Nỗi lo tiếp tục dồn lên ĐBSCL khi đang trải qua một mùa lũ với nhiều hình thái cực đoan mới. Đỉnh lũ năm 2018 chưa phải là cao so với những trận lũ lịch sử trước đây, nhưng lũ kết hợp triều cường gây thiệt hại khá nhiều cho vùng hạ nguồn.
Nỗi lo vỡ đê bao
Những ngày cuối tháng 10-2018, các tỉnh ĐBSCL đang đối diện với đợt triều cường lớn nhất trong 40 năm qua. Ở vùng hạ nguồn, triều cường dâng cao bất thường và lan ngược đến vùng đầu nguồn. Mức độ rủi ro do triều cường ngày càng lan rộng. Hàng chục vụ vỡ đê nước tràn vào nhiều vùng sản xuất, khu dân cư ở Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng… Lũ kết hợp triều cường đã tạo ra “một cơn hồng thủy” gây hốt hoảng cho hàng chục ngàn người dân từ vùng đầu nguồn Đồng Tháp đến các tỉnh hạ nguồn như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ.
Tại Vĩnh Long, mọi chuyện tồi tệ hơn. Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh này, nước lũ kết hợp với triều cường đã làm cho 145 bờ bao bị tràn, 31 bờ bao bị vỡ, 55 đập bị tràn và hơn 30 đập bị vỡ. Ước thiệt hại cho các công trình thủy lợi, vườn cây ăn trái… là gần 5 tỷ đồng. Tại Hậu Giang, gần 100ha mía bị mất trắng, gần 2.000ha mía đang thiệt hại từng ngày nếu thu hoạch không kịp. “Chúng tôi rất chia sẻ với bà con trồng mía ở huyện Phụng Hiệp bị thiệt hại do ngập lũ. Chính quyền và các nhà máy đường đang thực hiện nhiều giải pháp để kịp thời hỗ trợ nông dân vượt qua khó khăn”, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, chia sẻ. Theo ông Đồng, dù đã triển khai hệ thống đê bao chống lũ nhưng một số diện tích chưa khép kín nên bị ngập. Tới đây, tỉnh này sẽ triển khai thêm các công trình thủy lợi để bảo vệ cây mía cho nông dân Phụng Hiệp.
Triều cường cũng gây nên cảnh nhiều đoạn trên quốc lộ 1 đi qua địa phận tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng bị nước tràn qua tuyến quốc lộ huyết mạch. Nhiều đoạn người dân phải dùng xe tải để “cõng” mô tô qua nước ngập. Tại một số địa phương hạ nguồn, nhiều đô thị như TP Cần Thơ bị ngập nước nặng vào sáng sớm và chiều tối. Có nơi, người dân phải dùng xuồng đi lại. Đây được xem là “cơn hồng thủy” lịch sử trong hàng chục năm qua ở vùng hạ nguồn ĐBSCL.
Chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm
Vỡ đê bao và sạt lở là 2 nỗi lo của người dân ĐBSCL khi đối diện với đợt triều cường trong vài ngày tới. Các chuyên gia nhận định: Sạt lở ở các sông ĐBSCL thường lớn hơn so với các khu vực khác do địa hình, địa chất... Nguyên nhân sạt lở tràn lan ở ĐBSCL được Tổng cục Phòng chống thiên tai chỉ ra là việc xây dựng các công trình hạ tầng, nhà ven sông và ven biển gia tăng; các tuyến đê bao, bờ bao xây dựng không có quy hoạch đã thu hẹp không gian trữ, thoát lũ (nhất là đê bao làm lúa vụ 3).
Trong khi đó, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cảnh báo, tốc độ sụt lún của ĐBSCL hiện từ 2 - 4cm/năm, chủ yếu tại các khu vực thấp vùng ven biển. Đáng lưu ý, quá trình sụt lún với tốc độ ngày càng nhanh. Khu vực bán đảo Cà Mau có tốc độ lún cao nhất, nguyên nhân là do khai thác nguồn nước ngầm quá mức. Ngoài ra, tình trạng ngập úng, xâm nhập mặn, suy thoái đất, nước ngầm… càng trầm trọng hơn trong bối cảnh sụt lún. Nhiều địa phương như Cần Thơ phải thuê các nhà khoa học để đánh giá và đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở trên sông Hậu. Tại Cà Mau, tỉnh này cũng thuê máy bay trực thăng để đánh giá tổng quan về hiện trạng sạt lở bờ sông, đê biển…
Trước tình hình cấp bách hiện nay, ĐBSCL cần có phương án, chủ động đưa ra các biện pháp như tổ chức đưa rước học sinh ở khu vực mất an toàn. Tập trung huy động nguồn lực, phương tiện, tiếp tục gia cố tôn cao các tuyến bờ bao, đê bao; cắm biển cảnh báo khu vực có nguy cơ sạt lở. Đặc biệt, tổ chức các chốt tuần tra, canh gác, hướng dẫn người dân, phương tiện lưu thông ở khu vực ngập sâu, nước chảy siết. Tổng cục Phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh, thành ĐBSCL chủ động di dời các hộ dân ra khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực nguy cơ sạt lở, vùng bị ngập sâu. Các bộ ngành liên quan cần phối hợp, tổng hợp nhận định về tình hình, từ đó đề xuất hướng dẫn kỹ thuật xử lý các tình huống vỡ đê bao, sạt lở bờ sông do ảnh hưởng lũ và triều cường…
Hiện nay, tình trạng sạt lở ở ĐBSCL đang lan nhanh và ngày càng phức tạp, hiện có 562 điểm sạt lở (513 điểm ven sông, 49 điểm bờ biển). Trong đó, có 55 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm trên 248km bờ sông và bờ biển. Tình trạng bồi ít, xói lở gia tăng trong 5 năm qua đã khiến diện tích rừng ở ĐBSCL giảm gần 28.387ha (từ 300.417ha xuống còn 272.030ha). Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), khuyến cáo: “Các địa phương vùng ĐBSCL cần quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở ven sông, kênh rạch; không xây dựng công trình đối với khu vực đang có diễn biến xói lở. Cần khẩn trương tổ chức xử lý cấp bách 29 dự án sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm với tổng kinh phí 1.500 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2018…”. |