Đờn ca tài tử - loại hình nghệ thuật được nhiều thế hệ người Việt yêu thích đang chờ được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO), công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Không chỉ ở những vùng quê sông nước, những dải cù lao cây xanh trái ngọt, không chỉ quanh quẩn ở bờ tre ruộng lúa, giờ đây đờn ca tài tử còn là nét văn hóa đặc trưng, là một trong những món ăn tinh thần ngày càng thấm đẫm với người dân chốn thị thành. PGS.TS Lê Văn Toàn, Viện trưởng Viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, cho biết “Trong quá trình xây dựng hồ sơ, chúng tôi quyết định giữ nguyên chữ “đờn” (thay vì chuyển sang đàn theo chuẩn từ điển tiếng Việt) để đảm bảo bản sắc văn hóa riêng của phương ngữ Nam bộ. Nghệ thuật đờn ca tài tử có sức sống mạnh mẽ và yếu tố “mở” theo sự phát triển của xã hội, đó chính là nét riêng đặc sắc của loại hình nghệ thuật này. Việc trình hồ sơ để UNESCO công nhận đờn ca tài tử là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại sẽ góp phần bảo tồn, phát triển loại hình văn hóa này cho muôn đời sau”.
Theo GS.TS Trần Văn Khê, từ những năm 1960, nghệ thuật đờn ca tài tử của Việt Nam đã được giới thiệu với UNESCO. GS.TS Trần Văn Khê cho hay, khoảng năm 1962 ông đã nhờ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba thu âm một đĩa đờn ca tài tử để giới thiệu với UNESCO. Năm 1963, UNESCO đã mời ông và nghệ nhân dân gian Bạch Huệ thu âm một đĩa nhạc gồm 11 bài theo thể loại đờn ca tài tử có nhan đề Viet Nam traditions of the South, được phát hành dưới thương hiệu Tuyển tập UNESCO (UNESCO Collection).
Năm 1972, một đĩa tương tự được thực hiện với phần trình tấu của GS.TS Trần Văn Khê và nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo. Ngoài ra, năm 1972, Cocora Radio France - một cơ quan truyền thông của Pháp - đã mời ông cùng nhạc sư Vĩnh Bảo và năm 1994 tiếp tục mời nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng sang thu âm hai đĩa đờn ca tài tử. Cả hai đĩa này đều nằm trong danh sách đĩa nhạc bán chạy nhất và nhận được giải Phê bình âm nhạc của Pháp ngay trong năm phát hành.
Năm 1970, thêm một “dấu ấn mới” về đờn ca tài tử được ghi dấu khi nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo được Trường Đại học Illinois mời sang Mỹ tham gia giảng dạy bộ môn âm nhạc dân tộc Việt Nam cùng với GS.TS Trần Văn Khê. Đó là chưa kể đến hàng chục chương trình giao lưu văn hóa của các nghệ nhân, các CLB đờn ca tài tử trong nước với bạn bè quốc tế, cùng hàng ngàn buổi giảng dạy, giới thiệu và biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam, nghệ thuật đờn ca tài tử của GS.TS Trần Văn Khê tại hàng chục quốc gia trên thế giới.
GS.TS Trần Văn Khê cho rằng, nghệ thuật đờn ca tài tử hấp dẫn bởi tính vừa hàn lâm vừa đại chúng, từ lâu đã được đông đảo bạn bè thế giới quan tâm tìm hiểu. Thế nên, việc trình hồ sơ đờn ca tài tử để UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là việc phải làm để bảo tồn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Chúng ta cùng chờ tin vui cho đờn ca tài tử một ngày không xa!
Minh An