Đổi mới tư duy, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp

Ngày 4-1 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018 của ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn do Bộ NN-PTNT tổ chức. 

 

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018 của ngành nông nghiệp
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018 của ngành nông nghiệp
Không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường tại hội nghị, trong năm 2017 mặc dù trải qua rất nhiều khó khăn thách thức, nhất là về thiên tai bão lũ nhưng ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn vẫn đạt được nhiều kết quả nổi bật về tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu và tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản, tổ chức lại sản xuất và tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới... Trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 36 tỷ USD, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Trong năm 2018, ngành nông nghiệp đặt ra mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 2,8%-3% và kim ngạch xuất khẩu khoảng 37-38 tỷ USD.

Khẳng định Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò, đóng góp của ngành đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Năm 2017, GDP toàn ngành tăng 2,9%, đóng góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP cả nước. Tuy nhiên, Thủ tướng nhắc nhở mặc dù gặt hái được nhiều thành tựu nhưng ngành nông nghiệp “không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế”, mà thành tích đạt được chỉ mới là bước đầu, vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại. 

Theo Thủ tướng, hiện nay nông nghiệp chỉ chiếm 16% trong cơ cấu GDP, trong khi lao động chiếm trên 42% và người dân sống ở nông thôn đến 70%. Chuyển dịch cơ cấu lao động là vấn đề cần được nghiên cứu và thực hiện một cách hiệu quả. Tình trạng “được mùa rớt giá” vẫn còn là nỗi lo. Đời sống của một bộ phận không nhỏ nông dân, nhất là ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Hệ thống thủy lợi xuống cấp. Một số địa phương còn lơ là chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thủ tướng đề nghị: “Phải thấy nỗi đau đáu này để tiếp tục dành nguồn lực xây dựng nông thôn Việt Nam”.

Thủ tướng cũng đánh giá: Công tác an toàn thực phẩm hiện nay đã có tiến bộ nhưng còn tình trạng “heo 2 chuồng, rau 2 luống”. Nhắc nhở các địa phương còn để xảy ra tình trạng phá rừng, Thủ tướng nêu rõ, sẽ xử lý nghiêm địa phương nào không quản lý tốt vấn đề này.

Giảm 50% thủ tục chuyên ngành 

Định hướng nhiệm vụ năm 2018, Thủ tướng yêu cầu phải tạo chuyển biến rõ nét hơn, thực chất hơn trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Để thực hiện thành công kế hoạch năm 2018, Thủ tướng yêu cầu ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn và các địa phương ngay từ đầu năm tổ chức triển khai đồng bộ các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết 01 với phương châm 10 chữ: Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả. Thủ tướng yêu cầu “phải biến từ định hướng thành bảng số liệu cụ thể trong chỉ đạo, chứ không phải chỉ nói chung chung”, trên cơ sở đó để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ hay không. Phải quan tâm xử lý đồng bộ một bước những bức xúc mà nông nghiệp, nông thôn đặt ra, như vấn đề “nước, phân, cần, giống”. Đầu vào nông nghiệp phải quản lý tốt, nâng cấp tốt, không để tình trạng phân bón giả tràn lan. Đầu ra là thị trường và tổ chức sản xuất phải đặc biệt quan tâm. Môi trường nông thôn phải được chú trọng khi mà mỗi năm, ở nông thôn có 13 triệu tấn rác. 
Bài học lớn rút ra từ kết quả đạt được năm 2017 là sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ hành động thì Bộ NN-PTNT, các sở, viện, trường phải hành động. Thủ tướng yêu cầu đổi mới tư duy, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, thông minh. Nhân rộng những mô hình sáng tạo, cách làm hay của nhiều địa phương, doanh nghiệp và nông dân. Quyết liệt ngăn chặn việc khai thác hải sản trái phép, không khai báo, không quản lý… để “chúng ta thoát thẻ vàng (của EU) ngay trong năm nay, ngay trong 6 tháng đầu năm, là rất quan trọng”. Thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, quản lý chặt chẽ hơn nữa việc đổi đất rừng sang các mục đích sử dụng khác. Thủ tướng chỉ đạo trong năm 2018, Bộ NN-PTNT phải bãi bỏ và sửa thêm 59 điều kiện kinh doanh để đạt mục tiêu bãi bỏ 50% thủ tục theo Nghị quyết 19. Bộ NN-PTNT đang có 7.698 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành, cần cắt giảm 50% để đạt con số 3.849 dòng hàng phải kiểm tra thủ tục chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu.

Tết Nguyên đán đã sắp cận kề, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành liên quan phải chăm lo tết cho bà con nông dân, nhất là ở vùng vừa bị thiên tai bão lũ, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.
Thủ tướng giao chỉ tiêu năm 2018 cho 5 bộ
Thủ tướng Chính phủ vừa giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 cho 5 bộ: KH-ĐT, NN-PTNT, Công thương, Y tế, LĐTB-XH. Cụ thể, Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT chỉ tiêu tốc độ tăng GDP là 6,7%, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân (CPI) khoảng 4%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so GDP 33% - 34%. Bộ NN-PTNT được giao chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng kế hoạch năm 2018 khoảng 41,6%. Bộ Công thương được giao chỉ tiêu tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 8% - 10%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%. Bộ Y tế được giao chỉ tiêu số giường bệnh trên 1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) là 26 giường, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 88,5%. Bộ LĐTB-XH được giao mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều từ 1% - 1,5%, trong đó giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo là 4%; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 58% - 60%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ công nhận đào tạo là 23% - 23,5%.
PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục