Đón tết trên biển Trường Sa

Những ngày Tết Ất Mùi, hàng trăm ngư dân miền Trung vẫn hướng đến vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa đánh cá. Họ đón cái tết thật đặc biệt và tràn đầy những hy vọng cho một vụ mùa năm tới…
Đón tết trên biển Trường Sa

Những ngày Tết Ất Mùi, hàng trăm ngư dân miền Trung vẫn hướng đến vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa đánh cá. Họ đón cái tết thật đặc biệt và tràn đầy những hy vọng cho một vụ mùa năm tới…

Đi biển ngày tết

Sáng mùng 2 Tết, cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) - cảng cá sầm uất, lớn nhất nhì miền Trung - vẫn nhộn nhịp không kém ngày thường là mấy. Những con thuyền lớn từ biển đổ về mang theo tôm cá. Trên bờ, những chiếc thuyền số hiệu Trường Sa hàng trăm mã lực đã tất bật chuẩn bị nhu yếu phẩm vươn khơi.

Từ giữa khoang thuyền tàu cá KH-929179TS, ngư dân, thuyền trưởng Bùi Thanh Lợi (phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang) đang nhanh tay thu xếp các phần lưới vào giữa khoang tàu để chuẩn bị nhổ neo. Tàu cá KH-929179TS có công suất 460CV, chuyên làm nghề lưới rê tại vùng biển Trường Sa. Cũng như nhiều anh em khác, anh Lợi đã có cả chục cái tết trên biển. Anh tâm sự, đón tết trên biển nhiều cũng thành quen. Chuyến này, tàu cá anh dự định đi 15 ngày, ít hơn ngày thường khoảng 5 - 7 ngày vì những ngày sau tết giá hải sản thường cao hơn ngày thường nên tàu rút ngắn thời gian đi biển, sớm quay lại bờ cung ứng hải sản.

Ngư dân chuẩn bị nhu yếu phẩm ra khơi đầu xuân.

Tục đi biển đầu năm đã có từ xa xưa. Nhưng đi biển đầu năm, không chỉ có nỗi niềm xa gia đình trong những ngày tết cổ truyền, mà những chủ tàu lẫn ngư dân có thêm bội lần lo toan. Chuyến biển đầu xuân năm nay, tàu cá của ngư dân Nguyễn Văn Bảy (Phước Đồng, TP Nha Trang) ra khơi muộn hơn các tàu cá khác do không kiếm đủ bạn thuyền (lao động biển). Vậy nên, tàu cá 900CV của ông bình thường có ít nhất 12 lao động nhưng chuyến đầu năm chỉ có 8 lao động.

Ông Bảy tâm sự rằng, để có lao động đi biển trong mấy ngày đầu năm, các chủ tàu nghĩ ra đủ cách để “hút” lao động. Ngoài những cách chào mời hấp dẫn bấy lâu nay, những năm trở lại đây, các chủ tàu còn nghĩ ra cách lì xì đầu năm cho các lao động. Tiền lì xì ít hay nhiều thường là thước đo để có được lao động nhiều hay ít. “Những ngày đầu năm, có rất nhiều chủ tàu cần lao động nên lao động rất hiếm, chủ tàu cạnh tranh nhau. Vậy nên, từ đây cũng xuất hiện khái niệm trong giới chủ tàu là chuyện cạnh tranh lì xì đầu năm”, ông Bảy cười cho biết trước khi tàu nhổ neo.

Tết ở vùng biển chủ quyền Việt Nam

Lớn lên cùng biển, đã có 14 lần đón tết trên biển nên đối với ngư dân Dương Văn Phú (cảng Hòn Rớ, TP Nha Trang), mùa xuân thứ 15 trên biển như là chuyện đương nhiên. Tàu cá do anh Phú làm thuyền trưởng có công suất 450CV, với 8 lao động hiện có và anh sẽ lênh đênh trên biển 25 ngày để câu cá ngừ đại dương. Tôi hỏi, sao năm nào anh cũng chọn ngày đầu xuân để đi biển?

Anh Phú cho biết, tục đi biển đầu năm của cha ông truyền lại từ xưa. Cái khác nữa là những chuyến biển đầu năm thường được gọi là chuyển “mở biển”, nếu thuận lợi thì cả năm đó làm nghề suôn sẻ, nếu không phải tính chuyển đổi nghề khai thác. Nhưng đối với anh Phú, kinh nghiệm 14 lần đón xuân trên biển từ trước đến nay, chuyến biển nào tàu cá của anh cũng thành công, có lãi khá nên chẳng có lý do gì năm nay anh không đi biển ngày đầu xuân. Tàu anh Phú vừa nhổ neo, chiếc máy liên lạc Icom trên boong tàu liên tục nhận được lời hỏi thăm của nhiều đồng nghiệp khác từ vùng biển Trường Sa vọng về.

Đối với ngư dân, có nhiều lý giải cho việc đi biển đầu xuân. Nhưng đối với ngư dân Mai Thành Phúc, Ngư đội trưởng Ngư đội Trường Sa Lớn, người có hơn 40 năm lấy biển Trường Sa làm nhà thì thật đặc biệt.

Ông Phúc cho biết đối với ngư dân Việt, biển Trường Sa thật đặc biệt và thiêng liêng. Vùng biển Trường Sa là nơi cho họ những con tôm, con cá, là nơi cho họ miếng ăn để sinh tồn. Vậy nên, mỗi khi ngư dân hiện diện trên biển, khi lá cờ Tổ quốc tung bay thì tấc biển được vẹn toàn, họ giữ được miếng ăn. Bởi thế mà từ xưa đến nay, dù ngày tết hay ngày lễ lớn, ngư dân đều muốn hướng đến Trường Sa. “Biển Trường Sa là mái nhà chung, họ mong muốn ngôi nhà chung luôn có bóng chủ nhà dù trong khoảnh khắc nào”, ông Phúc bày tỏ.

Những chiếc tàu cá mang số hiệu Trường Sa lần lượt xuất bến với tràn đầy hy vọng và cả những vấn vương của người ở lại đất liền đón tết. Xa xa, những chiếc tàu cá khác cũng đang hướng vào đất liền, mang theo con tôm con cá từ Trường Sa.

VĂN NGỌC

Tin cùng chuyên mục