
* Cả nước có hơn 2 triệu người tốt nghiệp đại học và cao đẳng trở lên, trong đó có hơn 34.000 tiến sĩ và thạc sĩ
* Xét về mặt học vị, cán bộ KH-CN Việt Nam ở mức cao so với mức trung bình của khu vực
* Hiện VN thiếu rất nhiều cán bộ KH-CN đầu đàn, có đủ năng lực chủ trì các chương trình, dự án trọng điểm mang tính đột phá
* Đề án của TPHCM: các chính sách đãi ngộ, trọng dụng đối với trí thức trong nước trên phương thức trả thù lao theo cơ chế thị trường, kết quả công việc và sự thỏa thuận
Nền KH-CN nước nhà nhìn chung vẫn chưa có vị trí xứng đáng trong khu vực và trên thế giới. Phải chăng chính sách sử dụng và trọng dụng đội ngũ cán bộ KH-CN vẫn chưa được chú trọng đúng mức!?
Mỗi nơi mỗi kiểu

Với chính sách sử dụng, trọng dụng thỏa đáng, sự đóng góp của đội ngũ cán bộ KH-CN ngày càng tích cực hơn (Ảnh mang tính minh họa). Ảnh: T.L
Với vai trò là thành phố đầu tàu về kinh tế, TPHCM trong những năm qua rất chú trọng đến phát triển KH-CN với mong muốn đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp phát triển KT-XH.
Ngoài việc đổi mới cơ chế đầu tư, quản lý KH-CN, mới đây Sở KH-CN thành phố đã đệ trình UBND TP đề án “Đổi mới cơ chế và chính sách nhằm phát huy lực lượng KH-CN ở thành phố và người Việt Nam ở nước ngoài”. Với đề án này, mục tiêu mà Sở KH-CN TPHCM hy vọng xây dựng cơ chế và chính sách phù hợp để tạo môi trường làm việc thuận lợi cho đội ngũ KH-CN tại TPHCM phát huy hết tài năng; thu hút lực lượng KH-CN là người Việt Nam, đặc biệt là những người có trình độ chuyên môn cao, tài năng đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài có cơ hội cống hiến cho đất nước, góp phần tích cực vào việc giải các bài toán về phát triển kinh tế-xã hội, KH-CN,…
Theo đó, các chính sách đãi ngộ, trọng dụng đối với trí thức trong nước trên phương thức trả thù lao theo cơ chế thị trường, kết quả công việc và sự thỏa thuận. Đối với chuyên gia, trí thức Việt kiều sẽ được tạo điều kiện về môi trường làm việc và sinh sống, đối xử bình đẳng như trí thức trong nước.
Trong khi đó, để tăng cường tiềm lực KH-CN, năm 2007, UBND tỉnh Bình Định cũng đã chỉ đạo Sở KH-CN tỉnh này triển khai một số chính sách hỗ trợ cán bộ KH-CN nhưng mới dừng lại ở hỗ trợ đào tạo.
Theo đó, chính sách hỗ trợ đối với học thạc sĩ trong nước trợ cấp 500.000 đồng/người/tháng (học trong tỉnh); 700.000 đồng/người/tháng (học ngoài tỉnh), sau khi tốt nghiệp được hỗ trợ 15.000.000 đồng/người. Học tiến sĩ trong nước trợ cấp 700.000 đồng/người/tháng (học trong tỉnh), 900.000 đồng/người/tháng (học ngoài tỉnh), sau khi tốt nghiệp được hỗ trợ 30.000.000 đồng/người. Song song đó là chế độ hỗ trợ đào tạo nước ngoài, trước khi đi học nước ngoài, học viên được cử đi học chương trình ngoại ngữ đạt chuẩn, được trợ cấp 1.000USD/người/khóa…
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, ngoài hỗ trợ từ các bộ, ngành, hiện tùy theo khả năng, mỗi địa phương đều có những chính sách khác nhau trong việc hỗ trợ, sử dụng và trọng dụng cán bộ KH-CN. Có địa phương có chính sách bài bản, thỏa đáng nhưng cũng có địa phương còn làm theo kiểu manh mún, chưa căn cơ nên nhìn chung chưa phát huy hết vai trò của đội ngũ cán bộ KH-CN.
Cán bộ KH-CN: đông nhưng không mạnh
Theo đánh giá của các chuyên gia đầu ngành về KH-CN, đội ngũ cán bộ KH-CN trong nhiều lĩnh vực đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong các ngành KT-XH, cũng như nâng cao chất lượng đời sống toàn dân. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ KH-CN của Việt Nam tuy đông nhưng chưa đủ lớn.
Theo số liệu của Viện Khoa học Lao động - Xã hội Bộ LĐTB-XH, đến cuối năm 2007, tổng số lao động trong lĩnh vực KH-CN, bao gồm những người làm việc trực tiếp trong lĩnh vực nghiên cứu và triển khai, các viện, trung tâm nghiên cứu và triển khai ứng dụng KH-CN của cả nước là gần 40.000 người.
Ngoài ra, còn một số lực lượng nhất định trong tổng số gần 48.541 giảng viên trong các trường đại học, cao đẳng và các chuyên gia, kỹ sư làm việc trong các doanh nghiệp cũng được thu hút vào các hoạt động KH-CN. Hiện nay, lực lượng này phân bố không đều giữa các vùng trong cả nước. Có tới 92,2% cán bộ có trình độ tiến sĩ và tiến sĩ khoa học tập trung ở các cơ quan trung ương và hai thành phố lớn là Hà Nội (có 63,8% TS và 75,9% TSKH), và TPHCM (19,33% TS và 17,11% TSKH). Số tiến sĩ ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam bộ chưa tới 1%. Trong số các giáo sư, phó giáo sư, có 86,2% ở Hà Nội và 9,5% ở TPHCM, các nơi khác còn lại là 4,3%.
Theo kết quả khảo sát nhân lực KH-CN năm 2006 của Viện Khoa học - Lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tỉ lệ cán bộ có trình độ đại học trở lên chiếm 94,7% tổng số lao động trong lĩnh vực KH-CN, trong đó thạc sĩ là 35,5%, tiến sĩ là 30,5%. Xét về mặt học vị, Việt Nam ở mức cao so với mức trung bình của khu vực.
Tuy nhiên, ngoại ngữ và tin học là nguyên nhân cản trở quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đội ngũ cán bộ KH-CN… Bên cạnh đó, mặc dù đội ngũ cán bộ KH-CN của Việt Nam được trang bị khá vững về lý thuyết nhưng yếu về năng lực thực hành, kỹ năng về công nghệ, quản lý kinh doanh, tiếp thị. Hiện chúng ta còn thiếu rất nhiều cán bộ KH-CN đầu đàn, có đủ năng lực chủ trì các chương trình, dự án trọng điểm mang tính đột phá.
Cần một chính sách tổng thể, đột phá
“Nguyện vọng chung của các nhà khoa học là: Nhà nước cần có chính sách tốt hơn để phát huy năng lực sáng tạo của đội ngũ KH-CN. Đánh giá đúng mức hơn lao động chất xám và có chế độ đãi ngộ tương xứng. Tạo những điều kiện cần thiết để nhà khoa học được lao động trong lĩnh vực chuyên môn được đào tạo. Tạo môi trường thuận lợi hơn (đủ sống, có những điều kiện vật chất - kỹ thuật cần thiết, không khí dân chủ trong hoạt đông khoa học...) để lao động sáng tạo đạt hiệu quả cao hơn”. |
Nhiều nhà khoa học cho rằng, điều kiện làm việc của đội ngũ cán bộ KH-CN hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chậm được cải thiện. Thu nhập bình quân của cán bộ KH-CN còn thấp, không đủ để tạo sự yên tâm cho họ cống hiến và làm việc. Thực trạng này một phần do chưa có cơ chế, chính sách sử dụng và trọng dụng đội ngũ cán bộ KH-CN thích hợp, thỏa đáng ?
Qua nhiều hội nghị, một số nhà KH-CN có tâm huyết cho rằng đội ngũ trí thức Việt kiều cũng chưa tận dụng được năng lực của họ, để phục vụ cho việc giải quyết những nhiệm vụ KH-CN trong nước. Ngay tại một số địa phương, điển hình như TPHCM, có tiềm lực mạnh mẽ về KH-CN nhưng chưa phát huy được nguồn lực này.
Hiện nay, Bộ KH-CN đang thực hiện việc xây dựng một số chính sách cụ thể về việc sử dụng và trọng dụng cán bộ KH-CN. Đây cũng là nội dung của đề án ‘’Một số chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ khoa học và công nghệ, giai đoạn 2006-2010'’ mà Bộ KH-CN hướng tới.
Ngay trong kế hoạch những nhiệm vụ cụ thể thực hiện từ năm 2008 và những năm tiếp theo, Bộ KH-CN cũng đặt mục tiêu xây dựng chính sách hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ KH-CN như một biện pháp căn cơ thúc đẩy tiềm năng KH-CN nước nhà. Mục tiêu mà Bộ KH-CN hướng đến là các chính sách phải mang tính tổng thể, đột phá, tạo cơ chế “thoáng” để nhà khoa học tự chủ.
Trước hết tập trung cho 2 nhóm đối tượng quan trọng trong các lực lượng làm công tác KH-CN hiện nay, đó là nhóm các nhà khoa học trình độ cao được nhà nước giao nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia và nhóm các nhà khoa học trẻ xuất sắc có khả năng ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp trong các trường đại học và viện nghiên cứu trọng điểm nhằm gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu và sản xuất, tạo điều kiện thành lập các doanh nghiệp KH-CN.
Tuy nhiên, khi chưa ban hành được chính sách tổng thể và toàn diện về sử dụng cán bộ KH-CN, thì để tạo môi trường làm việc tốt cho cán bộ KH-CN, Nhà nước cần tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho một số viện nghiên cứu và phát triển trọng điểm đạt mức tương đương các cơ sở ở nước ngoài, để thu hút các nhà khoa học trong nước và quốc tế đến làm việc.
Việc thực hiện các giải pháp trên, có thể tạo tiền đề mang tính đột phá để khuyến khích các nhà khoa học sáng tạo ra sản phẩm khoa học có giá trị và hiệu quả cao hơn.
“PGS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM cho biết: đề án “Đổi mới cơ chế và chính sách nhằm phát huy lực lượng KH-CN ở thành phố và người Việt Nam ở nước ngoài” nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà khoa học phát huy tài năng trí tuệ và họ sẽ được hưởng lợi ích tương xứng với giá trị lao động. Theo đề án, chuyên gia Việt kiều sẽ hưởng lương từ 1.100-1.500 USD/tháng, chưa kể chi phí đi lại, ăn ở…; mức lương dành cho chức danh viện trưởng hoặc viện phó đối với các nhà khoa học là Việt kiều làm việc bán thời gian từ 2-3 tháng/năm là 25 triệu đồng/tháng, chưa kể các chi phí hỗ trợ khác như vé máy bay, khách sạn lưu trú…”. |
HÂN NGỌC - HỮU BẰNG