Đông chưa chắc vui

Hôm qua, lần đầu tiên trong lịch sử World Cup, đội chủ nhà Nam Phi đứng trước nguy cơ bị loại khỏi giải đấu đến 90%. Một viễn cảnh u ám trước việc sân vận động vốn đang bị FIFA điều tra xem vì sao lại vắng thế, giờ có khả năng còn vắng hơn nữa.

Hôm qua, lần đầu tiên trong lịch sử World Cup, đội chủ nhà Nam Phi đứng trước nguy cơ bị loại khỏi giải đấu đến 90%. Một viễn cảnh u ám trước việc sân vận động vốn đang bị FIFA điều tra xem vì sao lại vắng thế, giờ có khả năng còn vắng hơn nữa.

Kéo theo việc chủ nhà bị loại sớm khỏi giải không chỉ là việc khán giả không đến sân mà sự hào hứng của người dân sở tại cũng mất đi. Thất bại ấy còn kéo theo một hệ lụy đáng sợ đến việc ảnh hưởng hình ảnh của các nhà tài trợ mà cụ thể là hãng Adidas đã mất đi một đại diện khoác áo của mình thi đấu ở vòng trong.

Rõ ràng nhất, cứ ra phố Tây Phạm Ngũ Lão, người ta sẽ thấy các quán xá buồn hiu vì lượng khách châu Phi (vốn chiếm 70% lượng khách, như chủ quán Bamboo Green cho hay) không còn náo nhiệt, không còn đến quán để “gáy” về đội bóng của mình nhiều nữa.

Thật ra chuyện Nam Phi được chọn làm chủ nhà của vòng thi đấu World Cup đã bị lời ra tiếng vào từ ngay khi FIFA công bố chứ chẳng phải đợi tới bây giờ. Tất nhiên, cũng có người cho rằng đây là cơ hội để bóng đá giúp một quốc gia phát triển tốt hơn… Cái lý của hai bên giờ hình như phần thắng đã rõ.

Nhưng người ta vẫn tiếp tục chỉ trích FIFA một lần nữa vì quyết định cho phép đến 32 đội bóng tham dự vòng chung kết bắt đầu từ năm 1998 khi trước đó World Cup chỉ có 24 đội bóng. Nhiều người phản đối cho rằng, FIFA muốn kéo dài hơn thời gian tổ chức vòng chung kết và muốn tạo thêm cơ hội cho các đội bóng chưa mạnh ở nhiều lục địa trong khi vòng chung kết phải là những gì tinh túy nhất.

Một lần nữa, những người phản đối hình như lại đúng vì từ đầu giải đến giờ, người hâm mộ phàn nàn liên tục với những trận đấu “thiếu muối” như kiểu “trình diễn” của New Zealand hay Slovakia. Quá ít bàn thắng, tâm lý sợ thua nhiều hơn muốn thắng đang là nét chủ đạo của giải đấu này khiến tính cống hiến ít hẳn.

Không ít người được coi là “đàn ông đích thực” đã chủ động tắt tivi đi ngủ sớm để được tiếng chiều vợ hay giải thích kiểu thể thao là “biết phân phối sức”. Người hâm mộ giờ cũng giống như “người tiêu dùng khôn ngoan”, họ tin rằng chỉ nên thức khuya sau khi vòng đấu loại kết thúc.

Hóa ra, không phải cứ đông là vui, không phải cứ nhiều là lợi. FIFA đang đứng trước câu hỏi thật sự lớn: Phải chăng đã sai lầm? 

TẤT ĐẠT

Tin cùng chuyên mục