Đối phó

Sau nhiều năm cải cách thủ tục hành chính, đến nay người dân và doanh nghiệp đã ghi nhận những chuyển biến tích cực tại TPHCM. Giờ đây, người dân đến trụ sở nhà nước để làm các thủ tục hành chính đã được nhân viên tiếp đón hòa nhã, nhiệt tình hơn.

Đáng nói, hàng trăm thủ tục hành chính lỗi thời gây phiền hà dân đã được UBND TP, các sở ban ngành và chính quyền các cấp mạnh dạn bãi bỏ nhằm từng bước đơn giản hóa thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho dân.

Nhiều nơi còn thực hiện phương pháp giải quyết thủ tục hành chính qua mạng để hạn chế tình trạng quá tải tại các trụ sở, giúp người dân không phải đi lại nhiều lần. Nhờ vậy, tỷ lệ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đã từng bước tăng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh tín hiệu đáng mừng này, gần đây người dân và doanh nghiệp vẫn còn than phiền về tình trạng đối phó về thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

Một người dân ở quận Phú Nhuận phản ánh: “Theo quy định, thời gian cấp giấy phép xây dựng khoảng 30 ngày; thời gian hợp thức hóa nhà đất cũng 30 ngày nhưng thực tế hiện nay có khi phải tốn thời gian tới gần 3 tháng mới xong! Lý do là cứ đến gần ngày hẹn trả hồ sơ, nhân viên lại thông báo là thiếu giấy tờ này, thủ tục kia và yêu cầu người dân phải bổ sung hồ sơ.

Sau mỗi lần bổ sung như vậy, coi như phải hẹn lại từ đầu, tức là phải đợi tiếp đến 30 ngày sau mới có kết quả. Nếu lần sau “thuận buồm xuôi gió” không có gì để nói, chứ nếu lại được tiếp tục thông báo bổ sung hồ sơ sẽ bị kéo dài thêm 30 ngày, thậm chí không biết đến bao giờ mới… kết thúc có hậu! Những ai không may bị bổ sung hồ sơ tới ba lần coi như mất 3 tháng mới xong việc.

Trước cảnh này, không ít người vì bận việc và sợ bị hành đành phải bỏ tiền ra thuê “cò” làm giùm. Đáng lẽ, khi tiếp nhận hồ sơ, nhân viên nên xem xét kỹ để nhắc người dân bổ sung giấy tờ ngay từ đầu, tránh tình trạng gần hết hạn, mới thông báo bổ sung khiến người dân phải chờ quá lâu và phải đi lại nhiều lần…”.

Theo người dân và doanh nghiệp, hiện nay tình trạng đối phó bằng thời gian dây thun đã và đang được áp dụng khá phổ biến ở nhiều nơi, từ cấp sở ngành TP đến các quận huyện, phường xã. Bởi lẽ, cách đối phó này xem ra có vẻ hợp pháp, hợp lệ vì khi người dân than phiền, cấp trên rất khó phê bình nhân viên vì họ viện lý do rất chính đáng là: “Quy định như vậy nên không thể xé rào…”.

Suy cho cùng, bất cứ công việc gì muốn thành công mỹ mãn đều phụ thuộc vào con người. Ngược lại, dù nhà nước có những chủ trương chính sách hợp lòng dân nhưng những cán bộ, nhân viên trực tiếp thực thi vẫn cố tình tìm cách… lách luật, gây phiền hà người dân thì chủ trương nhà nước dù đúng vẫn bị lực cản khiến chủ trương chậm đi vào cuộc sống, gây giảm sút niềm tin. 

MINH YẾN

Tin cùng chuyên mục