Vì thế, vào năm học mới đã có ngay một cuộc họp giữa cha mẹ, giáo viên chủ nhiệm lớp 1, giáo viên hỗ trợ tại trường, chuyên gia luyện giọng và bổ trợ khiếm khuyết, chuyên gia Type 7.
Trước đây tôi đã nghe đồn, con cái học hành bình thường không sao, nhưng có biểu hiện chậm tiến một chút COS sẽ không “tha” đâu. Họ sẽ theo sát cho đến khi con bạn rời khỏi ghế nhà trường. Quả nhiên, khi con vào học lớp cuối cấp mẫu giáo, tôi đã trải qua 5 cuộc họp do COS chủ trì. Nhiều vấn đề đặt ra: con gái tôi thiếu hòa nhập, quá nhút nhát, nói ít, vốn từ hạn chế, khả năng làm việc độc lập yếu, kiểm tra IQ điểm dưới mức trung bình của độ tuổi, nên đi khám COS để tìm biện pháp hỗ trợ. Đỉnh điểm là tháng 6 vừa rồi, giáo viên chủ nhiệm đề xuất con gái tôi cần ở lại mẫu giáo, chưa nên vào lớp 1 năm nay.
Nhưng trẻ lên 6 tuổi có quyền vào lớp 1. Cảm giác thích đi học và được khám phá trường mới rất quan trọng, chứ không phải ngồi lại môi trường cũ và giữa tập thể mới. Đây là những yếu tố khiến tôi quyết định cho con vào lớp 1 theo mong muốn của con: được học tiếp cùng hai bạn thân và thử nghiệm với cô giáo mới.
Lúc mới vào tiểu học, thỉnh thoảng con trai tôi về nhà kể “bạn A, bạn B tiếp thu chậm hơn nên cô ưu tiên ngồi bàn đầu. Hôm nay, bạn A, bạn B được cô giáo khác dạy riêng...”. Nghe để bụng vậy thôi, giờ mới rõ đó là các cô giáo hỗ trợ riêng, cũng làm việc tại trường. Giáo viên hỗ trợ này cũng là người đàm phán, liên lạc giữa cha mẹ học sinh với cô chủ nhiệm. Thỉnh thoảng, cô giáo hỗ trợ của con gái tôi lại gọi điện nhắc những điều cháu đang học, đang tập ở lớp cho cha mẹ tiện theo dõi. Và luôn nhắn thêm: “Nếu có gì cháu không muốn hoặc không dám nói ở trường, về nhà mới kể, cha mẹ cứ nói lại với cô để tìm cách giải quyết nhé”.
Kết quả khám của COS, kết luận con gái tôi cần hỗ trợ ở Type 7, loại hỗ trợ dành cho trẻ bị hạn chế về thính giác hoặc rối loạn chức năng phát triển ngôn ngữ. Các cuộc họp bàn hỗ trợ từ nay xuất hiện thêm hai chuyên gia mới: chuyên gia luyện giọng và bổ trợ khiếm khuyết, chuyên gia hỗ trợ giao tiếp giữa giáo viên và học sinh. Tôi đã quen khái niệm chuyên gia luyện giọng và bổ trợ khiếm khuyến (logopedie). Bởi rất nhiều con cái của bạn bè tôi, và không hiếm con của các cặp vợ chồng bản xứ cũng cần logopedie khi nói ngọng, nói lắp, khả năng diễn đạt kém... Nhưng chuyên gia kiểu phân loại Type 2 (Hạn chế về nhận thức), Type 4 (Suy giảm vận động), Type 6 (Hạn chế về thị giác), Type 7... thì lần đầu mới được tiếp xúc, tìm hiểu.
Trong giáo dục bậc phổ thông ở Bỉ, giáo viên hỗ trợ như cầu nối giữa giáo viên chủ nhiệm với học sinh, cha mẹ học sinh. Còn chuyên gia Type 7 từ nay là cầu nối giữa giáo viên chủ nhiệm và bản thân học sinh. Nói ngắn gọn: nhân vật này sẽ “dịch” và đưa ra kênh truyền đạt thông tin hiệu quả hơn giữa giáo viên và học sinh. Mỗi tuần, chuyên gia Type 7 sẽ xếp lịch đến trường một lần, trợ giúp cô và trò với phương pháp học đưa ra nhiều hình ảnh hơn, sử dụng các ngôn từ sáng rõ hơn. Những hỗ trợ này miễn phí, riêng các khóa luyện logopedie, bảo hiểm sẽ giúp thanh toán khoảng 70% chi phí.