Đổi thay ở xã nông thôn mới

Từ xóa nghèo sang làm giàu
Đổi thay ở xã nông thôn mới

Để xây dựng được một nền nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững, TPHCM đã quyết định đưa 6 xã ngoại thành thí điểm xây dựng nông thôn mới. Phát huy nguồn lực của cộng đồng, cùng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, diện mạo nông thôn mới đang làm thay da đổi thịt vùng nông thôn ngoại thành…

Ông Xuân mạnh dạn cải tạo 3.400m² vườn tạp để trồng 15.000 cây lan cắt cành. Ảnh: A.CHÂN

Ông Xuân mạnh dạn cải tạo 3.400m² vườn tạp để trồng 15.000 cây lan cắt cành. Ảnh: A.CHÂN

Từ xóa nghèo sang làm giàu

Đến xã nông thôn mới Tân Nhựt (Bình Chánh) - một trong 5 xã thí điểm thực hiện nông thôn mới của TPHCM - ngoài sự thay đổi về hạ tầng cơ sở, đời sống người dân nơi đây không những đã thoát nghèo mà nhiều hộ đã vươn lên làm giàu trên mảnh đất của mình. Hầu hết các trục đường chính tại các xã đều đã được nhựa hóa, bê tông hóa. Đây là thành quả của phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó người dân đã tự nguyện đóng góp hàng chục tỷ đồng cùng hàng ngàn mét vuông đất để làm đường giao thông nông thôn.

Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt Nguyễn Tấn Tuyến phấn khởi cho hay, dù chỉ mới đạt được 5/19 tiêu chí về nông thôn mới, nhưng đối với xã nghèo Tân Nhựt, diện mạo nông thôn mới đã hình thành. Từ xuất phát điểm là một trong 20 phường, xã nghèo nhất của TPHCM, đến nay nhiều hộ trong xã không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu với thu nhập vài trăm triệu đồng/năm.

Bà Phạm Thị Năm ngụ ấp 3, một trong những nông dân mạnh dạn chuyển đổi gần 6.000m² đất trồng lúa thu nhập thấp sang nuôi heo - cá. Bà Năm hiện có 2 dãy chuồng để nuôi heo nái và heo thịt cùng với 3 ao cá (1.000m²/ao) để nuôi cá nước ngọt các loại, tận dụng nguồn phế thải từ nuôi heo để giảm chi phí đầu tư. Mô hình này không những tạo công ăn việc làm cho những lao động trong gia đình mà còn cho thu nhập cả trăm triệu đồng/năm. Nguồn phân heo còn được tận dụng làm khí gas sử dụng hàng ngày. Cũng với mô hình nuôi heo kết hợp nuôi cá, hộ bà Trần Kim Thành cũng cho thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Hay với mô hình trồng rau nuôi cá, hộ ông Trần Văn Nghĩa, ngụ ấp 2, đã mạnh dạn chuyển đổi 3 công ruộng lúa thành 260m² để thả cá, phần đất còn lại được lên thành 45 giồng để trồng cải ná, khổ qua, ớt, cà chua, đã cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. “Từ chỗ một năm một vụ lúa, thu nhập bấp bênh không đủ ăn, hiệu quả trồng rau, nuôi cá cho thu nhập cao gấp 10 lần trồng lúa” - ông Nghĩa phấn khởi.

“Các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn hiện nay cho hiệu quả rất cao so với trồng lúa trước đây. Nếu như mỗi hécta lúa bình quân chỉ cho thu nhập khoảng 26 triệu đồng/năm, hiện nay mỗi hécta sau khi chuyển đổi cho thu nhập bình quân 66,5 triệu đồng/năm, đặc biệt có những mô hình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Hiện tại, xã đang thực hiện trồng lúa cao sản, trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap và liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm rau. “Nếu như trước đây lãnh đạo xã chỉ tập trung giúp dân xóa nghèo thì nay sát cánh cùng dân làm giàu” - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Nhựt Trần Ngọc Dung bộc bạch.

Đổi thay Tân Thông Hội

* Theo bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, 19 tiêu chí bao gồm: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư, thu nhập bình quân đầu người/năm, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và an ninh, trật tự xã hội. Tính đến hết tháng 12-2010, tiến độ xây dựng 6 xã nông thôn mới tại TPHCM đạt được như sau: xã Tân Thông Hội (Củ Chi) đạt 14/19 tiêu chí; xã Thái Mỹ (Củ Chi) và xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn) đạt 10/19 tiêu chí; xã Nhơn Đức (Nhà Bè) đạt 7/19 tiêu chí; xã Tân Nhựt (Bình Chánh) đạt 5/19 tiêu chí và xã Lý Nhơn (Cần Giờ) đạt 7/19 tiêu chí.

Về Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) vào những ngày cuối năm, chúng tôi được đi trên những con đường nhựa phẳng lì, trong đó có tuyến còn thơm mùi nhựa, hai bên đường nhà cửa mới mọc lên cùng với hệ thống điện - đường - trường - trạm được xây hoàn chỉnh, tạo nên bộ mặt khang trang cho một vùng quê cách trung tâm thành phố hơn 50km. Theo ông Trần Văn Chí, Chủ tịch UBND xã Tân Thông Hội, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện xã nông thôn mới, đến nay trong 19 tiêu chí đề ra, xã đã đạt 14 tiêu chí (quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, bưu điện, nhà ở, hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức sản xuất, y tế, văn hóa, môi trường, hệ thống chính trị, an ninh xã hội), phấn đấu sang năm 2011 sẽ hoàn thành tất cả các tiêu chí. Về hạ tầng kinh tế - xã hội đến nay xã đã có 49 công trình được triển khai, đã hoàn thành được 19 công trình giao thông, thủy lợi; đưa vào sử dụng 3 công trình trường học.

Kinh phí dành cho hạ tầng của xã Tân Thông Hội đến nay đạt trên 128 tỷ đồng, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 177 triệu đồng/ha (bình quân hộ nông nghiệp ngoại thành 128 triệu đồng/ha/năm). Thu nhập bình quân đầu người (do Cục Thống kê TPHCM khảo sát tháng 6-2010) là 24,2 triệu đồng/người/năm, tăng 35,9%, so cùng kỳ năm 2009 (17,8 triệu đồng/người/năm). Nếu so với thu nhập bình quân đầu người của huyện Củ Chi (21,6 triệu đồng/người/năm) thì thu nhập bình quân đầu người của xã Tân Thông Hội gấp 1,12 lần... Xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia với 7 y, bác sĩ và 10 giường bệnh, hàng năm tổ chức khám, cấp thuốc điều trị cho gần 18.000 lượt bệnh nhân.

Chúng tôi ghé thăm mô hình trồng lan của ông Nguyễn Văn Xuân, ngụ ấp Trung. Ông Xuân là một trong những hộ mạnh dạn cải tạo 3.400m² vườn tạp để trồng 15.000 cây lan cắt cành. Đến nay, vườn lan đem lại thu nhập cho gia đình ông 14 triệu đồng/tháng. “Trước đây, tôi trồng rau quả ngắn ngày vừa vất vả, thu nhập lại bấp bênh, may nhờ được ngân hàng cho vay hơn 500 triệu đồng để chuyển sang mô hình trồng hoa lan. Đến nay, kinh tế đã ổn định, không phải thức khuya dậy sớm để lo cuộc sống hàng ngày” - ông Xuân hồ hởi.

Đến ấp Bàu Sim, nơi có nhiều gia đình làm nghề bánh tráng, trồng hoa, chăn nuôi bò thịt, bò sữa, bác Năm Châu đang có đàn bò sữa cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Theo Chủ tịch UBND xã Trần Văn Chí, tổng đàn bò sữa của xã hiện đã lên đến gần 1.400 con. Trung tâm Khuyến nông quốc gia đang hỗ trợ cho xã 100 triệu đồng để xây dựng mô hình chăn nuôi bò sữa bằng con giống tốt và trồng 2 ha cỏ cao sản. Xã cũng đang đẩy mạnh nghề sản xuất bánh tráng và bánh hủ tiếu thông qua đoàn hội giúp nhau làm kinh tế. Cho đến nay, mô hình chăn nuôi đàn bò sữa và trồng rau an toàn đã tăng nhanh và được nhân rộng.

“Chủ trương xây dựng nông thôn mới là dựa vào nội lực và do cộng đồng làm chủ, mục tiêu là nâng cao điều kiện sống cho người dân nông thôn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Trong số gần 141 tỷ đồng kinh phí thực hiện xã nông thôn mới, vốn huy động từ sức dân chiếm đến 50%” - ông Chí chia sẻ.

Nhóm PVCT

Tin cùng chuyên mục