• Chưa có trình tự thủ tục kỷ luật, thôi việc đối với cán bộ
(SGGPO).- Sáng nay, 22-8, tại Hà Nội đã diễn ra phiên họp Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ công chức, viên chức (từ ngày 01-01-2010 đến ngày 31-12-2013). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đến dự. Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát điều hành phiên họp.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nhận định, nhìn chung hệ thống thể chế quản lý công chức, viên chức đã được xây dựng theo đúng tinh thần của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Tuy nhiên, việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật trên còn chậm so với kế hoạch. Đáng lưu ý, đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Cán bộ, công chức đối với đối tượng cán bộ; đặc biệt là quy định liên quan đến trình tự thủ tục kỷ luật, thôi việc đối với cán bộ (kể cả cán bộ cấp xã).
Một vướng mắc thể chế khác là các luật nêu trên không quy định về việc kéo dài thời gian công tác đối với công chức, viên chức khi đến độ tuổi nghỉ hưu (đồng nghĩa với việc mọi viên chức đến tuổi nghỉ hưu đều được giải quyết chế độ hưu theo quy định, sau đó nếu đơn vị có nhu cầu mới ký hợp đồng vụ việc với người hưởng chế độ hưu trí). Trong khi đó, Luật Giáo dục đại học năm 2012 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013) lại có quy định về kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học...
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những mặt được, kết quả thực hiện các quy định về tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm công chức, viên chức còn một số hạn chế đáng kể. Để khắc phục, thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện thể chế, triển khai xác định vị trí, việc làm và cơ cấu công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị... Theo đó, đến tháng 6-2014, 100% bộ ngành, địa phương phải tiến hành công tác này.
Việc thi tuyển, thi nâng ngạch công chức cũng sẽ được đổi mới. “Thông qua kinh nghiệm thực hiện tại Bộ Nội vụ và thành phố Hải Phòng, tới đây sẽ tiếp tục nhân rộng việc áp dụng hình thức thi tuyển công chức qua phần mềm vi tính; bảo đảm đến năm 2015 có 100% cơ quan ở trung ương và 70% cơ quan ở địa phương thực hiện ứng dụng công nghệ tin học vào thi tuyển công chức”, ông Nguyễn Thái Bình cho biết.
Vị Bộ trưởng thông tin: với đối tượng công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý, Bộ Nội vụ đang xây dựng Đề án đổi mới phương thức tuyển chọn. Theo đó, trong những năm đầu triển khai thực hiện, việc thi tuyển lãnh đạo chỉ nằm trong khâu tuyển chọn để tìm được người có đủ tài, đức; đủ tiêu chuẩn, điều kiện và tín nhiệm để giới thiệu cơ quan có thẩm quyền quyết định. Sau đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện bổ nhiệm theo quy định (thay cho khâu lấy phiếu như hiện nay). Bộ Nội vụ cũng đang xây dựng Đề án về thực tập và tập sự lãnh đạo, quản lý, áp dụng cho các chức danh lãnh đạo cấp Vụ, cấp Sở và cấp Phòng ở các cơ quan, đơn vị từ trung ương đến địa phương.
Trưởng Đoàn giám sát Phan Trung Lý cho biết, Đoàn giám sát đã nhận được báo cáo của hầu hết các bộ ngành, trung ương về vấn đề này; Đoàn đã và đang tiếp tục đi kiểm tra thực tế. Chuyên đề giám sát sẽ kết thúc vào tháng 9, báo cáo được gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 9 để có thể trình ra Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay.
Tại phiên họp của Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ công chức, viên chức, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, Thường trực Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác tổ chức cán bộ và thi đua khen thưởng. “Bộ đang cố gắng hoàn thành sớm văn bản này trong tháng 9-2013 để Thủ tướng ký ban hành. Chúng tôi biết đây là vẫn đề rất nóng, bức xúc trong xã hội”, ông nói. |
ANH PHƯƠNG