Đỏng đảnh thị trường vàng

Kẻ được, người thua
Đỏng đảnh thị trường vàng

Tốc độ tăng giá vàng quá nhanh (hơn 20%) từ đầu năm đến nay, riêng tuần qua tăng 1,88 triệu đồng/lượng, đã tác động mạnh đến giá nhà đất và nhiều kênh đầu tư sinh lợi khác. Trong số những người dựa vào vàng cũng có kẻ lợi người thiệt.

Giá vàng tăng ảnh hưởng tới giá các mặt hàng thực phẩm. Ảnh: CAO THĂNG

Giá vàng tăng ảnh hưởng tới giá các mặt hàng thực phẩm. Ảnh: CAO THĂNG

Kẻ được, người thua

>> Sau khi đạt mốc đỉnh 1.365,7 USD/ounce, vào lúc 21 giờ 30 (giờ Việt Nam) ngày 7-10, giá vàng thế giới đã giảm còn 1.343,6 USD/ounce.

Xuất phát từ thông tin không khả quan của thị trường tài chính châu Âu, trong đó đặc biệt sự khủng hoảng kinh tế của Hy Lạp, khiến ngay từ đầu năm 2010 giá vàng đã nhấp nhổm tăng cao do đồng EUR và USD liên tục mất giá, từ đầu quý 1 đến nay, nhu cầu vàng tăng khá mạnh.

Theo số liệu từ Hội đồng Vàng thế giới (WGC), chỉ tính trong quý 2, nhu cầu vàng đã tăng 36%, trong đó phần lớn đầu tư vàng vật chất để bảo toàn vốn. Mặc dù không có những đợt gom hàng ào ạt như những thị trường khác, nhưng tại Việt Nam vừa qua cũng không ít người “trú ẩn” để bảo toàn vốn.

Ngày 6-1-2010, chị Nguyễn Hoàng Thu, giám đốc tiếp thị một doanh nghiệp ở quận Phú Nhuận, đã mua 50 lượng vàng để dành với mức giá 26,87 triệu đồng/lượng. Do cảm thấy để vàng ở nhà không an toàn nên chị Thu đã mang toàn bộ số vàng trên gửi Ngân hàng Eximbank. Mặc dù sau thời điểm kể từ ngày 1-1-2010, ngân hàng này đã điều chỉnh giảm mạnh lãi suất huy động vàng còn 1,5% (trước đó lên tới 4%/năm).

Không chỉ được lãi, chị Thu còn được lãi kép từ việc giá vàng tăng khá mạnh. So với mức giá hiện nay, chị Thu đã lãi ròng mỗi lượng vàng 6,21 triệu đồng – nếu nhân với 50 lượng, chỉ tính số tiền lời từ việc chênh lệch giá vàng, chị Thu đã lời hơn 310,5 triệu đồng.

Nghĩ giá vàng có tăng đi chăng nữa cũng khó vượt khỏi mốc 25 triệu đồng/lượng, đầu năm 2009, chị Lê Thị Nguyệt, nhà ở đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận, đã bán 20 lượng vàng (lúc giá vàng ở mức 19 triệu đồng/lượng) đã xây 4 phòng trọ cho thuê, nhằm kiếm khoảng 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên nếu tính mức trượt giá của vàng, chị Nguyệt chẳng những không có lời mà còn lỗ nặng.

Tương tự, chị Lê Thị Mai, ngụ tại quận Bình Thạnh, cũng bỏ vàng chuyển sang bất động sản. Từ tháng 2-2010, chị Mai đã bán 20 lượng vàng ở mức giá khoảng 26 triệu đồng/lượng để mua miếng đất 300m² với giá 500 triệu đồng tại huyện Củ Chi. Vừa qua, có người hỏi mua lại miếng đất này, chị kêu giá 550 triệu đồng (chỉ tăng 50 triệu đồng) nhưng vẫn không bán được! Chị tiếc rẻ: “Nếu vẫn để vàng đến giờ, tôi đã lời ròng 140 triệu đồng. Không những vậy, khi cần vàng bán được ngay, chứ không phải chờ mòn mỏi như đất!”.

Có thể nói, việc giá vàng liên tục tăng trong thời gian qua đã ảnh hưởng mạnh đến thị trường, nhất là bất động sản. Những ngôi nhà phố, gia chủ cứ “vịn” vào giá vàng để hét giá nên giá vô tình bị đội lên một cách phi lý. Cụ thể, tại một ngôi nhà mặt tiền trên đường D1, quận Bình Thạnh, vào giữa năm 2009, gia chủ kêu 3 tỷ đồng nhưng đầu tháng 10 vừa qua họ đã đưa giá đến 6 tỷ đồng.

Theo anh Trần Hoàng Hưng, một chuyên viên môi giới bất động sản, từ đầu năm đến nay anh chỉ bán được có 3 căn hộ, còn nhà phố hầu như không bán được căn nào bởi gia chủ tính theo giá vàng nên khó bán.

Lực mua tăng mạnh

>> Theo quyết định cấp quota nhập vàng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi tới một số doanh nghiệp, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn – SJC được phân bổ 200kg vàng; Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn Thương Tín – Sacombank SBJ: 300kg vàng; Công ty CP Vàng bạc - Đá quý Phú Nhuận – Phượng Hoàng PNJ-DAB: 300kg vàng và một số doanh nghiệp khác.

Tối qua 7-10, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Văn Giàu đã xác nhận với phóng viên Báo SGGP về việc NHNN đã cho phép một số doanh nghiệp nhập vàng. Được biết, sau khi giá vàng thế giới tăng đến mức 1.360 USD/ounce, đã có 10 doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn của Việt Nam xin phép NHNN được nhập vàng, với số lượng không nhiều.

Các doanh nghiệp này cho biết, hiện nay vàng trong nước không hề khan hiếm, nhưng do biến động thị trường nên cần nhập vàng về để giải tỏa tâm lý thị trường, tránh những biến động không đáng có. Dự kiến, hôm nay 8-10, nguồn vàng nhập sẽ được chuyển về Việt Nam.

Được biết, qua trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối NHNN Việt Nam, cho biết trong trường hợp giá vàng trong nước tăng cao bất hợp lý, NHNN có thể xem xét cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng với khối lượng và thời gian phù hợp để bình ổn thị trường theo hướng giá vàng trong nước bám sát diễn biến của giá vàng thế giới.

Theo ông Huy, một trong những nguyên nhân khiến giá vàng trong nước tăng mạnh do tâm lý lo ngại trong thời gian tới giá vàng thế giới còn có thể tiếp tục tăng cao. Do đó, tại một số thời điểm giá vàng trong nước đã tăng khá cao, dẫn tới chênh lệch giữa giá vàng trong nước quy đổi và giá vàng thế giới sau khi đã tính các chi phí nhập khẩu lên tới 400.000 – 500.000 đồng/lượng.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước cho phép 10 doanh nghiệp nhập vàng, thị trường vàng đã hạ nhiệt vào tối qua. Ảnh: CAO THĂNG

Sau khi Ngân hàng Nhà nước cho phép 10 doanh nghiệp nhập vàng, thị trường vàng đã hạ nhiệt vào tối qua. Ảnh: CAO THĂNG

Trước đó, chiều 7-10, sau khi Ngân hàng Nhà nước cho phép nhập vàng, giá vàng đã giảm mạnh hơn 340.000 đồng/lượng, xuống còn 32,77 triệu đồng/lượng (mua vào) và 32,83 triệu đồng/lượng (bán ra). Theo đó, lực mua vàng tại các cửa hàng cũng tăng lên ào ạt. Tại PNJ, số lượng vàng bán ra tính đến cuối ngày đạt 4.000 lượng, tăng gấp 6 lần so với những ngày trước đó.

Tại SJC, số lượng vàng bán ra trong ngày cũng đạt hơn 6.000 lượng, trong khi lượng vàng mua vào không đáng kể. Để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư trong khi nguồn vàng nhập chưa về kịp, nhiều doanh nghiệp đã xuất hóa đơn bán hàng trước rồi hẹn khách nhận vàng sau.

B.Minh - L.M.Thi

Tin cùng chuyên mục