Một bài hát - một giọng ca
Tân Nhân, người nghệ sĩ được nhắc nhớ trong hồi ký của nhà thơ Tố Hữu, là một niềm yêu mến lớn của hàng triệu cán bộ chiến sĩ và nhân dân ta ở một thời dồn sức đấu tranh thống nhất đất nước và cả cho đến hôm nay, dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua.
Từ một cô nữ sinh Đồng Khánh quê hương Quảng Trị, Tân Nhân sớm tham gia cách mạng đến khi kháng chiến bùng nổ, chị đã mang tuổi trẻ và tiếng hát của mình tham gia đoàn văn công Bình Trị Thiên - Trung Lào đi phục vụ cán bộ và chiến sĩ Bình Trị Thiên anh dũng.
Rồi hòa bình, chị trở thành một giọng hát xuất sắc của Đoàn Ca múa Trung ương, Nhà hát Giao hưởng hợp xướng nhạc vũ kịch Việt Nam. Tiếng hát của chị ngày ấy không chỉ làm nức lòng quân dân ta, mà còn làm kẻ thù bên kia giới tuyến điên đảo.
Một bài hát, một giọng ca đôi khi có sức truyền cảm lay động lớn. Nhất là trong thời điểm ấy, mọi con tim đều dồn yêu thương cho Bắc - Nam ruột thịt. Và đặc biệt nữa, tiếng hát của chị đã đi liền năm châu bốn biển, kể cho bạn bè khắp thế giới nghe về cuộc chiến tranh chính nghĩa và anh dũng của quân dân ta để giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà.
“Lida - cô gái Mỹ, đã tâm sự với tôi trong lần gặp mặt ở Đại hội Thanh niên sinh viên thế giới tại Helsinki (Phần Lan): “Mới có mấy ngày xa mẹ mà mình nhớ mẹ quá!”. Tôi bùi ngùi: “Đã mười hai năm mình chưa gặp lại mẹ…”. Cả đoàn Mỹ rưng rưng khi tôi hát Câu hò bên bờ Hiền Lương. Họ hô lớn: “Việt Nam phải tự do; Việt Nam phải thống nhất”.
“Xa xa một đàn chim, so mây giang cánh lưng trời/Hỡi cánh chim hãy dừng cho ta gửi tới phương xa vời”. Những bó hoa, những dòng nước mắt, những vòng tay ôm, những hoan hô cổ vũ”.
(Trích hồi ký của Tân Nhân)
Tiếng hát mãi ngân vang
Đó là nghệ sĩ Tân Nhân mà cuộc đời và chân dung chị mới đây đã được NXB Văn học tái hiện một cách trung thực và sắc nét qua tập sách Nghệ sĩ Tân Nhân và Xa khơi mới được xuất bản.
Cuốn sách gồm 3 phần: Phần 1 là hồi ký nghệ thuật do nghệ sĩ Tân Nhân viết, phần 2 gồm 80 bài thơ do chị sáng tác và phần 3 là những bài viết của lãnh đạo, đồng chí, đồng nghiệp gắn bó với cuộc đời và yêu quý tiếng hát nghệ sĩ Tân Nhân. Đó là các tác giả: Tố Hữu, Trần Hoàn, Đình Quang, Phan Quang, Phạm Ngọc Cảnh, Nam Hà, Khắc Tuế, Dân Huyền, Đỗ Chu, Đặng Anh Đào... và các nhà báo Nguyễn Thụy Kha, Tân Linh, Vĩnh Linh, Nguyễn Đình San, Trần Hoàng Thiên Kim, Nguyễn Minh Ngọc, Nguyễn Thông, Trương Nguyên Việt...
Nhà báo - nhà thơ Nguyễn Thụy Kha gọi tiếng hát Tân Nhân là “một giọng nữ cao thánh thiện và vĩnh cửu”. Và cũng chính ông viết: “Nhưng người nghệ sĩ tài sắc ấy lại có cuộc sống hết sức bình dị, đạm bạc và chan hòa với mọi người, sự bình dị và khiêm nhường của một tầm vóc lớn được hun đúc bởi những tháng năm chiến tranh thăng hoa thành một sức mạnh phi thường”.
Đạo diễn Khắc Tuế, nguyên Trưởng Đoàn ca múa Quân đội, nói về đồng nghiệp của mình: “Tân Nhân hát Xa khơi, thật ra không phải chị hát mà chị hiệu triệu. Cái lợi thế của Tân Nhân ở Xa khơi là thổ ngữ, chị phát âm giọng miền Trung quê nhà ngon lành, tròn trịa. Sự trọn vẹn trong Xa khơi của Tân Nhân là có tình, có tài, có học. Ba nhân tố đó tạo nên mối tình quê sáng chói trong tiếng hát của chị. Tân Nhân cất lên tiếng hát Xa khơi đúng vào thời điểm cả nước đang bức xúc về nỗi đau chia cắt. Thế là cả nước đồng điệu với chị trong Xa khơi”, Xa khơi được ghi hình, tạc tượng đúng lúc, đúng chỗ, gây ấn tượng sâu đậm trong nhân gian, chứ đâu phải cứ hát đầu tiên là gây ấn tượng thì người sau khó vượt qua?”.
Và nhà văn Đỗ Chu kể về người nghệ sĩ ấy trong một đêm cuối năm: “Lại đến cuối năm, đó vào dịp Hà Nội sắp sửa bước vào cái tết nữa của thời chiến, Phủ Chủ tịch tổ chức một cuộc gặp gỡ, nhiều văn nghệ sĩ cũng được mời tới dự. Lần ấy tôi đã gặp chị Tân Nhân, một gương mặt sáng của nền âm nhạc ta. Lúc đó chị còn đang rất trẻ trung và nổi tiếng. Trong ánh sáng tưng bừng dạ hội, theo yêu cầu của đồng chí Thủ tướng, chị bước lên hát Xa khơi của Nguyễn Tài Tuệ. Hát như rút ruột mà hát. Cả đám đông lặng phắc. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi đến đặt vào tay chị một bông hồng thắm. Chỉ thế thôi và thế là quá đủ…”.
Tất cả những kỷ niệm, những tình cảm yêu mến này, được gói trọn trong một tập sách dày dặn có tên Nghệ sĩ Tân Nhân và Xa khơi, kể về một người nghệ sĩ có hành trình đi lên theo từng bước đi của cách mạng, có số phận gắn bó với Tổ quốc và đã nửa thế kỷ trôi qua mà tiếng hát của chị vẫn ngân vang trong lòng bao thế hệ.