Đối phó bệnh lở mồm long móng ở Bình Chánh-Ngưng nuôi đàn heo mới

Đối phó bệnh lở mồm long móng ở Bình Chánh-Ngưng nuôi đàn heo mới

Chiều 3-2, làm việc với các báo đài TPHCM về việc bệnh lở mồm long móng (LMLM) xuất hiện trên đàn heo ở xã Vĩnh Lộc B huyện Bình Chánh, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y TP Huỳnh Hữu Lợi cho biết, đang chờ ý kiến của huyện về việc hỗ trợ những hộ nuôi heo bị bệnh phải tiêu hủy hoặc bán sớm, nhưng quan điểm TP là không để người chăn nuôi bị thiệt.

Đối phó bệnh lở mồm long móng ở Bình Chánh-Ngưng nuôi đàn heo mới ảnh 1

Tiêu hủy heo bị bệnh lở mồm long móng tại xã Vĩnh Lộc B huyện Bình Chánh TPHCM.
Ảnh: C.C.T.Y.

Trước đó, ngày 25 và 26-1, Chi cục Thú y TP phát hiện heo nuôi tập trung tại ấp 3 xã Vĩnh Lộc B huyện Bình Chánh bị nhiễm bệnh LMLM. Đa số heo con này khoảng 12 - 15kg/con (heo choai), được vận chuyển bằng xe khách từ các tỉnh miền Trung, không khai báo để kiểm dịch, không chấp hành tiêm phòng.

Chính quyền địa phương cho biết, bên cạnh những trại nuôi heo của người dân tại chỗ, khoảng 5 năm nay, ở ấp 3 xuất hiện nhiều trại nuôi của dân nhập cư từ các tỉnh miền Trung vào thuê đất nông nghiệp để nuôi heo và số hộ thuê đất tăng dần lên qua từng năm, hình thành một khu vực nuôi heo tập trung tự phát khá quy mô, nhưng môi trường tại khu vực ngày càng bị ô nhiễm, do nước thải và các phế phẩm khác đều thải trực tiếp ra ngoài, không đảm bảo vệ sinh dịch tễ và vệ sinh thú y.

Nhiều trường hợp, chính quyền địa phương mời lên làm việc 4 - 5 lần để tiêm phòng và kiểm soát nhưng nhiều hộ vẫn không chịu lên khai báo. Theo số liệu của Chi cục Thú y TP, khu vực này có 196 hộ nuôi 11.110 con heo các loại, trong đó, 79 hộ nuôi là dân tạm cư, thuê đất, dựng lán trại nuôi theo kiểu vỗ béo để bán là 7.819 con. 19/79 hộ này có heo bị bệnh LMLM phải xử lý (tiêu hủy) 1.247 con, số còn lại khuyến cáo bà con bán để giảm đàn, nhằm hạn chế lây lan và thiệt hại, nhưng việc tiêu thụ rất khó khăn.

Trước tình trạng này, Chi cục Thú y TP giới thiệu một số doanh nghiệp đến mua cho bà con như: Xí nghiệp Chế biến Thực phẩm Nam Phong (Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn), Công ty VISSAN, và các doanh nghiệp tư nhân… nhưng chỉ có Công ty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ đồng ý mua.

Giải thích vì sao giá mua heo hơi của công ty lại thấp hơn giá hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước (10.000 đồng/kg) và giá thị trường hiện nay khoảng 18.000 – 19.000 đồng/kg, ông Châu Nhựt Trung, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Huỳnh Gia Huynh Đệ cho rằng, mua heo về giết mổ, một phần chế biến, nhưng phần lớn là cấp đông, dự trữ trong kho. Riêng phần cấp đông đã là 3.000 đồng/kg, tiền lưu kho cũng đã vài ngàn đồng/kg, nên giá thành đã lên gần bằng giá thị trường.

Trong khi đó, heo nuôi tại khu vực này đa số là heo giống địa phương (nạc ít, mở nhiều), đủ kích cỡ (từ 11 kg/con đến 187 kg/con). Trong những ngày qua, công ty mua vào gần 1.000 con, nhưng đã tạm ngưng do có dư luận như trên. Hậu quả, những người nuôi tại đây như ngồi trên đống lửa, vì không bán được thì nguy cơ lây lan rất lớn, do heo mới tiêm phòng, nên hiệu lực vaccine chưa có (phải sau 14 - 21 ngày). Hiện nay, số hộ nuôi bị tái nhiễm lần 2 - 3 xảy ra khá nhiều.

Trước tình trạng này, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh LMLM huyện Bình Chánh chỉ đạo, khu vực này không được nhập heo nuôi mới, chấm dứt nuôi sau khi xuất bán hết đợt này, rà soát tất cả những hộ tạm cư và tổng đàn còn lại. Những hộ có heo bị nhiễm LMLM tiêu độc khử trùng liên tục 3 ngày sau khi xử lý, những hộ chưa bị tiêu độc khử trùng 1 lần/tuần…

Về việc hỗ trợ, Chi cục Thú y TPHCM cho biết, TP không phân biệt chính sách hỗ trợ dù là dân tại chỗ hay dân nhập cư, và trong hoàn cảnh nào cũng không để người chăn nuôi bị thiệt, nhất là những hộ chấp hành tốt các quy định về khai báo, tiêm phòng và vệ sinh thú y.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục