Dồn sức ôn tập cho tuyển sinh lớp 10

Đầu tháng 6-2023, hơn 100.000 học sinh lớp 9 đang theo học tại các trường THCS trên địa bàn TPHCM sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập. Thời điểm hiện tại, các trường THCS khẩn trương hoàn tất chương trình học, đồng thời tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh.
Học sinh lớp 9, Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1, TPHCM) trong tiết học Ngữ văn trên lớp
Học sinh lớp 9, Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1, TPHCM) trong tiết học Ngữ văn trên lớp

Nói “không” với học tủ kiến thức

Trao đổi với PV Báo SGGP, cô Phùng Thị Ngọc Mai, giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1), cho biết, năm học 2023-2024, cấu trúc đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ văn giữ ổn định so với năm trước. Cả 3 câu hỏi của đề thi đều không yêu cầu học sinh học thuộc lòng lý thuyết nhưng đòi hỏi kỹ năng thực hành, khả năng nhận diện và phân tích văn bản.

“Một trong những lỗi khiến học sinh thường mất điểm ở môn Ngữ văn là không kiểm soát được thời gian và dung lượng bài viết cho từng câu hỏi. Vì vậy, các em cần đọc kỹ đề, xác định thời gian làm bài cho từng câu hỏi, tránh viết quá dài ở câu nghị luận xã hội nên không còn thời gian đầu tư cho câu hỏi nghị luận văn học”, cô Ngọc Mai lưu ý.

Nhiều năm trở lại đây, đề thi đổi mới theo hướng lồng ghép hình ảnh, biểu đồ, văn bản so sánh vào câu hỏi nghị luận xã hội. Học sinh cần tránh diễn xuôi lại nội dung câu hỏi mà phải đưa ra được quan điểm, liên hệ thực tế bản thân. Nhằm giúp học sinh làm quen cấu trúc đề thi tuyển sinh, ngay từ đầu năm học, cô Nguyễn Thu Hà, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Tân Bình) ra đề kiểm tra trên lớp với cấu trúc giống đề tuyển sinh. Giáo viên chủ động sưu tầm các bài báo, vấn đề thời sự đưa vào đề thi, giúp học sinh làm quen, có khả năng ứng biến khi gặp các dạng đề lạ.

Đối với môn Toán, cô Phạm Thị Thanh Thúy, Nhóm trưởng nhóm 9, môn Toán, Trường THCS Ngô Sĩ Liên, lưu ý, học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản, từ đó vận dụng công thức vào giải quyết bài toán thực tế, tránh sai các lỗi lặt vặt như sử dụng sai công thức, tính toán không cẩn thận...

Ở góc độ khác, theo cô Phạm Thị Thanh Thủy, Tổ trưởng tổ Toán, Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, học sinh thường mất nhiều thời gian khi gặp các bài toán vận dụng thực tế.

“Các em cần đọc kỹ đề, gạch chân từ khóa, dữ liệu quan trọng, từ đó tìm ra hướng giải quyết bài toán. Với các bài toán có nhiều câu hỏi nhỏ, dữ liệu của câu hỏi trước sẽ là cơ sở giải quyết câu hỏi tiếp theo. Khi đưa ra luận cứ, học sinh cần có các bước giải thích để lấy trọn số điểm của câu hỏi đó”, cô Thanh Thủy chia sẻ.

Riêng đối với môn tiếng Anh, cô Bùi Thị Trà My, Phó hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, thông tin, đề thi nhiều năm trở lại đây không quá chú trọng về ngữ pháp mà mở rộng vốn từ vựng cho học sinh. Do đó, trong quá trình dạy trên lớp, giáo viên không chỉ dạy ngữ vựng trong sách giáo khoa mà cần chủ động cập nhật từ ngữ mới theo xu hướng phát triển của xã hội - như các vấn đề về trí thông minh nhân tạo, ChatGPT, biến đổi khí hậu…

Giảm áp lực thi cử cho học sinh

Hầu hết giáo viên lớp 9 đều cho biết, học sinh lớp 9 đang trong giai đoạn phát triển nhanh về tâm sinh lý nên dễ có bất thường về tâm lý, đặc biệt là sự lo lắng, dao động khi đứng trước nhiều lựa chọn nguyện vọng tuyển sinh. Do đó, cô Bùi Thị Trà My cho rằng, giáo viên chủ nhiệm cần nắm bắt kịp thời tâm tư, tình cảm của học sinh, có kỹ năng tư vấn các vấn đề liên quan đến tuyển sinh, phối hợp tốt với phụ huynh trong việc đồng hành, tư vấn chọn nguyện vọng dựa theo năng lực của học sinh lớp 9.

Từng có nhiều năm kinh nghiệm làm công tác tư vấn, cô Phạm Thị Thanh Thủy đưa ra lời khuyên: “Trước tiên, học sinh phải xác định mục tiêu nguyện vọng của bản thân, từ đó xây dựng kế hoạch học tập phù hợp. Trong đó, các em phải kết hợp giữa học tập, nghỉ ngơi và thư giãn vì tâm lý thoải mái mới nạp được kiến thức vào đầu. Một tuần trước ngày thi, học sinh cần giãn cường độ ôn tập. Trước ngày thi 3 ngày phải thả lỏng đầu óc và trước ngày thi 1 ngày cần thư giãn tuyệt đối, tránh mang tâm lý căng thẳng bước vào phòng thi”.

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thu Hà khẳng định, để có kết quả thi tốt, các sĩ tử cần giữ tâm thế thoải mái. Bí quyết của cô giáo dạy môn Ngữ văn là hàng năm, trước khi học sinh bước vào 2 ngày thi căng thẳng, cô sẽ gửi cho các em một đoạn video clip với hình ảnh vui nhộn, lồng ghép các băng rôn cổ vũ, bài hát vui tươi như một lời chúc may mắn, tiếp thêm năng lượng tích cực cho học sinh.

Theo ông Võ Thiện Cang, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT TPHCM), năm học 2023-2024, TPHCM áp dụng hình thức đăng ký trực tuyến đối với cả nguyện vọng lớp 10 thường và lớp 10 chuyên, tích hợp. Do đó, học sinh và phụ huynh cần tham khảo các kênh tư vấn, cân nhắc lựa chọn nguyện vọng phù hợp dựa trên yếu tố năng lực học tập của bản thân và khoảng cách từ nhà đến trường, hạn chế tối đa tình trạng chuyển trường vào giữa năm học.

Năm học 2023-2024, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập duy trì cách tính điểm hệ số 1 đối với 3 môn Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ. Ngoài các nguyện vọng tuyển sinh lớp 10 thường, học sinh có thể đăng ký thêm nguyện vọng lớp 10 chuyên và tích hợp. Kỳ thi dự kiến diễn ra vào đầu tháng 6-2023.

Tin cùng chuyên mục