Đối mặt rủi ro mới

Các chuyên gia cảnh báo nền kinh tế Mỹ có thể phải đối mặt với các rủi ro mới vào năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế đầu tàu thế giới đang có những diễn biến trái ngược nhau.

Thị trường lao động Mỹ hiện được xem là ổn định, không có biến động lớn nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 3,7% và chỉ có 1,7 cơ hội việc làm cho mỗi người thất nghiệp. Các doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người lao động. Dù tỷ lệ việc làm đã trở lại mức như trước đại dịch Covid-19 nhưng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động vẫn chậm lại, đáng lo ngại nhất là ở nam giới trong độ tuổi trưởng thành (25-54 tuổi).

Ngoài lạm phát dai dẳng và chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn (sẽ được duy trì cho đến khi đạt được tiến bộ đáng kể đối với mục tiêu lạm phát 2%), yếu tố lớn nhất trong triển vọng năm 2023 là cách các công ty phản ứng với tình trạng giảm nhu cầu mua sắm. Theo các chuyên gia, hiện chưa rõ các doanh nghiệp sẽ ra thông báo sa thải hàng loạt như thường lệ hay hy sinh lợi nhuận ngắn hạn để giữ chân người lao động có trình độ hoặc tuyển dụng thêm nhân sự.

Người dân mua hàng hóa tại siêu thị ở Glendale, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Người dân mua hàng hóa tại siêu thị ở Glendale, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo giới quan sát, yếu tố tiêu cực lớn nhất là lạm phát đã giảm dần nhưng vẫn cao hơn nhiều lần so với mức mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Lạm phát năm 2023 của Mỹ được dự báo vào khoảng 4% - theo dự báo của Blue Chip (phản ánh quan điểm của 50 nhà dự báo khu vực tư nhân); dưới 3% - theo thị trường trái phiếu; và gần 5% - theo khảo sát tâm lý người tiêu dùng. Một rủi ro lớn là các công ty sẽ tăng lương để thu hút hoặc giữ chân nhân viên, tạo ra vòng xoáy giá lương. Cho đến nay, tăng trưởng tiền lương đã bị tụt hậu so với tăng trưởng giá cả, nhưng không có gì đảm bảo xu hướng này sẽ kéo dài.

Tiếp đến, triển vọng thậm chí ảm đạm hơn đối với nhiều nền kinh tế khác sẽ làm tăng thêm khó khăn cho Mỹ trong việc thiết kế một cuộc “hạ cánh mềm”, trong đó số lượng người mất việc làm ít nhất có thể. Cuối cùng, trong bối cảnh tăng trưởng yếu hoặc suy thoái hoàn toàn từ Trung Quốc và châu Âu cho đến các nước đang phát triển ở châu Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi, sự tăng giá liên tục của đồng USD là tin xấu đối với ngành xuất khẩu của Mỹ.

Tin cùng chuyên mục