Đời sống mới, con người mới

Sau khi triển khai thành công tại 11 xã thí điểm, hiện nay chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đang được Đảng và Chính phủ phát động rộng rãi ra cả nước. Điều đó thể hiện quyết tâm to lớn của Đảng và Nhà nước ta như mục tiêu đã đặt ra đến năm 2015, cả nước có 20% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới, đến năm 2020 là 50%.

Bắt đầu thực hiện từ năm 2009, bên cạnh các xã được Ban Bí thư chọn làm thí điểm thì 2 năm qua, các địa phương cũng chọn ra các xã để triển khai mô hình nông thôn mới. Mặc dù hiện nay, nhiều nơi vẫn còn khó khăn, bỡ ngỡ với những câu hỏi như nguồn vốn cho các dự án huy động từ đâu, nên đầu tư hạng mục nào, thế nào là xây dựng nông thôn mới... song phần lớn ở các xã điểm được chọn, bộ mặt làng quê đã lột xác hẳn chỉ sau những năm đầu thực hiện.

Không chỉ cảnh quan xóm làng, điện đường trường trạm, nói chung cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang, đẹp đẽ hơn trước rất nhiều mà cả nhận thức, cách nghĩ về nông thôn mới, tư duy làm giàu cũng như đời sống tinh thần của người nông dân giờ đây cũng thay đổi hẳn.

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về chương trình xây dựng nông thôn mới, mục tiêu của phong trào xây dựng nông thôn mới là để xây dựng một bức tranh quê hoàn toàn mới mẻ, phát triển nông thôn Việt Nam toàn diện theo hướng hiện đại.

Còn TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và Phát triển nông nghiệp, nông thôn thì cho rằng, nông thôn là hậu phương của đô thị. Một quốc gia muốn phát triển không thể chỉ coi trọng khu vực đô thị mà phải đi bằng hai chân, đó là phát triển đô thị hiện đại bên cạnh xây dựng hậu phương nông thôn vững chắc, đẹp giàu, giữ gìn bản sắc dân tộc. Đó cũng chính là tinh thần, mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng nông thôn mới, về nông nghiệp, nông dân nông thôn đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết 26/NQ-TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7.

Cũng vì lẽ đó, hiện nay bên cạnh phong trào cả nước cùng thi đua xây dựng nông thôn mới, còn hàng loạt chương trình mục tiêu quốc gia, đề án có giá trị nhân văn sâu sắc, có liên quan tới “tam nông” như đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, thí điểm thực hiện đề án bảo hiểm nông nghiệp cho người nông dân và hàng chục chương trình, đề án khác có liên quan tới nông dân, nông thôn đã và đang được Đảng và Chính phủ đẩy mạnh. Trong đó, đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, mục tiêu đặt ra mỗi năm sẽ đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn, trang bị “cần câu” cho người nông dân chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, cây trồng, tự nâng cao thu nhập, đề án này kéo dài đến năm 2020. Cùng đó, đề án bảo hiểm nông sản cho người nông dân, với cách làm hoàn toàn mới so với trước, bắt đầu triển khai từ 1-7-2011. Theo đó, những hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ tới 80% - 100%, còn hộ nông dân nói chung được hỗ trợ 60% phí bảo hiểm, để giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp... đều là những cách tiếp sức cho người nông dân xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần.

Hàng loạt chương trình đầu tư quy mô cùng các chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước cho nông thôn, bằng những cách làm cụ thể, đã làm người dân tin tưởng đặc biệt vào chủ trương, đường lối đúng mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Sự đổi thay ở các làng quê đang thể hiện tinh thần của Nghị quyết của Trung ương về vấn đề “tam nông” dần thành hiện thực, mang lại lợi ích to lớn cho người nông dân. Chắc chắn rằng, từ việc thực hiện thành công các mục tiêu của nghị quyết về “tam nông”, bức tranh làng quê Việt Nam sẽ được lột xác mạnh mẽ.

Phúc Hậu

Tin cùng chuyên mục