Bàn về những nguyên tắc xây dựng pháp luật hiện đại, PGS-TS Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Kinh tế - Dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết: “Năm 1995, Quốc hội ban hành Bộ luật Dân sự đầu tiên của Nhà nước ta với 838 điều. Sau 10 năm, Quốc hội ban hành Bộ luật Dân sự mới (2005) thay thế toàn bộ Bộ luật Dân sự 1995 với 777 điều, và nay, sau 10 năm (tức 2015) lại chuẩn bị ban hành một Bộ luật Dân sự mới thay thế Bộ luật Dân sự 2005”. Cách thức xây dựng những bộ luật đồ sộ theo kiểu này, theo ông Dương Đăng Huệ, không chỉ gây tốn kém thời gian, tiền bạc mà còn tạo ra không ít khó khăn trong việc theo dõi và thi hành pháp luật, cả đối với các tổ chức, cá nhân liên quan, lẫn các cơ quan nhà nước.
|
Cách thức xây dựng những bộ luật đồ sộ theo kiểu này, theo ông Dương Đăng Huệ, không chỉ gây tốn kém thời gian, tiền bạc mà còn tạo ra không ít khó khăn trong việc theo dõi và thi hành pháp luật, cả đối với các tổ chức, cá nhân liên quan, lẫn các cơ quan nhà nước.
PGS-TS Dương Đăng Huệ kiến nghị mạnh dạn chấm dứt phương pháp hoàn thiện pháp luật kiểu này, và thay thế nó bằng phương pháp ban hành các luật nhằm bổ sung mà không hoàn toàn thay thế các đạo luật ban hành trước đó. Theo phương pháp này, bộ luật (ví dụ Bộ luật Dân sự) vẫn tồn tại và được sửa đổi, bổ sung bằng các đạo luật do Quốc hội ban hành sau này. Ở nước Pháp, cách làm này đã giúp Bộ luật Dân sự của Pháp năm 1804 đến nay vẫn tồn tại, mặc dù luôn được sửa đổi, bổ sung bằng các đạo luật do Quốc hội Pháp ban hành trong hơn 100 năm qua cho phù hợp với hoàn cảnh của nước này trong từng thời kỳ.
Trên thực tế, Quốc hội Việt Nam hiện cũng đã cho phép “dùng một luật sửa nhiều luật”, nhưng cách làm này vẫn chưa được quán triệt, thậm chí ngay cả trong việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự lần này. Tất nhiên, còn nhiều nhược điểm khác nữa cần được khắc phục. Chẳng hạn, nhiều đạo luật cần phải có nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn, nhưng những văn bản này rất chậm được ban hành. Luật Đất đai năm 2013 đã có hiệu lực từ 1-7-2014, nhưng cho đến nay vẫn có “nợ” ít nhất hai nghị định, đó là: Nghị định của Chính phủ quy định bổ sung một số nội dung về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Nghị định của Chính phủ quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai.
Pháp luật cũng chưa đảm bảo tính đồng bộ, các thiết chế thực thi pháp luật chậm được xây dựng và hoàn thiện, ảnh hưởng đáng kể đến khả năng đi vào cuộc sống của các văn bản pháp quy. Chẳng hạn, Luật Phá sản (2014) đã thay thế chế định tổ quản lý và thanh lý tài sản bằng một chế định mới là quản tài viên. Nhưng đến nay, ở Việt Nam chưa hình thành đội ngũ này. Chưa có bất kỳ nhà chuyên môn nào được đào tạo về mặt nghiệp vụ pháp lý cũng như quản lý tài sản của doanh nghiệp phá sản.
Bên cạnh đó, để bảo vệ quyền của chủ sở hữu tài sản cũng như để tăng cường quản lý nhà nước đối với sự vận hành của các tài sản ở Việt Nam, nhất là bất động sản, thì một yếu tố rất quan trọng là phải xây dựng được hệ thống các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm và đăng ký bất động sản. Trong khi đó, tính liên thông của các cơ quan này ở Việt Nam còn yếu kém, chưa kể còn nhiều nhược điểm khác; hạn chế khả năng thực hiện các mục tiêu của việc đăng ký tài sản.
Xem ra việc xây dựng pháp luật còn là một nhiệm vụ nặng nề cho các cơ quan hữu quan ở Việt Nam trong nhiều năm tới…
ANH THƯ