Giáo viên ngày càng thiếu
Tình trạng thiếu giáo viên diễn ra ở nhiều địa phương. Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, với gần 2,3 triệu học sinh và 2.845 trường học các cấp. Do có tốc độ tăng dân số rất nhanh, mỗi năm Hà Nội ước tính tăng 40.000-60.000 học sinh, tương ứng 30-35 trường học.
Hiện Hà Nội thiếu khoảng 10.000 giáo viên các cấp. Để khắc phục tình trạng này, ngoài việc tuyển mới 608 giáo viên, nhân viên trường học qua kỳ tuyển dụng ngày 20-8 vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết ký hợp đồng với 3.112 giáo viên mầm non, tiểu học, THCS công lập và phân cấp cho các quận, huyện. Hà Nội phấn đấu tuyển dụng, ký hợp đồng phục vụ công tác giảng dạy và làm việc tại các cơ sở giáo dục trong năm học tới là khoảng 6.000 giáo viên, nhân viên.
Theo số liệu mới nhất của Bộ GD-ĐT, tính đến cuối năm học 2022-2023, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên mầm non, phổ thông. So với năm học 2021-2022, số giáo viên còn thiếu tăng thêm 11.308 người. Trong đó, giáo viên mầm non thiếu nhiều hơn do số trẻ đến trường năm học 2022-2023 tăng 132.245 trẻ so với năm học 2021-2022 (nghĩa là cần tăng thêm khoảng 5.500 giáo viên).
Cùng với đó, năm học 2022-2023, toàn quốc có 10.094 giáo viên nghỉ hưu và 9.295 giáo viên nghỉ việc. Một số nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên là: tỷ lệ giáo viên/lớp trước năm 2015 thấp; thiếu nguồn tuyển giáo viên một số môn học đặc thù; sức hút vào ngành còn hạn chế; việc tuyển dụng và tinh giản biên chế ở một số nơi còn bất cập, một số địa phương thực hiện tinh giản biên chế ở các địa phương còn cào bằng về tỷ lệ, chưa linh hoạt, cắt giảm cơ học số lượng người làm việc...
Dù thiếu như vậy, nhưng năm học 2022-2023, cả nước chỉ tuyển được 17.208 giáo viên, bằng 61% so với chỉ tiêu biên chế được giao bổ sung. Bên cạnh đó, toàn quốc còn 74.172 biên chế giáo viên được giao từ những năm trước nhưng chưa tuyển được.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, chính vì áp lực của đổi mới chương trình giáo dục và áp lực của cuộc sống (thu nhập không tăng, cơ hội việc làm rộng mở), một bộ phận không nhỏ giáo viên đã nghỉ việc, đi xuất khẩu lao động, đi làm ở các khu công nghiệp, làm tự do... Tính từ tháng 8-2020 đến tháng 8-2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông nghỉ việc, bỏ việc lên đến trên 40.000 người. Bên cạnh đó, bình quân mỗi năm khoảng 10.000 giáo viên nghỉ hưu. Đối chiếu số lượng giáo viên nghỉ việc và số lượng giáo viên được tuyển dụng cho thấy đang có sự chênh lệch lớn.
Chưa kể đến tình hình tuyển dụng ở các địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, có biên chế, có chế độ ưu đãi lại không tuyển được giáo viên môn Ngoại ngữ, Tin học, Mỹ thuật, Nghệ thuật. Một số tỉnh đồng bằng Bắc bộ dù có chỉ tiêu nhưng không tuyển được giáo viên mầm non.
Mở rộng nguồn tuyển sư phạm
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã phối hợp Bộ Nội vụ đề xuất giao bổ sung biên chế giáo viên. Trên cơ sở đề xuất, Bộ Chính trị đã có Quyết định số 72-QĐ/TW về biên chế các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026, trong đó có 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương cả giai đoạn 2022-2026; riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 102/2020/NQ-CP về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, trong đó cho phép các cơ sở giáo dục được ký hợp đồng lao động (dưới 12 tháng) đối với các vị trí việc làm là giáo viên trong phạm vi số lượng biên chế viên chức được cấp có thẩm quyền giao và theo định mức quy định để kịp thời thay thế cho số giáo viên nghỉ thai sản, nghỉ hưu theo chế độ, cũng như để bố trí giáo viên dạy buổi thứ 2 trong ngày (đối với cơ sở giáo dục dạy 2 buổi/ngày).
Cùng với đó, rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng, đánh giá và thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của các địa phương. Xây dựng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, đưa vào sử dụng, phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo của ngành từ năm 2019, làm cơ sở để tính toán số liệu thừa - thiếu giáo viên của các địa phương trên toàn quốc.
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng nghiên cứu đề xuất điều chỉnh Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cơ chế đặt hàng của địa phương cũng như hỗ trợ về sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm. Dự kiến, Nghị định 116/2020/NĐ-CP (sửa đổi) sẽ hoàn thành trong năm nay và được kỳ vọng mở rộng nguồn tuyển sư phạm.
Bộ GD-ĐT đang làm thủ tục trình Quốc hội cho phép tạm thời tuyển dụng những giáo viên theo chuẩn của Luật Giáo dục cũ. Đây được coi là biện pháp tạm thời để có nguồn giáo viên linh hoạt trong việc dạy môn Tin học và Ngoại ngữ. Bộ GD-ĐT kiến nghị các địa phương không giảm biên chế một cách cơ học; chú ý điều tiết, hạn chế cắt chỉ tiêu biên chế của giáo dục