Với hơn 2 triệu người nước ngoài đang cư trú tại Hàn Quốc, trong đó có những người nhập cư theo diện kết hôn, Hàn Quốc đã trở thành một xã hội đa văn hóa đích thực. Tỷ lệ người Hàn Quốc kết hôn với người nước ngoài tăng nhanh khiến số lượng trẻ em được sinh ra trong các gia đình đa văn hóa cũng ngày càng nhiều. Thống kê gần đây cho thấy, số lượng thanh niên ở độ tuổi 18 được sinh ra ở các gia đình đa văn hóa đã tăng từ con số 25.000 người trong năm 2006 lên hơn 200.000 người vào năm 2015. Hơn 10 năm trước, Chính phủ Hàn Quốc lần đầu tiên đưa ra chính sách hỗ trợ các gia đình đa văn hóa. Lúc đó, các em còn rất nhỏ; nay, ở độ tuổi trưởng thành, các thanh niên sinh ra từ gia đình đa văn hóa đang buộc phải đứng trước ngã rẽ mới trong cuộc sống tương lai: học đại học hay học nghề.
Dù đã khuyến khích giảm bớt sự kỳ thị trong xã hội nhưng không phải đứa trẻ đa văn hóa nào cũng nhận được thiện cảm từ người bản xứ. Sự kỳ thị này xuất hiện trong đời sống hàng ngày và trong môi trường giáo dục. Bởi lẽ, Hàn Quốc vẫn có một ý thức mạnh mẽ của niềm tự hào và một niềm tin bắt rễ sâu về sự ưu việt của dân tộc mình. Những ánh mắt thiếu thiện cảm phần nào đã cản trở những trẻ đa văn hóa đến trường với tâm trạng thoải mái nhất. Theo thống kê từ Bộ Bình đẳng giới và Gia đình, chỉ có 53,3% các thanh niên đa văn hóa được tiếp nhận nền giáo dục cao hơn so với bậc phổ thông trung học. Cũng theo bộ trên, khoảng 18% thanh thiếu niên đa văn hóa từ độ tuổi 15 đến 24 đã rơi vào nhóm NEET (không học hành, nghề nghiệp và tham gia tập huấn), sống bám vào gia đình và không có định hướng.
Trước thực trạng đáng lo ngại này, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc đã khởi động chương trình mở các trung tâm hỗ trợ liên kết giữa bộ này và các gia đình đa văn hóa dành cho các thanh thiếu niên. Các trung tâm cung cấp các chương trình hỗ trợ các hoạt động nghề nghiệp như kiểm tra trình độ năng khiếu, kiểm tra kinh nghiệm nghề nghiệp, từ đó lên kế hoạch định hướng ngành nghề phù hợp và phát triển kỹ năng cho các thanh thiếu niên. Tại đây, còn có những khóa học ngoại khóa như cắm trại, làm tình nguyện viên trong các lớp học và các cuộc tư vấn hỗ trợ việc cải thiện mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái cũng như tư vấn tâm lý cho trẻ em có nhu cầu. Cô bé Yoo Yun- seon, 13 tuổi, rất thích nấu ăn, có cha là người Hàn Quốc và mẹ là người Trung Quốc, sau khi tham gia những hoạt động tại trung tâm đã quyết định thay đổi ước mơ trở thành một người thợ bánh từ những năm tiểu học. Yoo hướng mình theo các hoạt động hỗ trợ cộng đồng bằng việc trở thành một nhân viên phúc lợi xã hội. Yoo muốn ngày càng nhiều các bạn bè trong các gia đình đa văn hóa cũng sẽ có những thay đổi đúng đắn hơn trong cuộc sống khi tham gia hoạt động tại trung tâm. Tuy chỉ chính thức hoạt động vào năm ngoái nhưng số lượng các trung tâm hỗ trợ đã tăng từ con số 81 lên 107, phần nào đã cho thấy nhu cầu cấp thiết từ những trung tâm hoạt động theo hình thức này ở Hàn Quốc. Số lượng các thanh thiếu niên đa văn hóa hưởng ứng ngày càng tăng đã đáp ứng được kỳ vọng từ những người tổ chức.
THANH HẰNG