văn hóa - Văn nghệ).

Đọc những tác phẩm của ông, càng thấy rõ hơn khả năng viết văn của người nhạc sĩ tài danh này. Lâu nay khán, thính giả quen thuộc với nhiều tác phẩm âm nhạc sâu sắc của ông (nhạc sĩ Lư Nhất Vũ từng nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT) nhưng có lẽ ít ai phát hiện ra tố chất của một cây bút văn xuôi ở Lư Nhất Vũ. Văn ông giàu hình ảnh, giàu thanh âm, dí dỏm và thật nhiều cảm xúc.  

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ vừa đoạt giải A, giải thưởng âm nhạc của Hội Nhạc sĩ TPHCM với ca khúc Nghe tiếng đàn thương (thơ Lê Giang, nhạc Lư Nhất Vũ). Vợ viết thơ tặng chồng và không chỉ cho chồng. Chồng viết nhạc cho thơ, đưa lời thơ, giai điệu đến với khán thính giả gần xa: “Anh và em bên nhau, lung linh từng giọt nắng, rưng rưng hạt muối mặn/ Tiếng đàn thương nhớ ai/ Tiếng đàn anh đắm say/ Yêu em như rừng gọi/ Tiếng đàn vang vọng mãi/ Tiếng đàn thương vấn vương...”.

Tin cùng chuyên mục