Sau thời gian đắn đo suy nghĩ, Thomas, cậu em tôi kết thân từ những ngày đầu đặt chân lên nước Mỹ đã quyết định học đại học tại Anh thay vì chọn một trường đại học ở Boston. Hỏi lý do tại sao, Thomas trả lời muốn đi du học để tìm kiếm cơ hội lập nghiệp ở xứ sương mù.
Cũng dễ hiểu, bởi nước Mỹ bây giờ rất khó kiếm việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp tháng vừa rồi cũng còn ở mức 9%. Chi phí học đại học giờ cũng tăng, chưa kể phí sinh hoạt hàng tháng. Ấy là gia đình Thomas còn ở mức khá giả chưa phải vay nợ, chứ trên nước Mỹ nhiều sinh viên cứ bước chân vào giảng đường đại học là phải gánh trên vai một khoản nợ không nhỏ.
Xu hướng du học của sinh viên Mỹ đã nở rộ trong vài năm gần đây, nhất là sau thời kỳ nước Mỹ bị lâm vào khủng hoảng tài chính. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu giáo dục quốc tế, vào niên khóa 2009 -2010, có đến 270.000 học sinh, sinh viên Mỹ du học tại nước ngoài, tăng 4% so với giai đoạn 2008 - 2009. Số đông sinh viên Mỹ chọn nước Anh, Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Trung Quốc. Vào năm ngoái, hơn 14.000 sinh viên đã chọn đến Trung Quốc, biến quốc gia này trở thành tốp các điểm du học được lựa chọn hàng đầu tại Mỹ. Cũng có không ít sinh viên chọn du học tại Ấn Độ, Brazil, New Zealand, Ai Cập.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, xu hướng du học của sinh viên Mỹ là sự lựa chọn tất yếu trong thời kỳ toàn cầu hóa. Không chỉ có mục đích muốn tìm cơ hội cho tương lai, họ đi du học để học hỏi nền giáo dục của toàn cầu trong thế kỷ 21 đầy những thách thức, luôn có sự cạnh tranh không ngừng nghỉ giữa các nền kinh tế.
Lúc trước, điểm đến của sinh viên Mỹ thường là Ý để tìm hiểu về nghệ thuật hay Pháp để nghiên cứu về lịch sử thì nay đã có thêm nhiều quốc gia khác trong danh sách chọn lựa. Điều đó minh chứng cho việc họ đã thật sự muốn bước ra ngoài biên giới quốc gia để học hỏi thêm nhiều lĩnh vực như khoa học xã hội, quản trị kinh doanh, vật lý, khoa học và đời sống. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng kêu gọi sinh viên Mỹ nên tăng cường đi du học ở nước ngoài để không chỉ có tư duy toàn cầu mà còn đi ra toàn cầu và nghiên cứu toàn cầu.
Trong khi sinh viên Mỹ chọn du học thì số sinh viên nước ngoài đến nước này không ngừng tăng liên tục trong 5 năm qua. Vào niên khóa 2010-2011, nước Mỹ thu nhận 724.000 sinh viên quốc tế, tăng 5% so với năm học trước.
Trung Quốc dẫn đầu về số sinh viên theo học tại các trường đại học Mỹ với gần 158.000 người (chiếm khoảng 22% số sinh viên nước ngoài tại Mỹ), tiếp đến là Ấn Độ (khoảng 104.000 người) và Hàn Quốc (hơn 73.000 người). Sau nữa, phải kể đến số lượng đông đảo các sinh viên đến từ Canada, Arập Arabia Saudi và Nhật Bản. Hiện có khoảng 15.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học tại Mỹ. Các sinh viên nước ngoài đã mang lại khoản thu hơn 21 tỷ USD hàng năm cho nền kinh tế các bang của Mỹ.
Những con số kể trên cho thấy rằng, bất chấp khủng hoảng kinh tế diễn ra ở nhiều nước, dòng chảy tri thức vẫn luôn có sự chuyển động không ngừng nghỉ ở nhiều quốc gia. Trước đây, dòng chảy này hầu như chỉ xuất phát từ các quốc gia đang phát triển đổ về các quốc gia phát triển thì nay nó đã có sự rẽ hướng mà nước Mỹ lại là một ví dụ điển hình.
LÊ PHƯƠNG