Đối phó dịch sởi

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh dịch sởi, ngày 8-2, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã phát đi công văn khẩn đề nghị các địa phương khẩn trương vào cuộc ngăn chặn. Hiện bệnh dịch sởi đã thật sự thành dịch và nhiều bậc cha mẹ đang bắt đầu lo lắng đưa con đi chích ngừa.

(SGGP).- Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh dịch sởi, ngày 8-2, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã phát đi công văn khẩn đề nghị các địa phương khẩn trương vào cuộc ngăn chặn. Hiện bệnh dịch sởi đã thật sự thành dịch và nhiều bậc cha mẹ đang bắt đầu lo lắng đưa con đi chích ngừa.

Sáng 8-2, khu khám bệnh trẻ em lành mạnh và chích ngừa dịch vụ của Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 TPHCM vẫn quá tải như mọi ngày. Số trẻ dưới 2 tuổi đến khám bệnh khá đông. Trong đó, có nhiều phụ huynh tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần để đưa con đi chích ngừa. Trong sáng 8-2, khoa dịch vụ khám bệnh trẻ lành mạnh và chích ngừa BV Nhi đồng 2 cho biết đã chích gần chục mũi vaccine ngừa dịch sởi. Theo thống kê của BV Nhi đồng 2, từ đầu năm 2014 đến ngày 7-2 đã tiếp nhận hơn 50 ca mắc dịch bệnh sởi, trong khi cả năm 2013 chỉ có 23 ca.

Tương tự, tại các BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, BV Nhi đồng 1, cũng ghi nhận nhiều trường hợp mắc sởi từ đầu 2014 đến nay, tăng bất thường so với các năm 2013, 2012. Theo báo cáo của Viện Pasteur TPHCM, từ đầu năm đến 5-2, TPHCM đã có 138 trường hợp có biểu hiện sốt phát ban dạng sởi và có một số trường hợp xét nghiệm dương tính với sởi. Những quận, huyện ở TPHCM có ca mắc sởi nhiều (10 ca trở lên) là các quận 6, 8, 10, 11, 12, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh.

Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương và Viện Pasteur TPHCM, từ đầu năm đến ngày 5-2 đã ghi nhận các trường hợp có biểu hiện sốt phát ban dạng sởi và có một số trường hợp xét nghiệm dương tính với sởi tại Hà Nội (30 trường hợp), TPHCM (138 trường hợp), tỉnh Yên Bái (253 trường hợp, 1 trường hợp tử vong), tỉnh Lào Cai (120 trường hợp) và tỉnh Sơn La (80 trường hợp). Nguyên nhân chủ yếu là do các trẻ em chưa được tiêm vaccine phòng bệnh sởi hoặc chưa được tiêm đầy đủ hay đúng lịch. Dịch bệnh đang có nguy cơ lan rộng và có xu hướng diễn biến phức tạp vì hiện đang là mùa đông xuân với thời tiết lạnh ẩm thuận lợi cho sự phát triển của bệnh và sự gia tăng giao lưu đi lại, tiếp xúc trong thời gian sau Tết Nguyên đán.

Trước diễn biến bất thường của bệnh dịch sởi, hôm qua 8-2, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu đã có công văn khẩn gửi giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố đề nghị triển khai khẩn trương các biện pháp phòng chống dịch bệnh sởi. Theo đó, Cục Y tế dự phòng đề nghị giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình, diễn biến của dịch bệnh sởi, tổ chức điều tra và xử trí ổ dịch nhằm phát hiện sớm, tổ chức cách ly điều trị các trường hợp mắc bệnh. Tiến hành phân tích dịch tễ học, nhận định tình hình diễn biến của dịch bệnh, điều tra về tiền sử tiêm phòng bệnh sởi để báo cáo kịp thời, phản ánh đúng tình hình diễn biến bệnh dịch sởi, xác định nhóm đối tượng nguy cơ cao để áp dụng các biện pháp khống chế không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trên diện rộng. Các trường hợp mắc sởi cần được tư vấn, cách ly điều trị phù hợp, đặc biệt tránh để xảy ra biến chứng gây tử vong.

Ngày 8-2, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, cho biết, trong những tuần gần đây, các cơ sở y tế của Hà Nội liên tục ghi nhận nhiều trường hợp sốt phát ban nghi sởi, tính từ 1-1 đến 6-2 đã phát hiện 98 trường hợp, trong đó có 30 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với sởi.

Như vậy, sau 3 năm không có dịch, bệnh sởi đã xuất hiện trở lại trên địa bàn Hà Nội. Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng, số bệnh nhân sởi được phát hiện từ tháng 12-2013 đến nay đã lên tới 40 trường hợp, bệnh nhân phân bố rải rác ở 36 phường của 9 quận nội thành, chủ yếu là lứa tuổi trẻ em dưới 5 tuổi (78%) trong đó trẻ em dưới 1 tuổi chiếm 57,5%, trường hợp nhỏ nhất là 6 tháng tuổi và lớn nhất là 31 tuổi. Trong số bệnh nhân mắc sởi thì có đến 40% chưa được tiêm vaccine phòng sởi và 12,5% trước đó đã được tiêm 1 mũi vaccine phòng sởi trước 1 tuổi. Các trường hợp còn lại chủ yếu là người lớn không rõ tiền sử tiêm chủng.

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi trung ương vào ngày 8-2 cho thấy, bệnh nhân đến điều trị khá đông. Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, cho biết, từ tháng 1-2014 đến nay, bệnh nhân sởi đến điều trị tại khoa tăng đột biến. Khoa đã tiếp nhận điều trị 67 bệnh nhân sởi có biến chứng viêm phổi, suy hô hấp. Hiện tại khoa vẫn đang điều trị 43 bệnh nhân sởi biến chứng. Đặc biệt có nhiều bệnh nhân dưới 9 tháng tuổi, chưa đến độ tuổi tiêm chủng, bị mắc sởi. Đây là điều bất thường trong diễn biến bệnh sởi năm nay.

Theo Bộ Y tế, tiêm vaccine sởi là biện pháp tốt nhất chủ động phòng bệnh sởi. Để phòng bệnh có hiệu quả, trẻ cần được tiêm 2 mũi. Mũi thứ nhất được tiêm khi trẻ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai được tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi. Nếu trẻ được tiêm một mũi lúc 9 tháng tuổi, chỉ có 80% - 85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ được tiêm thêm mũi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90% - 95%. Sau khi mắc sởi xong hoặc sau khi được tiêm đủ 2 mũi vaccine theo lịch tiêm chủng thì có miễn dịch có thể bền vững suốt đời.

TƯỜNG LÂM - TRUNG PHAN

>> Chủ động phòng chống dịch bệnh do cúm A(H7N9)

Tin cùng chuyên mục